|
Ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng Giám đốc EVN |
Năm 2010 là năm thực sự thách thức đối với hoạt động của EVN. Điểm nổi bật là tình hình thiếu nước để sản xuất của các nhà máy thủy điện (tổng công suất 8.218 MW, chiếm 36% công suất lắp đặt toàn hệ thống) do hậu quả của thiên tai khô hạn khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua, kéo dài từ quí 4/2009 đến nay khiến lượng nước về các hồ thủy điện năm 2010 sụt giảm mạnh so với qui luật, hụt 38,6 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm (tương đương trên 6 tỷ kWh điện). Trong đó các hồ dung tích lớn hụt rất nhiều như Hòa Bình hụt 22,8 tỷ m3, Thác Bà hụt 1,35 tỷ m3, Tuyên Quang hụt 1,97 tỷ m3... Năm 2010 trừ hệ thống Sông Ba, Sông Srepok, rất nhiều hệ thống sông như sông Đà, sông Lô - Gâm, sông SeSan, sông Đồng Nai, v.v... không xuất hiện lũ lớn khiến các hồ thủy điện trên các hệ thống sông này không phải xả lũ qua đập tràn (điều chưa từng xảy ra trong lịch sử).
Vì vậy, mặc dù với công suất lắp đặt hiện có của hệ thống (trên 21.630MW) hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện (15.000 - 16.000MW), song do thiếu nước nên không thể huy động hết năng lực của nguồn thủy điện. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình hình cung ứng điện năm 2010 trong nhiều thời điểm rất căng thẳng, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa khô. Bên cạnh đó một số nguồn nhiệt điện than mới ở miền Bắc hoạt động kém ổn định, quá trình xử lý sự cố kéo dài khiến tình hình thêm khó khăn. Trong điều kiện sản lượng thủy điện thiếu hụt quá nhiều, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu và mua ngoài giá cao, cân đối tài chính của Tập đoàn bị ảnh hưởng lớn.
Trong tình hình như vậy, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ công nhân viên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là:
Về sản xuất và cung ứng điện, sản lượng điện sản xuất và mua ngoài năm 2010 của Tập đoàn đạt trên 97,25 tỷ kWh, vượt 3,87 tỷ kWh so với kế hoạch Nhà nước giao, tăng 1,86 lần so với năm 2005, vượt 4,25 tỷ kWh so với chỉ tiêu trong kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị và Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Chiến lược phát triển điện Việt Nam giai đoạn 2004- 2010, định hướng năm 2020, tăng 14,63% so với năm 2009. Điện thương phẩm năm 2010 đạt 85,6 tỷ kWh, tăng 14,41% (nội địa là 13,58%), bình quân ước đạt 981000 kWh/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt gần 14% (trên 13,7%), gấp hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP. Hiện nay EVN bán điện trực tiếp đến trên 17,375 triệu khách hàng.
Về đầu tư xây dựng, năm 2010 EVN đưa vào vận hành 11 tổ máy với công suất 1.895 MW, trong đó có tổ máy số 1 thủy điện Sơn La (sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội), khởi công được 5 dự án nguồn điện với tổng công suất 4.356MW, đóng điện 131 công trình lưới điện từ 110-500 kV với tổng chiều dài 1.486 km và tổng công suất các trạm biến áp là 9.137 MVA. Tổng giá trị đầu tư của tập đoàn năm 2010 lên tới59.428 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2009, cao nhất từ trước đến nay. Đến cuối năm 2010, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống điện đạt trên 21.630 MW. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2006-2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện tăng 1,98 lần so với năm 2005, tổng công suất nguồn điện mới trong hệ thống điện tăng thêm 10.400 MW, bằng công suất lắp đặt của cả giai đoạn hàng trăm năm kể từ khi nước ta lần đầu tiên có điện đến năm 2005.
Về điện khí hoá nông thôn, đến cuối năm 2010, 100% số huyện trong cả nước có điện lưới và điện tại chỗ; gần 98,4% số xã và 95,86% số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 5,86% so với chỉ tiêu Đại hội X của Đảng. Điện khí hoá nông thôn đã thực sự góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp hiệu quả trong xoá đói giảm nghèo cho đồng bào. Năm 2010, tập đoàn đã hoàn thành dự án cấp điện thôn buôn 5 tỉnh Tây Nguyên, tiếp nhận xong lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp tại 3.942 xã, nâng tổng số xã Điện lực bán điện trực tiếp trên toàn quốc lên 7.029 xã (chiếm tỷ lệ 78,47%).
Bên cạnh đó, năm 2010 tập đoàn tiếp tục nỗ lực thực hiện các hoạt động hướng về cộng đồng, vì lợi ích chung của toàn xã hội. Ví dụ, trong công tác tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, đẩy mặn và cấp nước cho các nhu cầu dân sinh khác, ngay trong mùa khô, tập đoàn đã điều tiết 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang xả 3,5 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải và gieo cấy, tưới dưỡng lúa để góp phần cho thắng lợi vụ Đông Xuân 2009-2010 ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, điều tiết hồ Hàm Thuận và Đa Mi tưới tiêu cho 15.000 ha lúa tại huyện Tánh Linh, Đức Linh thuộc tỉnh Bình Thuận...
Những nỗ lực của EVN là rất đáng kể. Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất của EVN vẫn là phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Trong khi đó, tình trạng thiếu điện, cắt điện năm qua vẫn gây bức xúc lớn trong dư luận. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Năm 2010 vừa qua, tình trạng mất cân đối cung- cầu điện đã xảy ra, nhất là trong các tháng cuối mùa khô khiến phải thực hiện điều hoà phụ tải trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Về nguyên nhân gây thiếu điện, Thủ tuớng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu rất rõ trong báo cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 ngày 24/11/2010.
Trong năm 2010, tình hình khô hạn khốc liệt kéo dài khiến các nhà máy thủy điện không đủ nước là nguyên nhân chính gây căng thẳng về cung - cầu điện do công suất nhà máy đủ nhưng không thể phát điện để cung cấp cho phụ tải.
Qua kiểm tra của Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực và EVN, những vấn đề gây bức xúc đối với dư luận trong năm 2010 là một số tồn tại còn để xảy ra trong quá trình phân phối và thực hiện điều hoà tiết giảm điện ở một số địa phương như: thời gian cắt điện, trả điện chưa đúng thông báo; lịch cắt điện chưa hợp lý; thông báo trước cho khách hàng không đủ 5 ngày; Giải quyết kiến nghị, khiếu nại của khách hàng không kịp thời,... Lãnh đạo Bộ Công Thương, tập đoàn đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục ngay.
Lãnh đạo tập đoàn khẳng định năm nay sẽ tiếp tục thiếu điện nhiều hơn năm trước. Ông có thể giải thích rõ hơn vấn đề này?
Dự kiến sản lượng điện năm 2011 của toàn hệ thống sẽ đạt 117,6 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện 6 tháng mùa khô 2011 dự kiến sẽ đạt 56,14 tỷ kWh, tăng 18,3% (8,69 tỷ kWh) so với cùng kỳ năm 2010. Như vậy, các tính toán cho thấy phụ tải điện sẽ tiếp tục duy trì xu thế tăng trưởng cao, đặc biệt trong 6 tháng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6).
Trong khi đó, như đã trình bày ở trên, quá trình tích nước cuối năm các hồ thủy điện để chuẩn bị cho các tháng mùa khô 2011 gặp khó khăn do khô hạn tiếp tục kéo dài, nhiều hệ thống sông mất mùa lũ khiến lượng nước về các hồ thủy điện sụt giảm mạnh. Vào thời điểm 1/1/2010, mức nước các hồ thủy điện đều rất thấp, mức nước nhiều hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Trị An, Ialy, Hàm Thuận, Đại Ninh... thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2010 và so với mực nước đầy hồ. Cụ thể: hồ Hòa Bình chỉ tích lên được 100,89m/117 m (hụt 16,11 m), hồ Tuyên Quang chỉ đạt 108,72/120 (hụt 11,28 m), hồ Thác Bà chỉ đạt 50,79m/58 m (hụt 7,21 m), hồ A Vương chỉ đạt 363,42 m/380 m (hụt 16,58 m), Pleikrong 564,56 m/570 m (hụt 5,44 m), Ialy đạt 493,04/515 (hụt 21,96 m), Trị An 54,02m/62 m (7,98 m), Thác Mơ đạt 206,07/218 m (hụt 11,93 m), Hàm Thuận đạt 589,57/605 m (hụt 15,43 m). Tổng lượng nước thiếu hụt so với mực nước đầy hồ khoảng 12,9 tỷ m3(tương đương 3 tỷ kWh điện). Đây là lượng thiếu hụt kỷ lục.
Trong khi đó, vào cuối tháng 1, trung tuần tháng 2/2011, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ phải thực hiện xả khoảng trên 2,7 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải và gieo cấy vụ Đông Xuân 2010- 2011 cho 12 tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Sau các đợt xả này, mức nước các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ xuống rất thấp, rất gần mực nước chết.
Việc nguồn nước thủy điện cạn kiệt sớm ngay ở những ngày đầu mùa khô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động nguồn điện của toàn hệ thống trong mùa khô 2011 và dự báo sẽ gây khó khăn cho cung ứng điện. Nếu các nguồn nhiệt điện, tua bin khí tiếp tục vận hành không ổn định thì tình hình cung ứng điện các tháng mùa khô 2011 sẽ càng khó khăn hơn. Một vấn đề khác là sự thiếu hụt sản lượng thủy điện sẽ đặt những sức ép lớn lên chi phí và giá thành sản xuất của EVN do lượng nhiệt điện dầu FO, DO phải huy động trong 6 tháng mùa khô tăng lên rất lớn (dự kiến khoảng 3,8 tỷ kWh). Vì vậy, rất cần sớm có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ vấn đề vốn lưu động cho việc huy động sản lượng nguồn nhiệt điện dầu này.
Về con số cụ thể, hiện nay Bộ Công Thương đang xem xét phê duyệt kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2011 và sẽ sớm có công bố trong thời gian tới.
Tập đoàn đã tính tới những giải pháp gì để tháo gỡ các khó khăn trên, thưa ông?
Hiện nay, EVN đang tích cực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn trong cung ứng điện trong thời gian sắp tới, tập trung vào các giải pháp nhằm tăng thêm và giữ ổn định nguồn cung cho hệ thống, giảm tổn thất điện năng, tăng cường tiết kiệm điện. Các giải pháp lớn là:
Đẩy nhanh tiến độ và vận hành ổn định các nhà máy mới đặc biệt các nhà máy nhiệt điện than.Tiếp tục trưng dụng các tổ máy nhiệt điện than mới Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Sơn Động trong thời gian chạy thử nghiệm và chờ cấp PAC. Tập trung cùng nhà thầu nhanh chóng giải quyết các sự cố nếu có.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện để đến tháng 6/2011 đưa vào vận hành 08 tổ máy/6 nhà máy điện với tổng công suất 1.058 MW, gồm TM2-TĐ Sông Tranh 2 (95 MW- tháng 3/2011); TM2 - TĐ Đồng Nai 3 (90 MW- tháng 3/2011); TĐ An Khê- Ka Nak (2x80 MW, 2x6,5 MW) M1 An Khê quý I/2011, M2 và TĐ Ka Nak quí II/2011; TM2 - TĐ Sơn La (400 MW-tháng 4/2011); NĐ Uông Bí MR2 (300 MW-tháng 4/2011).
Bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy hiện có để đảm bảo độ sẵn sàng cao hơn trong các tháng mùa khô 2011.
Tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối điện, nhất là giảm tổn thất điện năng trong lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận.
Phối hợp chặc chẽ với Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương liên quan về cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2010-2011 và nước sinh hoạt cho các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.
Tăng cường tuyên truyền về tình hình khô hạn, mực nước các hồ chứa trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng xã hội hiểu, chia sẻ và nâng ý thức tiết kiệm điện, tiết kiệm nước. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Bám sát tình hình thời tiết, cấp khí, thủy văn… nhằm điều tiết hợp lý mức nước các hồ thủy điện để vừa đảm bảo phát điện đến cuối mùa khô vừa phục vụ nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp;
Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện cho mùa khô và cả năm 2011, báo cáo UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để UBND tỉnh/thành phố có kế hoạch chỉ đạo chủ động, đảm bảo hài hoà giữa các mục tiêu dân sinh và sản xuất trên địa bàn.
Theo ông thì các giải pháp trên có thể giải quyết được cơ bản tình hình thiếu điện trong năm nay không?
Những giải pháp trên sẽ giảm sức ép lên cân đối cung cầu điện trong năm 2011, nhất là trong tình hình khô hạn vẫn đang diễn ra rất khốc liệt. Trong các giải pháp trên, tôi đặc biệt lưu ý và hy vọng vào sự chung tay của cộng đồng xã hội và doanh nghiệp trong việc thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện 1 cách hiệu quả. Nếu toàn xã hội, trong đó có nhiều ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng chung sức, chung lòng, quyết liệt chung tay tiết kiệm từ 5-10% sản lượng (tương đương 7-10 tỷ kWh), nhất là trong 6 tháng mùa khô này, cùng với sự nỗ lực hết sức mình của EVN và các doanh nghiệp sản xuất điện khác thì chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn do thiên tai khô hạn gây ra.
Xin trân trọng cám ơn ông!