Nhân viên giao tiếp khách hàng thực hiện hướng dẫn khách hàng cài app CSKH EVNSPC và zalo TCT Điện lực miền Nam để sử dụng hình thức giao dịch trực tuyến.
Số hóa trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng
Từ năm 2019, PCBD bắt đầu triển khai dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4. Thay vì đến phòng giao dịch như trước đây, mọi yêu cầu của khách hàng được thực hiện mọi lúc mọi nơi chỉ với chiếc smartphone có kết nối mạng internet. Điều này đã mang đến nhiều sự tiện lợi cho khách hàng, đặc biệt an toàn cho khách hàng trước tình hình dịch bệnh như thời gian qua.
Ngoài ra, để nâng cao năng suất lao động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn dữ liệu để trở thành doanh nghiệp số, phần mềm khảo sát cấp điện bằng máy tính bảng và xác định tọa độ khách hàng đã được đưa vào sử dụng. Theo đó, nhân viên khảo sát sẽ thực hiện vẽ sơ đồ cấp điện trên máy tính bảng và xác định tọa độ ngay tại vị trí cấp điện. Dữ liệu được truyền trực tiếp về cho bộ phận phụ trách, xác nhận trình ký số và thực hiện chuẩn bị các thủ tục cấp điện cho ngày hôm sau, rút ngắn thời gian cấp điện. Quan trọng hơn, tọa độ khách hàng, những thông tin cần biết về khách hàng được nhập liệu đầy đủ trên hệ thống giúp cho công tác quản lý, chăm sóc khách hàng dễ dàng và thuận lợi hơn.
Vẽ sơ đồ cấp điện bằng máy tính bảng tại hiện trường
Tất cả các hoạt động kinh doanh từ ghi chỉ số điện qua điện thoại thông minh, xác định tọa độ vị trí khách hàng, khai thác dữ liệu đo xa, khảo sát cấp điện, lịch sử treo tháo công tơ….đều được tích hợp qua hệ thống quản lý CMIS 3.0 (hệ thống thông tin quản lý khách hàng).
Vì vậy, khi cần khai thác dữ liệu, thực hiện báo cáo, dự đoán nhu cầu đều được thực hiện một cách nhanh chóng qua chương trình CMIS 3.0. Mọi số liệu đều có con số rõ ràng, cụ thể, điều này đã tạo thuận lợi cho lãnh đạo đưa ra những quyết định cũng như chiến lược kinh doanh, chăm sóc khách hàng cho những năm tiếp theo.
Từng bước quản lý lưới điện trên nền tảng số
Với tốc độ phát triển của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua, hệ thống lưới điện ngày càng mở rộng về qui mô, nhiều phân đoạn, nhánh rẽ, thiết bị gây khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý. Để giảm áp lực cho công tác quản lý, kiểm tra xử lý các khiếm khuyết một cách nhanh chóng nhằm đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, kể từ tháng 5 năm 2018, PC Bình Dương đã thực hiện quản lý lưới điện qua phần mềm có tên gọi là hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn, lưới điện – PMIS.
Thông qua phần mềm, tất cả dữ liệu về lưới điện đều được số hoá lên không gian mạng, bao gồm: đường dây, máy biến áp, các thiết bị trên lưới điện như tụ bù, thiết bị đóng cắt, cột, xà, sứ … các thông số kỹ thuật và các thông tin về kiểm tra định kỳ, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị. Với chức năng lưu trữ và theo dõi lịch sử vận hành của thiết bị trên phần mềm, việc quản lý vòng đời của các thiết bị lưới điện trở nên đơn giản hơn và thuận tiện trong việc lập kế hoạch thay thế, bảo trì, bảo dưỡng.
Thực hiện bảo trì nhanh chóng lưới điện ngay khi khiếm khuyết được nhóm kiểm tra ghi nhận qua PMIS.
Cơ sở dữ liệu của PMIS còn được ứng dụng trong việc lập các phiếu kiểm tra định kỳ đường dây và thiết bị lưới điện, giảm đáng kể thời gian cho cán bộ kiểm tra trong việc in ấn và lưu trữ phiếu kiểm tra. Ngoài ra, các module công việc trên phần mềm PMIS liên kết với các thiết bị di động hỗ trợ cho lực lượng công nhân trong việc nhập trực tiếp các thông tin kiểm tra đường dây và thiết bị ngoài hiện trường, sau đó đồng bộ vào phần mềm PMIS để lưu trữ thông tin kiểm tra trên phần mềm PMIS. Công tác này là một trong những nội dung số hóa các phiếu kiểm tra lưới điện hỗ trợ công tác quản lý vận hành lưới điện ngày càng hoàn thiện hơn.
Cán bộ phương thức tính toán tính toán tổng thời gian mất điện cho các công tác thông qua phần mềm OMS.
Để theo dõi sự cố lưới điện nhằm giảm thời gian gián đoạn điện cung cấp cho khách hàng, phần mềm PMIS đã tích hợp module liên kết với chương trình quản lý mất điện (chương trình OMS), qua đó tính toán được chỉ số mất điện trung bình của khách hàng (chỉ số SAIDI) theo tháng/quý/năm một cách tự động, tính toán được các chỉ số gián đoạn điện để thực hiện công tác cắt điện thi công các công trình đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, bảo trì lưới điện, từ đó cán bộ phương thức tính toán được tổng thời gian mất điện cho các công tác và thực hiện thao tác các kết nối một cách tối ưu.
Thông qua các tiện ích của phần mềm PMIS và chương trình OMS, việc quản lý vận hành và quản lý mất điện cho khách hàng ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Chuyển đổi nhận thức – Kết nối người lao động thông qua nền tảng số
Một trong những chuyển biến đáng khích lệ trong tiến trình chuyển đổi số chính là sự chuyển đổi nhận thức từ lực lượng người lao động tại Công ty Điện lực Bình Dương. Cán bộ công nhân viên giữa các đơn vị có sự kết nối thông qua quá trình vận hành từng phân hệ của chương trình quản lý. Phân hệ này hoàn thành thì phân hệ kia mới có thể kiểm tra chốt số liệu và báo cáo. Đơn cử như phần mềm quản lý ERP (Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp), nếu phân hệ quản lý vật tư không chốt số, chuyển chứng từ nhập xuất kho kịp thời thì phân hệ kế toán không thể kết sổ. Ngược lại, trong quá trình kết sổ kế toán bị lệch số liệu thì bộ phận vật tư và kế toán phải cùng phối hợp rà soát tìm ra nguyên nhân mới có thể mở kỳ (mở tháng làm việc mới) tiếp theo để thực hiện nhập liệu.
Nhờ có mối liên kết chặt chẽ tạo sự tương hỗ lẫn nhau trong công việc hình thành nên văn hóa số. Để hoàn thành nhiệm vụ chung, các cá nhân phải liên kết, từng bộ phận thực thi nhiệm vụ như một dòng chảy, thông tin được chia sẻ nhanh chóng, liên tục qua không gian số. Chính sự chia sẻ, tương tác đã tạo nên một môi trường số, kết nối người lao động mọi lúc mọi nơi.
Với cơ sở dữ liệu từng bước được số hóa, lực lượng lao động trẻ sẵn sàng thử nghiệm đổi mới, sáng tạo, Công ty Điện lực Bình Dương vững tin sẽ thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 và định hướng đến năm 2025.