Những sáng kiến hiệu quả của ngành điện

Thứ tư, 14/10/2015 | 15:52 GMT+7
Trong quá trình tham gia lao động trực tiếp trên đường dây, những công nhân ngành điện TP Hồ Chí Minh đã đưa ra những sáng kiến hữu ích, qua đó nâng cao hiệu quả lao động, chất lượng phục vụ khách hàng. Đó chính là mục tiêu tập trung thực hiện để hướng đến xây dựng một nét văn hóa riêng cho ngành điện.

 Các công nhân kỹ thuật đang rửa sứ theo công nghệ mới tại trạm. Ảnh minh họa

Lâu nay, bạn bè, đồng nghiệp vẫn thường gọi anh Trương Thái Sơn, Tổ phó tổ Quản lý vận hành Lưới điện 1, Công ty Điện lực Chợ Lớn (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh) là “cây sáng kiến” của đơn vị. Tâm sự về 22 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận, anh Sơn khiêm tốn cho biết: “Tôi không nghĩ mình phát minh gì thêm trên những dụng cụ đã có. Trong quá trình làm việc, nhiều khi thiết bị bị trục trặc, ảnh hưởng tới năng suất lao động hoặc đơn vị chưa mua sắm kịp, cho nên tôi mày mò cải tiến”.

Năm 2006, anh Sơn đã có sáng kiến đối với chiếc kìm ép thủy lực. Sau 5 năm sử dụng, chiếc máy cầm tay này bắt đầu “trở chứng”, lúc hư chỗ này, hỏng chỗ kia khiến anh em công nhân làm việc cứ thấp thỏm. Anh mang máy về tháo ra tìm hiểu cấu kiện bên trong để tìm cách khắc phục. Thấy bộ nhông chuyển động làm bằng nhựa anh cải tiến làm bằng thép; với bộ mạch điện (kiểm soát việc hoạt động của dụng cụ) không khắc phục được, anh tháo luôn và thay bằng một cọng chì sau khi đã đo đạc dòng diện một cách khoa học; pin bị chai, anh tháo ra và thay thế bằng bộ ắc-quy có dòng điện tương thích,… Đến tận bây giờ, dù đã có thiết bị mới nhưng anh em vẫn thích sử dụng chiếc máy này để làm việc.

Từ năm 2006 đến nay, năm nào anh Sơn cũng đều đặn cho ra đời những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có năm, tới bốn, năm sáng kiến. Những sáng kiến của anh Sơn đã được đơn vị đánh giá cao bởi hiệu quả thực tiễn. Tại công ty, hễ thiết bị, máy móc có trục trặc thì người đầu tiên anh em công nhân nghĩ tới là anh Sơn. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều anh em ở các công ty Điện lực khác cũng thỉnh thoảng tìm tới nhờ anh tư vấn trong công việc.

Do lưới điện thành phố chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp, khu dân cư và bám theo các trục đường giao thông cho nên thường xuyên bị nhiễm bẩn. Để tránh nguy cơ phóng điện, gây sự cố, giảm thiểu tổn hao điện năng trên lưới, ngành điện buộc phải cắt điện để vệ sinh sứ điện.

Trước đây, công việc này được thực hiện một cách thủ công, tức là công nhân trèo lên cột rồi lau chùi từng bát sứ. Điều này không những phải kéo dài thời gian cắt điện, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách hàng, mà còn làm mất sản lượng điện thương phẩm, giảm doanh thu. Việc vệ sinh sứ trên cao (có trụ cao hơn 40 m) cũng làm tăng nguy cơ mất an toàn lao động cho người thợ điện… Với các thiết bị trong trạm biến áp, đường dây cao thế, để thực hiện vệ sinh theo cách thủ công này buộc phải cắt điện toàn trạm, đường dây trên diện rộng.

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về áp dụng công nghệ vệ sinh lưới điện đang có điện bằng nước áp lực cao (vệ sinh cách điện hotline), sau khi Công ty Truyền tải điện 3 tiến hành nghiên cứu thử nghiệm thành công từ năm 2010, từ tháng 3 năm nay, EVN đã triển khai thực hiện đại trà tại các đơn vị trực thuộc. Công ty Lưới điện cao thế TP Hồ Chí Minh đã cử cán bộ, công nhân viên tham gia các khóa đào tạo, đồng thời mua sắm các trang, thiết bị cần thiết và thành lập nhóm vệ sinh cách điện hotline đến cấp điện áp 220 kV.

Từ giữa tháng 9 đến nay, nhóm vệ sinh cách điện hotline đã triển khai các đợt rửa sứ điện tại các tuyến và trạm, đồng thời hỗ trợ các công ty điện lực khu vực để vệ sinh cách điện trên lưới 15, 22 kV khi có yêu cầu. Theo Phó Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế TP Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Khương, việc áp dụng công nghệ mới này không tốn nhiều chi phí khi với nguồn nước sạch sẵn có thì chỉ cần giảm lượng i-on trong nước là đã có thể dùng để rửa sứ. Đây là một trong những công nghệ mới các đơn vị sẽ ứng dụng rộng rãi trong thời gian tới nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần cắt điện trong năm.

TP Hồ Chí Minh hiện có 15 khu chế xuất, khu công nghiệp cùng hàng nghìn doanh nghiệp, đơn vị đang hoạt động, khi áp dụng công nghệ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời nâng cao uy tín, vị thế của thành phố đối với các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn thành phố…
Theo: Báo Nhân dân