Đoàn công tác PC Bình Dương kiểm tra các vị trí cáp viễn thông “mạng nhện”, xác định đơn vị chủ quản để phối hợp xử lý.
Trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN), đơn vị khai thác các dịch vụ cần được nâng cao nhằm bảo đảm mỹ quan, phòng tránh các tai nạn, sự cố chập cháy liên quan.
Ngành điện tích cực xử lý
Ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PC Bình Dương), cho biết từ năm 2020, Công ty đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Dịch vụ Điện lực Bình Dương (DVĐLBD) giao công tác quản lý, vận hành cáp thông tin, viễn thông treo trên trụ điện cho đơn vị này phối hợp với các nhà mạng thông tin/viễn thông để xử lý dứt điểm 2.500 vị trí nguy hiểm, mất mỹ quan đô thị.
“Tuy nhiên, hiện tại còn nhiều khu vực, vị trí cáp thông tin không còn sử dụng treo chằng chịt trên trụ điện, xung quanh trạm biến áp gây nhiều khó khăn cho người lao động khi làm việc, đồng thời rất dễ xảy ra cháy nổ, đặc biệt là trong mùa nắng nóng hiện nay. Nhiều vị trí cáp bị đứt, võng xuống gây mất an toàn cho người dân và phương tiện qua lại”, ông Lê Minh Quốc Việt cho biết thêm.
Lãnh đạo PCBD cho biết kiểm tra vào cuối tháng 4-2023 vừa qua, cho thấy nhiều vị trí mất an toàn chưa được xử lý một cách triệt để, đặc biệt là cáp rác, cáp không còn sử dụng nhưng không được DN viễn thông/thông tin thu hồi. Thực trạng này đã gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa và khắc phục sự cố lưới điện, mất an toàn cho công nhân khi tác nghiệp trên lưới điện, gây nguy hiểm cho người dân, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, không thể kiểm soát. Dây cáp thuê bao cũ đứt, hỏng không được tháo gỡ, cộng với việc phát triển thuê bao mới của nhiều DN viễn thông dẫn đến số lượng sợi cáp trên cột điện ngày càng nhiều, không được treo néo, bó gọn theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Xí nghiệp DVĐLBD, cho biết toàn tỉnh còn nhiều vị trí nguy hiểm của cáp viễn thông, thông tin đang hiện hữu trên trụ điện của 223 tuyến lưới cần phải khắc phục kịp thời. Từ tháng 5-2021 đến nay, các đơn vị viễn thông liên quan đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nhưng vẫn chưa triệt để. Hiện các nhà mạng đang kiểm tra, rà soát và triển khai thực hiện nhằm bảo đảm an toàn, không để xảy ra các sự cố đe dọa sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân.
Theo đánh giá của ngành điện, thời gian qua việc cáp viễn thông, thông tin treo mắc trên trụ điện không tuân thủ đúng các quy định của ngành điện lực và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gây ra nhiều vụ tai nạn thiệt hại về người và tài sản. Qua một số vụ tai nạn trước đây cho thấy việc không tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng bảo đảm an toàn, việc kiểm tra, giám sát sau thời gian sử dụng vẫn còn hạn chế. Tại buổi kiểm tra mới đây, để khắc phục và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, nhất là đang vào mùa mưa bão sắp đến, PC Bình Dương đã đề nghị Xí nghiệp DVĐLBD khẩn trương đẩy nhanh tiến độ phối hợp cùng các đơn vị viễn thông xử lý dứt điểm.
Khó khăn trong quản lý
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết sau khoảng 5 năm tổ chức triển khai các kế hoạch về hạ ngầm và chỉnh trang mạng cáp viễn thông, 100% khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp được quy hoạch và đầu tư hạ tầng ngầm cáp viễn thông đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, góp phần bảo đảm an toàn cho mạng viễn thông và mỹ quan đô thị.
Cụ thể, đến cuối năm 2022, các DN viễn thông trong tỉnh đã thực hiện hạ ngầm toàn bộ cáp viễn thông gồm cáp trục chính và cáp thuê bao tại 33 tuyến đường với khoảng 40km thuộc các khu vực trung tâm đô thị. Hiện các DN viễn thông đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng ngầm thêm 29 tuyến đường với khoảng 50km và sẽ triển khai hạ ngầm cáp tại các tuyến đường này trong năm 2023. Công tác chỉnh trang mạng cáp viễn thông treo chung trên cột điện lực do PC Bình Dương chủ trì, phối hợp với các nhà mạng viễn thông thực hiện. Trong giai đoạn 2021-2022 đã chỉnh trang bằng cách bó thô, không trang bị gông cho khoảng 90km, ngoài ra, PC Bình Dương đã xử lý gần 2.500 vị trí có nguy cơ chạm, chập gây cháy, nổ.
Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, hiện nay công tác quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ viễn thông trên địa bàn chủ yếu thực hiện theo kế hoạch kiểm tra của Cục Viễn thông khi nhận được yêu cầu, tại địa phương gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn nhân lực. Các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền tại địa phương chủ yếu là chi nhánh hoặc đơn vị trực thuộc của các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo nhiều mô hình khác nhau, khó xác định trách nhiệm về công bố, báo cáo chất lượng dịch vụ.
“Quá nhiều tổ chức được cấp phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng và triển khai mạng cáp trên cùng một địa bàn. Việc sử dụng chung cột điện lực để treo cáp viễn thông còn nhiều bất cập, chưa có quy chuẩn kỹ thuật để điều chỉnh việc dùng chung hệ thống cột treo cáp cho các ngành điện lực, chiếu sáng, viễn thông. Các DN viễn thông chưa chủ động tuân thủ nghiêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mạng cáp ngoại vi viễn thông - QCVN 33:2019/BTTTT. Nhân sự thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về mạng cáp viễn thông cấp tỉnh, cấp huyện còn hạn chế. Các DN viễn thông tại địa phương chủ yếu là chi nhánh hoặc đơn vị trực thuộc nên còn hạn chế về thẩm quyền quyết định kinh phí phục vụ cho công tác ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp. Hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các đô thị cũ còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm cho việc đầu tư các tuyến cống, bể ngầm”, ông Lê Tuấn Anh nói.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Cần có quy định cho phép các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của các tập đoàn, tổng công ty viễn thông tại địa phương chủ động hơn trong việc quyết định kinh phí phục vụ công tác ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp; xem xét xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho hệ thống cột treo cáp dùng chung để xác định vị trí, độ cao, khoảng cách các loại đường cáp giúp cho việc xác định trách nhiệm của các chủ thể được rõ ràng hơn.
Link gốc