Diễn đàn năng lượng Séc – Việt Nam do Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Công Thương Séc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức.
Tham dự diễn đàn có ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN, lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị thuộc EVN cùng lãnh đạo các doanh nghiệp về lĩnh vực năng lượng Cộng hòa Séc.
2 nước có tiềm năng lớn để hợp tác
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đặng Hoàng An cho biết: Dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế thông qua chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam – Đặng Hoàng An phát biểu tại diễn đàn.
Được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng đang hướng tới xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nội địa nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để vừa tận dụng tài nguyên về năng lượng tái tạo vừa giảm giá thành sản xuất điện.
Định hướng phát triển ngành năng lượng và chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong những năm sắp tới mang tới cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của CH Séc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đặng Hoàng An cho biết: Một số lĩnh vực tiềm năng mà 2 bên có thể xem xét trao đổi, tìm cơ hội hợp tác bao gồm: Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; Chuyển đổi nhiên liệu, xử lý môi trường cho các nhà máy nhiệt điện và tua bin khí đang vận hành; Khai thác tiềm năng thủy điện cỡ vừa và nhỏ gắn với bảo vệ môi trường, mở rộng các dự án thủy điện hiện có, xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng; Các giải pháp nâng cao hiệu suất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; Chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác và sản xuất năng lượng; Phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh (Smart Grid); Hiện đại hóa hệ thống quản lý, điều độ hệ thống điện, xây dựng thị trường điện các cấp độ, nâng cao năng lực xây dựng thể chế và quản lý năng lượng trong nền kinh tế...
Lãnh đạo Bộ Công Thương 2 nước, lãnh đạo EVN tại diễn đàn.
“CH Séc là quốc gia có thế mạnh truyền thống về công nghệ năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác mỏ, có ngành cơ khí chế tạo phát triển, có tiềm lực mạnh về khoa học - công nghệ. Việt Nam là quốc gia có nhu cầu điện/nhu cầu năng lượng tăng nhanh và đang có kế hoạch chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ. Từ hai nhận định đó, có thể thấy tiềm năng hợp tác về năng lượng của hai bên có rất nhiều không gian để phát triển, nhưng chưa được tận dụng đúng mức”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Kinh nghiệm của Cộng hòa Séc sẽ giúp ích nhiều cho Việt Nam
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp CH Séc đã trình bày về công nghệ các nhà máy và công nghiệp điện của Séc. Trong đó, có thuyết trình của ČEPS - đơn vị duy nhất vận hành, bảo trì và phát triển hệ thống truyền tải điện của Cộng hòa Séc; Thuyết trình của ENELEX - chuyên về thiết bị phân tích chất lượng than trực tuyến và hệ thống quản lý chất lượng; Thuyết trình của STROJÍRNY BRNO - chuyên về tuabin nước và thiết bị cơ khí; Thuyết trình của Hiệp hội Công nghệ khai thác mỏ Cộng hòa Séc (CDT) - thiết bị lọc khí thải, điều hòa không khí và thông gió trong các nhà máy điện...
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại diễn đàn.
Ông Jozef Síkela – Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc cho biết: Sự kiện hôm nay thể hiện sự tiếp nối chuyến thăm của đại diện EVN tới Praha (CH Séc) vào tháng 6/2022 trong Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ Séc-Việt. Cộng hòa Séc coi Việt Nam là người bạn rất thân thiết, đối tác cùng chí hướng và là một trong những thị trường quan trọng nhất bên ngoài châu Âu.
Cộng hòa Séc là một trong những quốc gia có nền công nghiệp phát triển ở châu Âu. Các công ty của Séc có nhiều kinh nghiệm triển khai, cung cấp thiết bị cho các dự án năng lượng lớn trên thế giới. Ví dụ như việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời ở Chile, Romania, Jordan; Xây dựng các nhà máy thủy điện ở Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia và cung cấp tua-bin thủy điện cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia.
Các công ty năng lượng của Séc có đủ khả năng để chia sẻ lĩnh vực kỹ thuật năng lượng và chia sẻ bí quyết về chuyển đổi năng lượng nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu của đề ra và mong muốn hợp tác chặt chẽ với EVN.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Séc – Jozef Síkela phát biểu tại diễn đàn.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết: Hiện nay quy mô công suất nguồn điện của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, trong đó, thủy điện chiếm 29%, năng lượng tái tạo chiếm 26%, nhiệt điện than chiếm 33%. Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là đòn bẩy cho giai đoạn tăng trưởng sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19, thông qua khuyến khích tăng cường đầu tư mới, tạo ra những việc làm mới và gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cộng hòa Séc là quốc gia có nền tảng khoa học kĩ thuật, kinh tế phát triển cao. Các công ty đến từ Cộng hòa Séc có đội ngũ chuyên gia giỏi, chất lượng tốt và có kinh nghiệm thực tiễn vận hành hệ thống điện trong bối cảnh thách thức khi ngành năng lượng của Cộng hòa Séc chuẩn bị cho việc loại bỏ dần than đá khỏi cơ cấu năng lượng trong thập kỷ tới. Đặc biệt ngành năng lượng của Việt Nam và Cộng hòa Séc có nét tương đồng khi than đá vẫn là nguồn năng lượng chính và chủ yếu cho cung cấp điện của cả hai quốc gia. Vì vậy, các kinh nghiệm của đối tác đến từ Cộng hòa Séc trong công nghiệp điện, chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải ròng, thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu sẽ hữu ích cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Diễn đàn là cơ hội để các bên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và nắm bắt các xu hướng mới về công nghệ than, chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện mở ra các cơ hội hợp tác giữa EVN và các đối tác từ Cộng hòa Séc, giúp ích cho việc phát triển ngành năng lượng của 2 quốc gia.