Bến cảng đảo Lý Sơn.
Lý Sơn có diện tích tự nhiên 10,39km2, dân số hơn 22 nghìn người, nằm ngay trên con đường biển từ Bắc vào Nam và ngay cửa ngõ phía Đông của Khu kinh tế Dung Quất cũng như của cả khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Với vị trí này, Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu của đất nước, giữ vị thế chính trị đặc biệt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
Nơi đây có nhiều tài nguyên vô giá để phát triển các loại hình du lịch, hướng đến phát triển ngành dịch vụ - du lịch; trở thành trung tâm du lịch biển - đảo hàng đầu quốc gia. Lý Sơn còn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá, nơi những hùng binh của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ hàng trăm năm trước dong thuyền ra biển xác lập và thực thi chủ quyền trên 02 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cùng với đó là hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những lễ hội truyền thống quý giá như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội đua thuyền Tứ linh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Đặc biệt, hành, tỏi nơi đây có hương vị thơm, ngon, được du khách mệnh danh Lý Sơn là “Vương quốc tỏi”…
Do ở giữa biển khơi xa nên Lý Sơn gặp nhiều khó khăn, trước hết là về điện.
Đối với Đảo Lớn, từ tháng 2.1999 tại 2 xã An Vĩnh và An Hải, điện được cấp từ 1 tổ máy phát diesel 380kVA; 01 Trạm biến áp nâng 400kVA- 0,4/15(22) kV; với 8,1 km đường dây trung áp; 3,94 km đường dây hạ áp cấp điện cho 1.972/4.000 hộ do UBND huyện Lý Sơn quản lý. Tuy nhiên, mỗi xã chỉ được sử dụng điện luân phiên một đêm có, một đêm không, thời gian phát điện 6 giờ vào ban đêm.
Tháng 01.2002, UBND huyện Lý Sơn chính thức bàn giao hệ thống điện nói trên cho ngành Điện. Sau khi tiếp nhận, qua các năm ngành Điện đã cải tạo, nâng cấp, bổ sung 08 tổ máy phát điện, công suất khả dụng 3.000 kW; đồng thời cải tạo, nâng cấp 9,8 km đường dây trung áp; 18,7 km đường dây hạ áp; 14 TBA với tổng dung lượng 3.600 kVA. Thời gian phát điện 6 giờ ban đêm (từ 17- 23 h) để phục vụ cho sinh hoạt tối thiểu của nhân dân trên đảo Lớn. Đến 9.2014, ngành Điện đã đầu tư xây dựng hệ thống cáp ngầm xuyên biển 22kV từ xã Bình Hải - huyện Bình Sơn ra đảo Lý Sơn. Tổng mức đầu tư: 652,5 tỷ đồng, với đường dây 22 kV trên không trên đất liền thuộc huyện Bình Sơn dài 8,746 km; đường dây cáp ngầm 22 kV dưới biển từ đất liền ra đảo dài 26,219 km. Từ 9/2014 đến nay, đảo Lớn được cấp điện bằng nguồn lưới điện quốc gia 24/24 giờ/ngày. Việc kéo cáp ngầm cấp điện giúp đảo Lý Sơn có nguồn điện ổn định, lâu dài, tạo điều kiện để thu hút đầu tư và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.
Máy phát điện diesel 380kVA một thời cấp điện thiết yếu cho đảo Lớn.
Đối với đảo Bé (An Bình), năm 2000, đảo Bé được UBND huyện đầu tư 1 máy phát điện diesel công suất 15 kVA, phát điện áp 0,4 kV cấp điện trực tiếp cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, máy bị hư hỏng; trên đảo chỉ còn máy phát điện của UBND xã công suất 3 kVA phục vụ hoạt động hành chính khi cần thiết. Năm 2005, có 20 hộ dân trên đảo được cấp điện bằng hệ thống điện mặt trời.
Từ tháng 01 năm 2016, UBND xã An Bình tạm bàn giao cho ngành Điện 02 máy phát điện do Công ty DooSan tài trợ đầu tư phục vụ cho Nhà máy lọc nước để cung cấp nước ngọt cho nhân dân. Sau khi tiếp nhận, ngành Điện đã đầu tư xây dựng 2,7 km đường dây hạ thế để cấp điện cho toàn bộ 116 hộ sử dụng điện ở xã đảo An Bình, thời gian là 9 giờ/ngày, phát điện theo lịch vận hành của nhà máy lọc nước.
Để đảm bảo cấp điện cho nhân dân xã An Bình, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đầu tư xây dựng nhà máy phát điện An Bình với hai tổ máy Diesel Cummins 2x110 kVA và đưa vào sử dụng vào cuối quý 4 năm 2016.
Ngày 22.01.2017 thực hiện theo chỉ đạo của EVN, Điện lực Lý Sơn phát điện 24/24 giờ. Ngày 31.8. 2017 đưa vào vận hành hệ thống pin năng lượng mặt trời 96kWp lai ghép với hai tổ máy phát điện 2x110 kVA (dự án cấp điện cho xã An Bình huyện Lý Sơn giai đoạn 2 tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng) để cung cấp điện cho xã An Bình, nhân dân xã An Bình có điện 24/24 giờ. Điện thương phẩm qua các năm ngày càng tăng, tuy nhiên do dùng nguồn Diesel nên kết quả kinh doanh điện năng tại huyện đảo Lý Sơn liên tục lỗ, bình quân lỗ hàng năm từ 2003-2014 là trên 10 tỷ đồng/năm. Nguyên nhân do chi phí đầu vào (nhiên liệu, tỷ giá,...) biến động tăng cao làm giá thành 1 kWh điện sản xuất cao hơn nhiều so với giá bán điện bình quân, mặc dù đã được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Từ 9.2014 đến nay nhờ có điện lưới quốc gia ra đảo bằng cáp ngầm, Lý Sơn thực sự khởi sắc. Điện được sử dụng 24/24 h mỗi ngày, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn đáp ứng nhu cầu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, công nghiệp xây dựng, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch (chiếm tỉ trọng 33,88 % sản lượng điện thương phẩm).
Hiện tại, Điện lực Lý Sơn quản lý 14,627 km đường dây trung áp 22kV (tăng 149 % so với trước tháng 9.2014); 27,159 km đường dây cáp ngầm vượt biển; 36,249 km đường dây hạ áp (tăng 194 % so với trước tháng 9.2014); 34 TBA với dung lượng 8.610kVA (tăng 243 % TBA và 239 % dung lượng các TBA so với trước tháng 9.2014); với 7063 khách hàng sử dụng điện (tăng 166 % so với trước tháng 9.2014); Sản lượng điện thương phẩm 2,736 triệu kwh (tăng 531 % so với trước tháng 9.2014); Sản lượng điện thương phẩm 4 tháng đầu năm 2023 là 5,656 triệu kwh, tăng 6,01 % so với cùng kỳ năm 2022…
Ngay từ khi có điện lưới quốc gia, ngành Điện đầu tư, ứng dụng công nghệ cao để vận hành lưới phân phối. Toàn bộ hơn 6.300 công tơ trên đảo Lý Sơn được trang bị hệ thống công tơ thu thập số liệu từ xa RF-Spider, giúp tăng năng suất lao động, kiểm soát tổn thất điện năng hạ áp chính xác. Việc thu thập dữ liệu được thực hiện tự động và kết nối tới hệ thống CMIS để phát hành hóa đơn theo hình thức hóa đơn điện tử. Hệ thống điện lưới trên đảo được xếp vào diện tiên tiến bậc nhất Việt Nam vì được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đảo Lý Sơn ngay đầu sóng ngọn gió, luôn là nơi chịu nhiều cơn bão mỗi năm, thế nhưng, lưới điện luôn được giữ vững và duy trì.
Huyện đảo Lý Sơn chuyển mình và khởi sắc khi được thắp sáng bằng lưới điện quốc gia. Người dân có nguồn điện ổn định, liên tục với giá điện bình quân bằng với giá điện trong đất liền. Lý Sơn thực sự là nơi hấp dẫn nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thu hút lượng lớn du khách tới đảo. Nếu như trước năm 2014, lượng khách tới đảo hàng năm chỉ dưới 10.000 người thì tới nay đã tăng gấp khoảng 23 lần. Các cơ sở lưu trú phát triển, hiện có thể chứa được 1.000 khách trong một ngày, trong đó có những khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Dịch vụ được nâng cấp tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Từ khi có điện, mọi lĩnh vực, đời sống của người dân nâng cao gấp nhiều lần.
Trước tháng 9 năm 2014, người dân sử dụng máy nổ để bơm nước tưới cho cây trồng. Chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp cao, tốn nhiều công, đặc biệt là phung phí nguồn nước. Có điện lưới quốc gia, nông dân trên đảo mạnh dạn đầu tư mô hình tưới bằng hệ thống pec phun, đỡ công, tiết kiệm được nguồn nước ngọt vốn rất khan hiếm trên đảo, chi phí đầu tư thấp. Hiện tại hơn 90% diện tích nông nghiệp trên đảo đang sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động. Có điện lưới quốc gia, dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo phát triển. Ngư dân Lý Sơn không cần phải chạy vào đất liền để sửa chữa tàu như trước…
Lưới điện đảo Lý Sơn hiện tại.
Nhà cửa, kiến trúc trên đảo Lý Sơn ngày càng khang trang, sầm uất.
Ông Đoàn Yên - Giám đốc Điện lực Lý Sơn cho biết: Điện thực sự là đòn bẩy để các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đảo Lý Sơn từ 15% đến 16%/năm. Lưới điện hiện đại mang đến một sức sống mới cho hòn đảo tiền tiêu, góp phần cùng huyện đảo chuyển mình và thay đổi toàn diện về kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.