Công nhân Điện lực TP Hòa Bình dùng thiết bị đo xa HHU để ghi chỉ số công tơ.
Từ đó góp phần quan trọng tăng năng suất lao động, cải tiến dịch vụ, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng ngành Điện.
CNTT được ứng dụng rõ rệt và tạo nhiều chuyển biến trong hoàn thiện hệ thống đo xa. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn công ty có khoảng 248.000 chiếc công tơ điện tử, trong đó có 96.483 chiếc công tơ điện tử đo xa; có 6.528 chiếc công tơ điện tử 1 pha cơ học tại 9 Điện lực huyện; 32.262 công tơ điện tử 1 pha có modun RF đọc chỉ số bằng thiết bị cầm tay, chiếm 15,54%; 16.704 công tơ điện tử 1 pha đọc chỉ số từ trang web 16.704, chiếm 92%; 9.235 chiếc công tơ điện tử 3 pha 1 giá và 3 giá, chiếm 69,98%. Trong 320 chiếc công tơ điện tử 3 pha đọc chỉ số của khách hàng chuyên dùng đã thực hiện đọc được 267 chiếc, chiếm 83,4%. Công tơ điện tử các trạm biến áp (TBA) công cộng có 909 chiếc, trong đó 778 chiếc đã đọc từ trang web, đạt 85,5%.
Ông Hoàng Trọng Nam, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Hòa Bình đánh giá: Việc vận hành, khai thác các loại công tơ điện tử có nhiều ưu điểm như đối với công tác giảm tổn thất, các TBA được thay công tơ điện tử đều giảm so với lúc chưa thay. Công tơ gọn nhẹ, cấp chính xác, thang đo dải rộng, vận hành kinh tế, kể cả các TBA có điện áp thấp, có chức năng thu thập dữ liệu từ xa bằng các thiết bị cầm tay HHU, Bluetooth và DCU qua sóng RF. Một ưu điểm nữa là công nhân không phải trèo cột, đảm bảo an toàn. Dữ liệu được mã hóa và bảo mật, không chỉnh sửa được, giúp giảm thiểu các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập số liệu và tính hóa đơn. Hệ thống thực sự mang lại hiệu quả trong công tác quản lý đo đếm chính xác, tiết kiệm. Khai thác nhanh số liệu để phục vụ tính toán tổn thất điện năng, nhân công ghi chỉ số điện tránh được những sai sót do đọc sai chỉ số, nhập sai chỉ số... Từ đó, giảm thiểu được thắc mắc, phản ánh của khách hàng.
Theo đánh giá từ phía khách hàng, việc ứng dụng công tơ điện tử vào đo đếm điện năng giúp ích cho cả bên mua và bên bán. Phía khách hàng biết được phụ tải thực tế sử dụng qua các thông số điện áp và dòng điện để điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, dễ phát hiện xảy ra rò điện tại các thiết bị sử dụng lâu năm, chất lượng cách điện bị suy giảm. Qua đó, ngăn ngừa tai nạn điện trong nhà, dễ dàng giám sát được chỉ số và điện năng đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Về phía ngành Điện, công tơ điện tử đọc xa có tính năng nổi trội, đáp ứng tốt sự nghiệp hiện đại hóa hệ thống thông tin phục vụ khách hàng, góp phần minh bạch trong công tác kinh doanh điện năng.
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Hòa Bình cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cập nhật thông tin khách hàng, quản lý thống kê tìm kiếm trên excel. Nhằm đa dạng các kênh giao tiếp với khách hàng, tạo bước chuyển mạnh về công tác chăm sóc khách hàng, ngành Điện tích cực triển khai việc chăm sóc khách hàng sử dụng điện thông qua tin nhắn, SMS, email... Các kênh thanh toán tiền điện như ATM, Internet Banking... phát triển rộng rãi. Công ty cũng đang ứng dụng CNTT hiệu quả trong phần mềm điều chỉnh phụ tải, thanh toán tiền điện. Thực hiện quản lý khách hàng trên hệ thống CMIS 3.0, thu tiền không dùng tiền mặt... Tăng cường hợp tác với các ngân hàng trong dịch vụ thu tiền điện, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán như Viettel, VNPay... Khách hàng có thể lựa chọn các hình thức như thanh toán trích nợ tự động tài khoản, qua internet banking/ mobile banking, ví điện tử, thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng...