Tin trong nước

Nhiều cách làm hay từ mô hình “Ấp/khóm văn hóa tiết kiệm điện” ở Trà Vinh

Thứ năm, 5/5/2016 | 10:47 GMT+7
Mô hình “Ấp/khóm văn hóa tiết kiệm điện” là chương trình tiết kiệm điện (TKĐ) do Tổng công ty Điện lực miền Nam phát động từ năm 2013. Qua 03 năm phát động, đến nay trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 82 ấp, khóm (49 ấp, 33 khóm) được lựa chọn để triển khai thực hiện, với tổng số 19.116 hộ gia đình đăng ký.

Công nhân Điện lực Duyên Hải tuyên truyền TKĐ tại cơ quan HCSN của huyện.
 
Kết quả tỉnh Trà Vinh tiết kiệm được 45,27 triệu kWh điện năng, tương đương 65,36 tỷ đồng. Công ty Điện lực Trà Vinh đã khen thưởng cho 24 tập thể, 134 cá nhân điển hình với tổng số tiền 44,8 triệu đồng.
 
Với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về TKĐ, từ đó, giúp các hộ gia đình có biện pháp sử dụng điện hiệu quả, dần thay thế những thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng bằng thiết bị TKĐ, nhiều hộ gia đình đạt tiêu chí TKĐ sẽ tạo thành “Ấp/khóm văn hóa TKĐ”. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực Trà Vinh đã triển khai trong tháng 05/2013. Đến nay chương trình này đã từng bước đi vào cuộc sống của người dân, có sức lan tỏa cao. Hưởng ứng phát động của ngành điện, nhiều địa phương đã có những cách làm hay trong việc vận động các hộ dân tiết kiệm điện như khóm Thống Nhất (thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang) đưa tiêu chí tiết kiệm điện vào đánh giá phân loại hàng năm đối với đảng viên, cán bộ hưu trí. Hay ấp Hưng Phụ A thuộc xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành phát tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện bằng 2 thứ tiếng Kinh và Khmer vì ấp có trên 80% đồng bào Khmer.
 
Cùng với việc vận động của chính quyền, nhiều hộ dân ý thức thực hiện tốt và có cách làm hiệu quả. Ông Huỳnh Công Triều, khóm 5, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú cho biết, trước đây gia đình chưa hiểu rõ việc tiết kiệm điện, nên trong sinh hoạt thường sử dụng loại đèn sợi đốt, đôi lúc mở ti-vi không có người xem… Sau khi đăng ký thực hiện chương trình này, gia đình ông đã chuyển đổi bóng đèn sợi đốt sang sử dụng đèn compact, các thiết bị điện trong gia đình như: tivi, thực hiện tắt khi rời khỏi tivi; khởi động và sử dụng máy giặt luôn đảm bảo đủ lượng quần, áo cho một lần giặt.
 
Ông Trịnh Văn Minh, Chủ cơ sở bánh mì Ba Minh thuộc khóm 1, Thị trấn Duyên Hải, huyện Duyên Hải, chuyển đổi từ lò bánh mì dùng củi đốt sang lò bánh mì điện và sản xuất tránh giờ cao điểm, đã tiết kiệm chi phí, do hưởng chênh lệch giữa giờ thấp điểm và cao điểm, bình quân mỗi kWh điện năng giảm 1.752 đồng (cao điểm 2.735 đ/kWh, thấp điểm 983 đ/kWh).
 
Tại trường Tiểu học Hưng Mỹ B, huyện Châu Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến học sinh thông qua các buổi học ngoại khóa hay các môn học tự nhiên có liên quan đến môi trường, khí hậu, trái đất ... giúp các em nâng cao ý  thức trong việc tắt các thiết bị như: đèn, quạt ... khi không cần thiết sau giờ giảo lao, tan trường. Bên cạnh đó, các giáo viên luôn gương mẫu thực hiện việc tiết kiệm, theo nội quy và quy chế của trường, còn hướng dẫn các em học sinh cùng tham gia, thông qua việc phân công các tổ phụ trách đội, sao đỏ thường xuyên kiểm tra và thông báo với giáo viên dạy trong lớp việc theo dõi tắt các thiết bị khi ra về. Từng em học sinh được hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và về nhà, các em đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong gia đình.
 
Công ty Cổ phần Trà Bắc tỉnh Trà Vinh sản xuất than hoạt tính phải trải qua nhiều công nghệ và các hệ thống như: Gia công nguyên liệu, gia công thành phẩm, hệ thống nồi hơi cung cấp hơi nước bảo hòa…do đó để tiết kiệm điện trong các khâu của dây chuyển sản xuất, Công ty đã thay thế dần các dây chuyền cũ, lạc hậu bằng các dây chuyền sản xuất hiện đại năng suất cao, tiết kiệm năng lượng. Công ty đã kết hợp với Công ty Cổ phần giải pháp Công nghệ E&M lắp đặt các biến tần vào các quạt hút, quạt đẩy hoạt động, tránh thừa công suất thiết kế nhằm tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Đồng thời từng bước thay thế dần các thiết bị điện hoạt động không hiệu quả như: thiết bị cũ bằng các thiết bị mới; tiến hành đo đạt thông số kỹ thuật các thiết bị đang hoạt động, để điều phối hợp lý hạn chế thừa công suất, các thiết bị khi chuẩn bị đầu tư lắp đặt mới, đều có tính toán đến công suất sử dụng cho phù hợp; thay thế các bóng đèn cao áp công suất cao, bằng bóng đèn tiết kiệm điện có công suất nhỏ, chiếu sáng phù hợp.
 
Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh phối hợp tích cực với ngành điện trong việc triển khai chương trình “Ấp/khóm văn hóa TKĐ”, phát trên 7.740 tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện, 2.520 cẩm nang an toàn- tiết kiệm điện, tổ chức 1.948 đợt tuyên truyền cho 55.770 hội viên và các hộ dân tham dự. Bà Lê Thị Bích Chi- Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh cho biết “Đây là một trong những mô hình điển hình, cách làm hay, mang nhiều ý nghĩa thiết thực, tác động trực tiếp đến đời sống của cộng đồng, nhận được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. Từng bước nâng cao nhận thức của người dân vùng nông thôn trong việc xây dựng ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đưa hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống hằng ngày của mọi gia đình và xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và đời sống sinh hoạt thiết yếu của nhân dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”.
 
Cùng với sự nỗ lực của ngành điện, các đoàn thể và các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh Trà Vinh đã tạo bước đột phá chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể, giúp người dân thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
 
Đặng Huy Hoàng/Icon.com.vn