PC Bắc Giang: Nỗ lực phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp

Thứ ba, 22/3/2022 | 10:25 GMT+7
Những năm qua, Công ty Điện lực Bắc Giang luôn đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng về sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công sở trên địa bàn.
Thực hiện vệ sinh công nghiệp, khơi thông hệ thống thoát nước trong TBA 110 kV.
 
Tính đến hết năm 2021, Công ty đã và đang quản lý vận hành trên 360 km đường dây và 16 trạm biến áp 110kV với tổng công suất 1.492 MVA; trên 17.000 km đường dây trung hạ áp; 5.250 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 2.900 MVA, cấp điện cho 590.000 khách hàng sử dụng điện. Sản lượng điện thương phẩm bình quân đạt trên 18%. Qua đó, 12/12 dịch vụ điện được triển khai và đẩy mạnh trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
 
Để đảm bảo cung cấp điện ổn định và thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với điện lưới, trong giai đoạn 2016-2020, Công ty Điện lực Bắc Giang đã đầu tư xây dựng mới 01 trạm biến áp 110kV, nâng công suất 03 trạm biến áp 110kV, xây dựng mới 374 km đường dây trung áp, 490 trạm biến áp phân phối và trên 1.300 km đường dây hạ áp cấp điện đến vùng sâu, vùng xa tại các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.

Đồng thời, đơn vị cải tạo, nâng cấp, sửa chữa rất nhiều hạng mục, công trình lưới điện hiện có để đảm bảo cung cấp điện ổn định, nâng cao chất lượng điện và dịch vụ khách hàng. Song song với đầu tư từ ngành Điện lực, tỉnh Bắc Giang cũng đã đầu tư xây dựng rất nhiều đường dây, trạm biến áp cấp điện cho vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, 100% số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được sử dụng điện lưới Quốc gia với chất lượng điện và độ ổn định ngày càng được nâng cao.  
 
Năm 2021 là năm thực hiện chủ đề của chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, theo chỉ đạo, Công ty đã ban hành kế hoạch thực hiện số hóa dữ liệu về quản lý kỹ thuật bao gồm các phần mềm quản lý lưới điện trên bản đồ (GIS), quản lý máy biến áp (MBA), Quản lý nguồn và lưới điện (PMIS), quản lý mất điện (OMS). Số hóa dữ liệu về khách hàng bao gồm công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng (CMIS), số hóa hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng. Số hóa dữ liệu về CBCNV (HRMS) và chuẩn hóa làm sạch dữ liệu, quản lý hồ sơ của CBCNV trên HRMS. Hiện tại 100% các công trình đầu tư xây dựng được quản lý theo dõi trên phần mềm IMIS.
 
Để hiện thực hóa mục tiêu 100% nghiệp vụ làm trên môi trường mạng, với các hồ sơ văn bản giấy được số hoá kèm chữ ký số, Công ty đang triển khai giai đoạn 1 về việc số hoá quy trình lĩnh vực tài chính kế toán, kỹ thuật – an toàn, thử nghiệm các quy trình xét duyệt sáng kiến, quy trình môi trường, quy trình công tác thí nghiệm lưới điện 110kV, quy trình kiểm tra hiện trường lưới điện trung áp. Đối với quy trình lĩnh vực kinh doanh – chăm sóc khách hàng, Công ty triển khai thực hiện số hóa theo 4 quy trình bao gồm quản lý hợp đồng, thu nộp tiền điện, quy trình báo cáo hỗ trợ điều hành, báo cáo chăm sóc khách hàng, báo cáo quản lý đo đếm được thực hiện theo đúng kế hoạch của Tổng công ty. Đến hết tháng 10/2021, tỷ lệ hóa đơn thanh toán không dùng tiền mặt đạt 82,59%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử lũy kế năm 2021 đạt 98,3% cao hơn kế hoạch được giao 95%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đạt lũy kế năm 2021 đạt 96% cao hơn kế hoạch được giao 80%.
 
Về công tác thu thập dữ liệu từ xa công tơ bán điện, tỷ lệ điện tử hóa công tơ đạt 55%. Công ty đang trong quá trình lắp đặt và khai thác sử dụng công nghệ 3G/GPRS hệ thống công tơ điện tử như đo xa tại các xuất tuyến, tự dùng, tụ bù các TBA 110kV, Đo xa đầu TBACC, TBACD qua modem, Đo xa sau TBACC.  Hạ tầng chuyển đổi số như trung tâm dữ liệu, máy chủ, đường truyền được củng cố, đảm bảo tất cả các hệ thống vận hành ổn định khi đưa vào khai thác và triển khai diện rộng.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về công tác an toàn thông tin, Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, đội ứng cứu và cử nhân viên làm an toàn thông tin chuyên trách. Tổ chức tập huấn đối với cán bộ công nghệ thông tin điện lực để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Cùng với đó, Công ty tiến hành xây dựng  văn hóa doanh nghiệp số đề cao nhận thức của cán bộ công nhân viên về phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả trong chuyển đổi số. Tạo môi trường văn hóa với những giá trị văn hóa mới và chuẩn mực số hóa, hiện đại để chuyển đổi số diễn ra thành công.
 
Điện lực Lục Nam thực hiện công tác ATVSLĐ. Ảnh: Lãnh đạo phòng An toàn – PCBG phổ biến, hướng dẫn tại Hội trường Điện lực Lục Nam ngày 18/02/2022.
 
Công ty đã rà soát và kiện toàn lại nhân sự Ban chỉ đạo 5S của Công ty. Thống nhất vai trò, phân công trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo và tổ giúp việc 5S nhằm thực hiện tốt công tác tổ chức, điều hành và duy trì tốt 5S của Công ty và các đơn vị trực thuộc. Tuyên truyền phổ biến đến các đơn vị nắm bắt để triển khai thực hiện. Tính đến ngày 29/12/2019, Viện Năng suất Việt Nam đã cấp chứng nhận Thực hành tốt 5S lần 2 cho 08 trụ sở văn phòng Điện lực và kiểm tra, đánh giá giám sát cho trụ sở văn phòng Công ty và Điện lực thành phố. Ban chỉ đạo 5S và Tổ giúp việc đã đôn đốc các đơn vị thực hiện triển khai Quyết định số 2518/QĐ-EVNNPC ngày 21/9/2020 của Tổng Giám đốc về việc thực hiện quy định thực hành và duy trì 5S tại trụ sở làm việc áp dụng trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Tại trụ sở văn phòng Công ty và các Đơn vị trực thuộc duy trì thực hiện 5S thường xuyên, môi trường làm việc chung tại trụ sở văn phòng đảm bảo an toàn, sạch sẽ, thuận tiện công tác quản lý, tạo động lực nâng cao hiệu suất lao động.
 
Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, được triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Để triển khai thực hiện tiêu chí số 4 về điện, Công ty Điện lực Bắc Giang đã tham mưu cho Tỉnh, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp nhiều nội dung trong việc triển khai thực hiện, như: Công tác quy hoạch nguồn, lưới điện đảm bảo cấp đủ điện cho vùng nông thôn; công tác thiết kế, xây dựng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho lưới điện và đảm bảo an toàn trong quá trình cung cấp, sử dụng điện; công tác vận hành lưới điện nông thôn và nâng cao chất lượng điện năng; công tác mua bán điện; công tác sửa sữa, duy tu, bảo dưỡng lưới điện. Tính đến nay, trong tổng số 184 xã trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang đã có 184 xã đạt tiêu chí 4.2 và 130 xã đạt cả hai tiêu chí 4.1, 4.2 về điện.
 
Trong thời gian tới, ngành Điện lực Bắc Giang sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quản lý với chất lượng và dịch vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.

Link gốc
Theo: Con số & sự kiện