“Số hóa” dịch vụ thu tiền điện: Lợi ích kép

Thứ tư, 20/3/2019 | 10:05 GMT+7
Để tạo thuận lợi cho khách hàng, ngành điện lực miền Nam đang “số hóa” mạnh mẽ các dịch vụ thu tiền điện, nhờ đó tiết kiệm được hàng nghìn ngày công và hàng chục tỷ đồng mỗi năm.  
so hoa dich vu thu tien dien loi ich kep
Hiện có 16/21 công ty điện lực phía Nam triển khai không thu tiền điện tại nhà
 
Tháng 2/2017, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên website của mình. Đến nay, EVNSPC đã tiếp nhận 3,8 triệu yêu cầu của khách hàng qua Trung tâm chăm sóc khác hàng, phòng giao dịch khách hàng tại các công ty điện lực thành viên ở 21 tỉnh, thành phía Nam và tiếp nhận 2,9 triệu yêu cầu dịch vụ từ Trung tâm chăm sóc khác hàng qua các kênh Trung tâm hành chính công, website, App CSKH, Zalo, Email. Tỷ lệ giao dịch trực tuyến (website, điện thoại, email, app...) qua các kênh của Trung tâm chăm sóc khách hàng và qua các Trung tâm hành chính công, cổng dịch vụ công trực tuyến của công ty điện lực đạt 77%.
 
Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, EVNSPC hiện có gần 8 triệu khách hàng, tổng số tiền thu được năm 2018 là hơn 122.457 tỷ đồng, bình quân hơn 10.204 tỷ đồng/tháng và 335 tỷ đồng/ngày. Nhằm hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt, EVN SPC không ngừng mở rộng hợp tác với các ngân hàng (NH), các tổ chức thanh toán trung gian (TCTG). Các hình thức thu tiền không sử dụng tiền mặt như trích nợ tự động, ATM, ngân hàng trực tuyến, UNT/UNC… đạt trên 765.000 khách hàng, chiếm tỷ lệ 10,02%.
 
Hiện tại, đã có 16/21 công ty điện lực triển khai thí điểm không thu tiền điện tại nhà khách hàng, đạt 543.656/1.192.016 (45,61%) khách hàng đồng thuận chủ trương của ngành điện không phải đến nhà thu tiền điện tại nhà. Các NH và TCTG thu trên 2,441 triệu khách hàng (chiếm 38% ), trong đó các tỉnh có tỷ lệ khách hàng thanh toán qua hai kênh này đạt trên 40% là Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bình Phước.
 
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, Công ty đã thực hiện được 177.930 hóa đơn tiền điện qua các NH và các TCTG, đạt tỷ lệ 44,01%. Hiện tại, Công ty Điện lực Tây Ninh đang đẩy mạnh công tác tuyền thông về chương trình thanh toán tiền điện qua các NH, các TCTG, thanh toán không dùng tiền mặt đến khách hàng sử dụng điện. Công ty còn cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng trên Zalo cho 100% công nhân viên và dịch vụ bán lẻ điện đến các khách hàng, nhằm chuyển tải trực tuyến các thông tin về các dịch vụ của ngành điện đem lại hiệu qủa hơn.
 
so hoa dich vu thu tien dien loi ich kep
Số hóa dịch vụ thu tiền điện, giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Bình Dương - ông Lê Minh Quốc Việt cho hay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 470.197 khách hàng sử dụng điện, tỷ lệ thu tiền điện qua các NH và các TCTG hiện nay đạt 33% trên tổng số khách hàng, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và giúp ngành điện lực địa phương tiết giảm được nhiều ngày công lẫn chi phí trong việc thu tiền điện. Ông Việt dẫn chứng, kết qủa triển khai thí điểm xóa thu tiền điện tại nhà khách hàng ở Điện lực Thủ Dầu Một (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), tỷ lệ thu qua NH và TCTG trước khi xóa thu là 30% và đạt 100% sau khi xóa thu. Chi phí thuê thu tiền điện từ dịch vụ thu trực tiếp tại nhà khách hàng khoảng 200 triệu đồng/ tháng và 40 triệu đồng/tháng chi phí thuê cộng tác viên đốc thu, nhắc nợ sau khi xóa thu tiền điện tại nhà.
 
Ông Huỳnh Thanh Hoàng - Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hoàng Tân Phát (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho hay, sau hai năm áp dụng thanh toán tiền điện qua ngân hàng, ngành điện và người sử dụng điện lợi ích đủ đường. Dịch vụ này giúp chúng ta tiết kiệm tiền in, phát các mẫu hóa đơn, giảm tối đa thời gian thực hiện, chính xác trong thanh toán và dễ dàng sao lưu các số liệu.

“Khi đến tháng tính tiền điện, ngành điện chỉ mất một mẫu tin nhắn qua điện thoại, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là hoàn tất khâu thanh toán tiền điện, không phải mất công chờ nhân viên điện lực đến nhà thu hoặc xếp hàng ở công ty điện lực chỉ làm mỗi việc đóng tiền điện”, bà Ngô Thị Thu, ngụ ở TP. Mới Bình Dương chia sẻ.
 
Theo đánh giá của ông Nguyễn Phước Đức, mặc dù EVNSPC đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự thuận lợi để khách hàng thanh toán tiền điện qua các NH và TCTG, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt nhưng kết qủa vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân do gần 70% khách hàng của EVNSPC hiện nay thuộc khu vực nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận các sản phẩm dịch vụ công nghệ dễ dàng của các NH, TCTG giống khu vực thành thị. Mặt khách, do chính quyền một số địa phương chưa ủng hộ công tác giảm dần và tiến tới không thu tại nhà của ngành điện, mạng lưới NH và TCTG thưa thớt, chi phí khi sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng, quy định nạp tiền vào ví điện tử phải thông qua tài khoản ngân hàng... chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thanh toán tiền điện qua hệ thống NH và TCTG.
 
Để hỗ trợ khách hàng và tiết giảm chi phí trong khâu thu tiền điện của khách hàng, theo ông Đức, EVNSPC đang đẩy mạnh “điện tử hóa” toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện. Trong đó, cung cấp dịch vụ điện qua tổng đài, Website, Email, App, Chatbot, các trung tâm hành chính công, cổng dịch vụ công trực tuyến phấn đấu đạt khoảng 70%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt khoảng 35%; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, bao gồm cung cấp 100% các dịch vụ có thu phí ở cấp độ 4 và thanh toán phí dịch vụ bằng nhiều hình thức như chuyển khoản online, thẻ ngân hàng, ví điện tử kết hợp với mã QR...
Theo: Kinh tế Việt Nam