Sự kiện

Phát triển lưới điện ở Hà Nội: Các công trình ì ạch

Thứ sáu, 17/2/2012 | 15:22 GMT+7
Câu chuyện Hà Nội đứng trước nguy cơ thiếu điện cục bộ đã được cảnh báo từ lâu với hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ, hàng nghìn bài báo vào cuộc. Thế nhưng hàng loạt dự án lưới điện vẫn bị đình trệ vì không có mặt bằng thi công. Vấn đề này lại một lần nữa được đặt lên bàn hội nghị tại buổi làm việc ngày 7/2/2012 giữa UBND TP Hà Nội với Bộ Công Thương và các ban ngành, doanh nghiệp liên quan để tìm giải pháp để khắc phục nhưng có vẻ vẫn chưa đi đến hồi kết.
 


TBA 110kV Trôi hoàn thành từ 2008 đến nay vẫn chưa thể vận hành. Ảnh: Ngọc Loan

Càng cấp bách càng… chậm

Theo EVN, sản lượng điện tiêu thụ của TP Hà Nội năm 2012 dự kiến là 10,6 tỷ kWh, tăng 11,5% so với năm 2011. Công suất cao nhất vào thời điểm tháng 6/2012 có thể lên tới 2.300 MW. Để đáp ứng nhu cầu này, tổng công suất các trạm 220 kV trên địa bàn thành phố phải từ 3.000-3.100 MVA. Thế nhưng, hiện tại công suất các TBA 220 kV trên địa bàn thành phố mới đạt 2.700 MVA. Có nghĩa là, Hà Nội cần bổ sung thêm 400 MVA hoặc phải tìm giải pháp cấp điện từ các tỉnh lân cận.

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó TGĐ NPT cho biết, để chống quá tải cho Hà Nội năm 2012 và những năm sau, NPT đang nỗ lực thực hiện các công trình cấp bách. Mục tiêu đề ra là đường dây (ĐD) 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn hoàn thành vào tháng 5/2012 để vận hành TBA 220 kV Vân Trì (đã hoàn thành từ tháng 8/2011 nhưng vẫn đắp chiếu vì không có dây). ĐD 220 kV Vân Trì - Chèm phải hoàn thành vào quý IV/2012; tháng 12/2012 phải hoàn thành ĐD 220 kV Hà Đông – Thành Công và trạm 220 kV Thành Công. Theo ông Lẫm, chỉ riêng trạm 220 kV Vân Trì không hoàn thành thì điện Hà Nội đã thiếu tới 10-12% (nếu phụ tải tăng 12,7% như dự kiến). Nếu phụ tải tăng cao hơn thì mức thiếu hụt sẽ càng nghiêm trọng.

Khó là ở chỗ, mọi khó khăn chủ yếu nằm ở khâu giải phóng mặt bằng nên NPT không thể tự giải quyết. ĐD 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn với tổng mức đầu tư 152.685 triệu đồng được phê duyệt từ năm 2003 nhưng đến năm 2008 mới được khởi công và cuối năm 2011 mới chính thức thi công. Lý do là vướng mắc đền bù và giải phóng mặt bằng. Đến nay, vật tư thiết bị đã mua sắm xong nhưng vẫn không thể kéo dây vì khu vực huyện Mê Linh dân không chịu nhận đền bù theo phương án cũ của Vĩnh Phúc; đoạn khu Công nghiệp Quang Minh vướng mắc về xác định nguồn gốc đất, đoạn qua huyện Đông Anh chưa có bản vẽ quy hoạch chỉ giới đỏ nên chưa lập được phương án đền bù. Đoạn qua Nhà máy ôtô Xuân Kiên thì không thể khảo sát, đo đạc, xác định vị trí chân móng vì Công ty này không phối hợp. Hiện NPT đề nghị Thành phố chỉ đạo Nhà máy ôtô Xuân Kiên tích cực phối hợp với các đơn vị thi công. Việc thu hồi đất thực hiện song song với phương án đền bù. Đoạn qua KCN Quang Minh kéo tuyến dây đi trên vỉa hè và hàng lang cây xanh đường 24 m. Những diện tích đất đất xéo méo dưới 50m2 chủ đầu tư sẽ đền bù thu hồi và giao về huyện quản lý. Phần hành lang tuyến đi qua khu dân cư sẽ nâng cao cột thêm 5m để đảm bảo chiều cao an toàn theo quy định mới. Nơi chủ đất không cho cắm mốc giải phóng mặt bằng (vị trí 64-66 ở Sóc Sơn) thì sẽ nắn tuyến... Hiện UBND TP và Chính phủ đã có ý kiến nhất trí nhưng việc cấp chỉ giới hướng tuyến đường dây 220kV Vân Trì – Sóc Sơn đoạn đầu trạm Vân Trì vẫn chưa thực hiện được vì vướng Quy hoạch chung thủ đô.

Đường dây 220 kV Hà Đông – Thành Công khởi công từ năm 2009 nhưng còn 200 m chiều dài tuyến cáp chưa có mặt bằng thi công.

Trạm 220 kV Tây Hồ lẽ ra phải hoàn thành vào quý I/2012 nhưng đến nay vẫn đang ì ạch giải phóng mặt bằng. Đường dây 220 kV Chèm - Tây Hồ mới đến giai đoạn đo vẽ bản đồ 1/500 cho đoạn tuyến 220 kV Chèm – Nam sông Hồng. Đoạn cáp ngầm trên địa bàn phường Phú Thượng do công ty INDECO thực hiện cũng chưa hoàn thành.

TBA 220 kV Long Biên và đấu nối theo yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 12/2011. Tuy nhiên, Quy hoạch phát triển điện lực thành phố do Bộ Công Thương phê duyệt yêu cầu các xuất tuyến 110 kV đi nổi, còn Quy hoạch chung xây dựng thủ đô lại yêu cầu các xuất tuyến 110 kV qua khu đô thị Việt Hưng phải đi cáp ngầm. Việc này chưa ngã ngũ không chỉ gây lúng túng cho chủ đầu tư trong khâu thiết kế mà còn thực sự gây khó khăn trong việc huy động vốn. Bởi lẽ, nếu đi cáp ngầm không chỉ khó giải phóng mặt bằng mà còn phải tăng vốn đầu tư lên 454 tỷ đồng (phần TBA) và 561 tỷ đồng (phần đấu nối). Đối với đơn vị đang “túng thiếu” như NPT thì đây là thử thách không nhỏ.

Cùng trong tình trạng đó, các Trạm 220 kV Thành Công, ĐD 220 kV Hà Đông – Thành Công và mở rộng ngăn lộ trạm 220 kV Hà Đông bị chậm vì phải chờ các công trình giao thông đô thị thi công đồng bộ, trong khi các công trình này không biết bao giờ mới thực hiện. Trạm 220 kV Sơn Tây chưa được cấp quy hoạch hướng tuyến.

10 năm chưa xây thêm được công trình 220 kV nào!

Không chỉ các công trình cấp bách bị chậm mà các công trình 220 - 110 kV đã có trong Quy hoạch điện Hà Nội giai đoạn 2006-2010 cũng ì ạch không kém. Ông Lẫm cho biết, 10 năm qua, nhu cầu phụ tải điện Thủ đô đã tăng gấp nhiều lần nhưng Hà Nội không xây thêm được công trình lưới điện 220 kV nào. Quy hoạch yêu cầu xây dựng mới 6 TBA 220 kV với tổng công suất 2.500 MVA, nâng công suất trạm 220 kV Xuân Mai thêm 250 MVA và xây dựng 7 ĐD 220 kV với tổng chiều dài 137 km. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, tất cả các công trình này đều không thực hiện được do vướng giải phóng mặt bằng. Trước tình trạng tăng trưởng phụ tải mạnh của mùa khô 2010 và 2011, NPT đã triển khai lắp thêm MBA 250 MVA tại 3 trạm 220 kV Chèm, Hà Đông, Mai Đông. Giải pháp tình thế này đã cứu vãn cơ bản tình trạng cung ứng điện cho Hà Nội 2 năm qua nhưng không thể đảm bảo lâu dài vì phụ tải Hà Nội đang tăng trưởng từng ngày mà các trạm không thể tiếp tục nâng công suất được nữa.

Với lưới điện 110 kV, các công trình nâng cấp cải tạo có vẻ khả quan hơn nhưng cũng chỉ đạt 73,8% (phần ĐD) và 81,6% (phần TBA). Còn các công trình xây mới thì chỉ đạt 13,4% (phần ĐD) và 17,4% (phần TBA). Điều đáng nói là trong số đó có trạm Trôi 110 kV xây dựng xong vẫn không vận hành được vì nhánh rẽ 110 kV vào trạm chưa hoàn thành do vướng mắc thi công.

Tin từ EVN Hà Nội cho biết, mùa khô 2011, Hà Nội đã không còn dự phòng. Nếu năm 2012, nhu cầu phụ tải sẽ lên tới 2.300 MW thì sẽ có nơi bị quá tải tới 159%. Điển hình là các TBA 220 kV Chèm, Hà Đông, Mai Động. Nếu không hoàn thành các dự án điện cấp bách thì mùa khô 2012 sẽ xảy ra tình trạng cả nước đủ điện nhưng riêng Hà Nội phải cắt điện luân phiên tới 15-20% phụ tải ở khu vực trung tâm Hà Nội, quận Long Biên và các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm.
Ngọc Loan