Những hạn chế và bất cập của Luật Điện lực cần sớm được bổ sung, sửa đổi
Thứ năm, 21/7/2011 | 10:39 GMT+7
<p style="text-align: justify;">Luật Điện lực số 28/2004/QH11 được Quốc hội khóa 11 thông qua ngày 03/12/2004 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2005, quy định về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; tiết kiệm điện; thị trường điện lực; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện...</p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;">       <br />
<strong>Những kết quả đạt được</strong></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Từ khi triển khai thi hành Luật Điện lực đến nay đã được gần 6 năm, có thể nhận thấy, trong lĩnh vực quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó nổi bật là việc các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2010 có xét đến năm 2015 (Quy hoạch điện VI); đã hoàn thành việc lập và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2015 có xét đến năm 2020 (Quy hoạch điện VII); Xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển năng lượng mới, tái tạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng mới, tái tạo đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2006-2010 có xét đến 2015 cho 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, đồng thời phê duyệt Quy hoạch đấu nối các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ vào hệ thống điện quốc gia tại 15 tỉnh khu vực miền Bắc, 17 tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam (giai đoạn 2009-2010 có xét đến năm 2015). Ngoài ra, còn phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020 cho 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số tỉnh, thành phố còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Bộ phê duyệt trong năm 2011. Bộ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực cho các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2025, cũng như đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Trung du miền núi phía Bắc giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2025 để trình Bộ phê duyệt trong năm 2011... </span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Cũng từ sau khi ban hành Luật Điện lực, nhiều thành phần kinh tế đã tích cực tham gia hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực, điển hình là các ngành: Than, Dầu khí, các nhà đầu tư tư nhân, liên doanh triển khai thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện theo hình thức nhà máy điện độc lập (IPP) và các dự án nguồn điện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Còn Nhà nước chỉ độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn. Mới đây, trả lời phỏng vấn một tờ báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, đối với lưới điện 110 kV trở xuống, hầu hết do các đơn vị phân phối, bán lẻ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Các đơn vị phát điện vừa và nhỏ của tư nhân và các thành phần kinh tế khác ngoài EVN hầu hết không đầu tư lưới điện 110 kV trở xuống đến công tơ bán điện như Luật Điện lực quy định. Việc lựa chọn chủ đầu tư cho các công trình nguồn điện lớn (không thuộc nhóm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh) chủ yếu là thực hiện theo hình thức chỉ định ngay trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Mặc dù chưa tạo được sự cạnh tranh, nhưng hình thức này đã giúp cho chủ đầu tư chủ động chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn, tiết kiệm được từ 1-2 năm thời gian đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. </span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2010, tổng công suất lắp đặt của nguồn điện toàn hệ thống (kể cả điện nhập khẩu của Trung Quốc) là 21.380MW, trong đó, nguồn thuỷ điện chiếm tỷ trọng khoảng 38% tổng công suất  lắp đặt nguồn điện; nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 18,4%; turbin khí 32,5%; nhiệt điện dầu 4,4%; diesel và thuỷ điện nhỏ khoảng 2,8%. Điện sản xuất toàn hệ thống (kể cả điện nhập khẩu) trong giai đoạn 2005-2010 tăng trưởng trung bình 13,3%/năm; đáp ứng về cơ bản nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Một số hạn chế và bất cập của Luật cần sớm được bổ sung, sửa đổi</span></strong></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Những ai quan tâm đến hoạt động điện lực thì đều nghĩ rằng, Luật Điện lực là luật chuyên ngành với những quy định pháp lý chặt chẽ, chuẩn mực để thực thi, thế nhưng, khi trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia hàng đầu trong ngành Năng lượng đã thẳng thắn cho rằng, Luật Điện lực chưa đi vào cuộc sống. Nước ta đang thực hiện chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, nên quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập về cơ chế giá điện; cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực; các văn bản hướng dẫn dưới luật không quy định cụ thể cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, đầu tư các dự án điện lực, các cơ chế thưởng - phạt về tiến độ và chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện nên hầu hết các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, chất lượng thiết bị công trình không đảm bảo, trong khi lại thiếu chế tài xử phạt; vi phạm hành lang lưới điện còn xảy ra ở nhiều công trình; bên cung cấp điện không đảm bảo đủ điện nhưng chẳng có ai xử lý, hoặc quá trình vận hành lưới điện hạ thế không an toàn, gây chết người không ai xử phạt, chỉ đền bù ít tiền là xong. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các ngành và địa phương phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện một số dự án, công trình nhiệt điện bị báo chí lên tiếng về không đảm bảo tiến độ và chất lượng thiết bị máy móc quá kém, chậm đến hàng năm và mới đưa vào vận hành đã bị sự cố, nhưng đáng tiếc là chưa có trường hợp nào được xử lý. Thậm chí, nhà thầu đó lại tiếp tục thắng thầu ở những dự án kế tiếp. Chung quy cũng chỉ tại Luật quy định không chặt chẽ, thiếu điều kiện ràng buộc và vẫn lấy tiêu chí rẻ là điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, Bộ Công Thương có Cục Điều tiết Điện lực, nhưng mấy năm qua, hoạt động chưa hiệu quả, giữa Cục với EVN chưa tìm được tiếng nói chung để khẳng định vai trò điều tiết hoạt động điện lực, là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, giữa trung ương và địa phương.    </span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Luật Điện lực cũng chưa thể hiện được cụ thể về quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng các dạng năng lượng mới, tái tạo; dự án nguồn  điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo với quy mô nào thì đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy mô nào thì đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực địa phương; nhất là chưa quy định cụ thể các cơ chế, chế độ, chính sách về khuyến khích đầu tư, giá điện để thực hiện các dự án sử dụng năng lượng mới, tái tạo cho phát điện, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. </span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Tại Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Điện lực tại cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề tiết kiệm điện tuy đã được triển khai rộng nhưng chưa có các quy định, chế tài và các biện pháp xử lý nên hiệu quả chưa cao. Luật cần bổ sung một số cơ chế, chính sách và các chế tài có liên quan đến việc huy động vốn, cho vay vốn, hợp đồng trong khâu đấu nối lưới điện và đền bù di dân, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến. Xây dựng cơ chế áp dụng giá điện khác nhau đối với các địa bàn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Quy định rõ cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, bù đắp chênh lệch giá điện cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo. Quy định cụ thể về giá bán lẻ điện ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo đã nối lưới hoặc chưa nối vào lưới điện quốc gia, bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh bền vững. </span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Ông Lê Huy Nhỡn – Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên còn chỉ rõ: Điều 30, 31 Luật Điện lực 2004 quy định: Bộ Công Thương quyết định giá cụ thể, khung giá cụ thể trình Thủ tướng, tuy nhiên, khung giá cụ thể đó lại không được thực thi bởi chưa được phép. Vì vậy, cần phải sớm thực hiện cơ chế giá điện mới theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đó là phải tăng mạnh giá điện, tăng cao hơn đối với các hộ, đơn vị quản lý và tiêu dùng có mức độ sử dụng điện lớn, tức là những hộ, đơn vị có đời sống và thu nhập cao, để ngành Điện có nguồn vốn đầu tư, cũng như thu hút được nhà đầu tư vào hoạt động điện lực. Đối với những hộ nông dân, vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì nên khuyến khích dùng điện hạn chế, với giá thấp, đảm bảo được khoản hỗ trợ 30.000 đồng/hộ. Nếu thực hiện tốt việc này, coi như chúng ta đang từng bước đi vào kinh tế thị trường, theo hướng cạnh tranh điện lực. Luật Điện lực cũng cần quy định rõ hơn về chính sách khen thưởng đối với các dự án đầu tư lớn, cụ thể là các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng để giảm bớt tiêu thụ về điện, tiến tới từng bước thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. Còn ông Phạm Quang Thái – Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh thì có ý kiến cụ thể hơn, đó là việc các địa phương (cấp huyện) có nên tiếp tục xây dựng quy hoạch điện lực cấp huyện hay không? Bởi trong quá trình triển khai, khi gặp vướng mắc trong quy hoạch điện lực cấp tỉnh có thể đối chiếu với quy hoạch cấp quốc gia để triển khai. Còn khi xây dựng quy hoạch điện cấp huyện lại phải chờ quy hoạch điện lực cấp tỉnh được Bộ Công Thương phê duyệt, do đó, nếu quy định thời hạn 5 năm lập quy hoạch triển khai là quá ngắn, mà cần phải quy định giai đoạn là 5 năm và tầm nhìn đến 10 năm. </span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khi trao đổi với phóng viên báo chí, không thể phủ nhận những kết quả có được từ khi có Luật Điện lực, nhưng để sản xuất kinh doanh điện chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, có một thị trường điện mang tính minh bạch và cạnh tranh thì nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực cho phù hợp với tình hình mới.<br />
</span></p>
Nguyễn Đừng – Lê Hằng