Diễn đàn năng lượng

Phát triển điện hạt nhân: Việt Nam có những bước tiến quan trọng

Thứ năm, 5/11/2015 | 10:29 GMT+7
Indonesia có kế hoạch phát triển điện hạt nhân (ĐHN) từ 60 năm nay; công tác đào tạo nhân lực, lựa chọn địa điểm… đã được chuẩn bị nhưng đến nay chủ trương phát triển ĐHN vẫn chưa được duyệt dù tình trạng thiếu điện xảy ra ở nhiều nơi.

Khảo sát địa chấn tại khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Việt Nam có chủ trương phát triển ĐHN sau chúng tôi vài chục năm nhưng lại có những bước đi mạnh mẽ hơn… Đó là chia sẻ của ông Arnold Soetrisnanto, Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Indonesia trong dịp công tác tại Hà Nội vừa qua.

- Dân số đông, sống phân tán và tình trạng thiếu điện diễn ra ở nhiều nơi kéo dài trong nhiều năm. Vậy mức độ quan tâm của Indonesia đối với ĐHN ở mức nào và trong quá trình thực thi, các nhà môi trường, cộng đồng có phản đối gì không?

- Nếu nói về mức độ quan tâm tới ĐHN của Indonesia thì đây là câu chuyện dài. Chúng tôi có kế hoạch xây dựng ngành Năng lượng hạt nhân nói chung và ĐHN nói riêng sớm hơn Việt Nam rất nhiều năm. Từ năm 1954, Indonesia đã có ý định xây dựng nhà máy ĐHN. Lúc đó chỉ các nước phát triển phương Tây mới có năng lượng hạt nhân, họ thậm chí còn chế tạo cả vũ khí hạt nhân. Sau này, một số nước Châu Á như Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ cũng hướng vào phát triển ĐHN.

Indonesia hiện có 3 lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, trong đó lò đầu tiên được xây dựng từ năm 1964 và hai lò tiếp theo được xây dựng vào các năm 1979, 1987. Tất cả các lò này trong quá trình vận hành đến nay không gặp phải bất kỳ một sự cố nghiêm trọng nào. Năm 1972, chính phủ đã lập cơ quan nghiên cứu với mục đích chuẩn bị cho nhà máy ĐHN đầu tiên. Tính đến nay, công tác chuẩn bị cho nhà máy đầu tiên này đã thực hiện được hơn 40 năm rồi. Dự án đầu tiên được chọn đặt tại Muria (đảo Java). Lúc đó chính phủ không cương quyết về xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên và người dân sinh sống ở Muria cũng không ủng hộ.

Sau quá trình bàn luận, đến năm 2010, chính phủ đã chuyển địa điểm dự kiến xây nhà máy ĐHN từ Muria sang Bangka. Các cuộc nghiên cứu và phương án khả thi cho Bangka đã kết thúc năm 2013. Do đó có thể nói, Indonesia đã chuẩn bị sẵn 2 địa điểm cho kế hoạch phát triển ĐHN nhưng đến bây giờ vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhưng không phải về mặt kỹ thuật mà về mặt chính trị.

- Theo xếp hạng của thế giới, trình độ khoa học của Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng. Tôi muốn hỏi là, với một chiến lược và kế hoạch phát triển ĐHN khá kỹ lưỡng thì Indonesia đã chọn được đối tác nào để hợp tác lâu dài chưa?

- Do chưa nhất trí phát triển ĐHN nên chúng tôi chưa gặp các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Nga (những cường quốc về ĐHN trên thế giới - PV). Tôi có cơ hội làm việc với đoàn chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về các đánh giá tiêu chuẩn xem một nước có thực hiện phát triển được năng lượng hạt nhân hay không? Theo bảng quy chuẩn đó thì Indonesia đã đáp ứng 16/19 quy định, chỉ còn lại 3 điểm cần khắc phục là: Quyết định của chính phủ, cơ quan pháp quy hạt nhân và sự chấp nhận của công chúng. Còn Việt Nam của các bạn đạt được 12/19 điểm. Tuy nhiên, Việt Nam có ưu điểm là sự ủng hộ của Nhà nước nên các vấn đề khác được giải quyết nhanh chóng.

Nói về nhu cầu điện năng thì Indonesia có nhu cầu cấp bách hơn nhiều. Hiện trung bình người dân Indonesia chỉ đáp ứng 700 kWh/năm, trong khi Việt Nam là 1.100 kWh/năm. Tuy nhiên, sự quyết tâm của chính phủ các bạn khiến Việt Nam đã có những bước tiến nhanh trong lĩnh vực phát triển ĐHN.

- Có kế hoạch phát triển ĐHN từ rất sớm vậy công tác chuẩn bị nhân lực được các ông triển khai ra sao?

- Từ năm 1972, chúng tôi đã có chương trình đào tạo kỹ sư ĐHN tại Đại học Tổng hợp Jakarta. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, những lớp kỹ sư đầu tiên đã ra trường nhưng do chiến lược phát triển ĐHN chưa rõ ràng nên họ phải làm những công việc khác. Sau này, chuyên ngành đào tạo này chúng tôi phải đổi tên để giúp họ dễ dàng tìm được việc làm hơn. Những bậc đào tạo thấp hơn như kỹ thuật viên, công nhân vận hành nhà máy ĐHN cũng đã được đào tạo ở các cơ sở giáo dục, nghiên cứu trong nước.

- Sự cố hạt nhân như Fukushima tháng 3-2011 ảnh hưởng như thế nào đến dư luận Indonesia?

- Nó ảnh hưởng khá rõ rệt tới tiến trình phát triển nhà máy ĐHN của chúng tôi. Trong bối cảnh nhà nước chưa đưa ra quyết định về việc có phát triển ĐHN hay không thì các sự cố như Chernobyl hay Fukushima ảnh hưởng đến tâm lý người dân, giảm sự ủng hộ của quần chúng. Nghiên cứu của chúng tôi sau sự kiện Fukushima tại Bangka cho thấy, từ mức ủng hộ xây dựng nhà máy ĐHN đạt hơn 70% thì nay khoảng 50% số này đã không còn ủng hộ nữa.

- Xin cảm ơn ông.
Theo: Hà Nội mới