Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng phê duyệt Phương án giá điện năm 2011 để thực hiện từ tháng 3/2011. Như vậy, không lâu nữa chắc chắn giá điện sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu để “đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội” là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.
Tăng giá điện là giải pháp cần thiết
Từ năm 2004 đến nay, năm nào nước ta cũng lâm vào tình trạng thiếu điện, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội. Thực tế, tăng trưởng phụ tải các năm qua chỉ đạt 13-14%/năm, thấp hơn nhiều so vói dự báo của Tổng sơ đồ điện nhưng phát triển nguồn vẫn không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng phụ tải. Rõ ràng, thiếu điện không phải do khâu lập quy hoạch mà do các dự án nguồn không đảm bảo tiến độ, các nhà máy thủy điện không hoạt động hết công suất do thiếu nước, các nhà máy nhiệt điện mới vận hành chưa đảm bảo tin cậy. Trong khi đó, kinh tế mở cửa đã kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến
Đặc biệt, năm 2011 được dự báo là một năm đặc biệt khó khăn đối với ngành điện do tình hình thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng thuỷ điện. Theo tính toán, kế hoạch tổng sản lượng điện sản xuất năm 2011 của toàn hệ thống là 117,6 tỉ kWh, tăng trưởng phụ tải lên đến 17,63%, đặc biệt sản lượng điện trong các tháng mùa khô lên đến 56,11 tỉ kWh, tăng 18,3% (8,69 tỉ kWh) so với mùa khô năm 2010. Theo tính toán của Bộ Công Thương, mùa khô năm 2011sẽ thiếu khoảng trên 2 tỉ kWh. EVN tiếp tục phải sản xuất và mua điện từ các nguồn có giá cao trong khi giá bán điện chưa được điều chỉnh. Đây là sức ép rất lớn, khiến hoạt động tài chính của EVN lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thiếu điện có nguyên nhân sâu xa từ cơ chế giá. Hiện giá điện nước ta còn rất bất cập và được điều chỉnh rất chậm trong khi giá của các loại nhiên liệu đầu vào tăng “chóng mặt”. Với chức năng là doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kinh doanh điện, EVN “được phép” mua điện theo giá đàm phán nhưng phải bán lẻ theo “giá trần” do Chính phủ quy định. Vì vậy, EVN buộc phải cân nhắc đàm phán giá mua hợp lý đảm bảo kinh doanh có lãi khiến nhiều nhà đầu tư luôn cảm thấy bị “ép giá”. Điều đó đã ảnh hưởng lớn tới việc kêu gọi đầu tư vào nguồn điện, kể cả việc thực hiện tiến độ các dự án đã có chủ đầu tư. Hậu quả là tình trạng mất điện, cắt điện luân phiên diễn ra liên tục. Theo nhiều chuyên gia, với cơ chế giá điện hiện nay, thiếu điện sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.
Thực tế, với tâm lý người tiêu dùng, được dùng hàng giá rẻ là điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu được dùng hàng đảm bảo chất lượng. Nói cách khác, khách hàng sẵn sàng chịu giá điện tương xứng với mong muốn được sử dụng điện ổn định, liên tục, có chất lượng.
Giá điện sẽ được điều chỉnh đảm bảo lợi ích các bên
Trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) khẳng định: Bộ Công Thương nghiên cứu đề án tăng giá điện trên cơ sở phù hợp với lộ trình theo cơ chế thị trường nhằm thu hút đầu tư vào ngành điện, hạn chế tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện không thể chỉ căn cứ vào việc thiếu vốn đầu tư do lỗ của EVN mà phải được nghiên cứu, cân nhắc trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên.
Hiện nay, Đề án giá điện theo cơ chế thị trường đã được Bộ Công Thương hoàn tất để trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo dự thảo của cơ chế điều chỉnh giá điện thì về nguyên tắc giá điện sẽ được xem xét trên cơ sở căn cứ vào giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát theo các nguồn chính thức. Đơn vị bán buôn điện có trách nhiệm tính toán, kiểm tra tác động của các biến động các yếu tố lên giá điện bình quân cơ sở trong quý tiếp theo để xem xét điều chỉnh giá điện của từng quý, từng năm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, mức tăng giá điện do Bộ đề xuất đã được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Cùng với việc tính giá theo cơ chế thị trường, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách bù giá điện cho người nghèo, người thu nhập thấp, thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Được biết, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án giá điện sẽ tăng lên khoảng 18% và một phương án của Bộ Tài chính đề xuất là giá điện sẽ tăng 11%. Nếu phương án tăng 18% được Chính phủ lựa chọn thì giá điện sẽ tăng lên gần 200 đồng/kWh. Các hộ có mức tiêu thụ điện 50 kWh/tháng trở xuống phải trả thêm trên 5.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ điện trung bình dưới 100 kWh/tháng sẽ trả thêm trên 21.000 đồng/tháng. Các hộ có mức tiêu thụ đến 200 kWh/tháng sẽ trả thêm 55.000 đồng/tháng, tiêu thụ đến 400 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 100.000-140.000 đồng/tháng. Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng về mức tăng giá này để sớm đưa vào áp dụng từ tháng 3 tới.
Như vậy, tăng giá điện là điều tất yếu. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, liều lượng thế nào để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất quan trọng, bởi điện là nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Điều đó rất cần một quyết sách mạnh mẽ cho vấn đề giá điện nói chung, năng lượng nói riêng theo hướng thị trường. Nếu điều chỉnh không hợp lý sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu điện, thậm chí còn khiến nhiều ngành lợi dụng “té nước theo mưa” tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, tăng giá điện là giải pháp lâu dài chứ không thể lập tức khắc phục được tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2011. Vì vậy, giải pháp trước mắt vẫn là đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị và công nghệ mới tiết kiệm điện, đồng thời có các phương án tích cực đối phó với tình trạng thiếu điện ngay trong muà khô tới.