Phương pháp đo 62% được PC Gia Lai sử dụng để đo giá trị điện trở nối đất của các công trình điện nhằm hạn chế sai số.
Qua thống kê số liệu sét trong giai đoạn từ năm 2017 ÷ 2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sét đánh nhiều nhất vào thời điểm giao mùa tháng 4, tháng 5 và có xu hướng giảm dần trong tháng 6, tháng 7 và có xu hướng tăng trở lại trong tháng 8, tháng 9. Đây cũng là khoảng thời gian dễ xảy ra sự cố về sét gây mất điện trên địa bàn tỉnh. Số lượng sét có sự phụ thuộc rõ rệt vào địa hình, diện tích tự nhiên và mức độ phát triển, chủ yếu tại khu vực các huyện Kbang, Chư Prông – là các địa phương có diện tích tự nhiên lớn, địa hình nhiều đồi núi, nông trường cao su, cây rừng.
Với khối lượng quản lý vận hành lưới điện lên tới 444,984 km đường dây 110 kV; 28 TBA 110kV; hơn 5.191 km đường dây trung thế cùng 5.619 trạm biến áp phân phối trên những vùng có mật độ giông sét lớn, việc quản lý hệ thống tiếp địa dẫn truyền dòng sét xuống đất một cách nhanh chóng, an toàn giúp bảo vệ lưới điện, tránh những thiệt hại bởi dòng sét gây ra, bảo vệ an toàn cho con người và thiết bị luôn là một nhiệm vụ được PC Gia Lai hết sức chú trọng.
Theo đó, nhằm đảm bảo các điều kiện vận hành an toàn, liên tục cho người lao động cũng như tuân thủ các điều kiện vận hành của thiết bị và hệ thống điện, nâng cao nhận thức của CBCNV về tầm quan trọng của hệ thống tiếp địa trong vận hành, nâng cao tính hiệu quả nhằm tối ưu của các giải pháp để hạn chế sự cố có nguyên nhân do giông sét, đầu tháng 02/2024, PC Gia Lai đã phát động phong trào thi đua quản lý vận hành hệ thống tiếp địa trung áp năm 2024 cho 15 Điện lực trực thuộc PC Gia Lai trong thời gian từ đầu tháng 02/2024 đến hết ngày 30/04/2024.
Trong đợt phát động thi đua lần này, PC Gia Lai trích từ nguồn kinh phí khen thưởng của Công ty khen thưởng cho 03 Điện lực quản lý vận hành hệ thống tiếp địa trung áp tốt nhất năm 2024. Đồng thời quy định 05 nội dung để các Điện lực tham gia thực hiện, bao gồm: rà soát tổng thể hệ thống nối đất an toàn/làm việc; đo đạc giá trị điện trở tiếp địa; kiểm tra tiếp xúc tại các điểm nối; khoảng cách giữa dây pha và dây tiếp địa; công tác lưu trữ hồ sơ, biên bản và cập nhật lên phân hệ thiết bị chương trình PMIS.
PC Gia Lai sẽ không xét thi đua cho Điện lực có số liệu sai lệch lớn so với kết quả kiểm tra đột xuất, kiểm tra quản lý kỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động; không hoàn thành số lượng tiếp địa tới hạn tối thiểu, không cung cấp được hồ sơ liên quan khi có yêu cầu, cập nhật sai thông tin tiếp địa trên phân hệ thiết bị.
Dự kiến trong đợt phát động thi đua lần này, PC Gia Lai sẽ thu thập được hơn 8.051 giá trị điện trở nối đất của hệ thống điện để cập nhật lên dữ liệu PMIS và CBM thông qua việc áp dụng phương pháp đo 62% dùng các thiết bị chuyên dụng, như: Kyorisu 4150, Megger Det 2/3, Chauvin CA6471, Fluke 1655 nhằm hạn chế sai số, từ đó đề ra những giải pháp vận hành tối ưu và khẩn trương xử lý các vị trí có giá trị điện trở nối đất không đảm bảo yêu cầu vận hành.