Tin thế giới

Nhật Bản cam kết hỗ trợ tài chính giúp ASEAN phi carbon hóa

Chủ nhật, 5/3/2023 | 16:39 GMT+7
Chính phủ Nhật Bản ngày 4/3 cam kết hỗ trợ về tài chính và công nghệ nhằm giúp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) "phi carbon hóa" nền kinh tế và chống biến đổi khí hậu.


Trong Hội nghị Bộ trưởng về Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC), Nhật Bản cho biết sẽ đầu tư mạnh mẽ nhằm hỗ trợ khu vực châu Á giảm phát thải carbon. Ảnh: Nikkei Asia.

"Nhật Bản sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc cung cấp sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và nhân lực đối với quá trình phi carbon hóa ở khu vực châu Á", Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng về Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC).

Theo Nikkei Asia, AZEC là một sáng kiến được Thủ tướng Fumio Kishida đề xuất với mục tiêu khuyến khích quá trình giảm phát thải carbon ở châu Á và hợp tác trong chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững nhằm chống biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại cuộc gặp có sự tham dự của nhiều quốc gia thành viên của ASEAN và Australia, Bộ trưởng Nishimura cho biết các lĩnh vực mà Nhật Bản muốn thúc đẩy quá trình hợp tác bao gồm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch như khí tự nhiên, khí hydro và ammonia.

Trong tuyên bố chung, AZEC đã kêu gọi các thành viên của cộng đồng này cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư nhằm phi carbon hóa cơ sở hạ tầng và tạo ra những chuỗi cung ứng sử dụng nguồn năng sạch.

"Vì nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản, chúng tôi tích cực hỗ trợ họ về công nghệ, tài chính, bao gồm cả đầu tư từ khu vực tư nhân và phát triển nguồn nhân lực", ông Nishimura nói trong một cuộc họp báo sau hội nghị.

Cũng theo bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản, các thành viên của AZEC cũng có thể tạo ra một bản kế hoạch phát triển nhằm phát triển nguồn năng lượng như hydrogen và ammonia trong thời gian tới.

Trả lời Nikkei Asia, một nguồn tin cho biết với vai trò chủ tịch luân phiên của nhóm G7 trong năm 2023, Nhật Bản sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào khí đốt, khí tự nhiên hóa lỏng cũng như hydro và amoniac nhưng sẽ giữ sạch để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon năm 2050.

Link gốc

Theo: Zing News