Quảng Ninh phát triển điện mặt trời áp mái, giải bài toán tiết kiệm năng lượng.
Hiện nay tại Quảng Ninh có hơn 50 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 305,31 kWp. Trong 4 tháng đầu năm 2020 sản lượng điện phát ra là 6.148 kWh.
Mùa hè năm nay, tình hình nắng nóng diễn ra phức tạp dẫn đến việc hệ thống lưới điện phải liên tục hoạt động hết công suất và đứng trước nguy cơ quá tải. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn, đồng thời tự cung cấp điện một phần bằng nguồn năng lượng mặt trời.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ doanh nghiệp tư nhân Trung tâm phân tích FPD tại TP Hạ Long đã cho lắp đặt hệ thống mặt trời nối lưới tại cơ sở kinh doanh từ tháng 5/2019. Công suất lắp đặt là 19,5 kWp, giá điện mặt trời rơi vào khung giá 23.000 VNĐ/Wp. Tính toán theo giá điện hiện hành, đầu tư hệ thống mặt trời nối lưới áp mái sẽ hoàn vốn nhanh trong 5 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của hệ thống lên tới 25-30 năm, như vậy doanh nghiệp có thể sinh lời tiền điện trong khoảng 20 năm còn lại sau hoàn vốn.
So với những năm trước, năm 2020 chi phí đầu tư cho 1kWp giảm từ 3 đến 5 triệu đồng. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp, hộ gia đình có nhu cầu lắp điện mặt trời áp mái.
Anh Đào Quang Tuấn (tổ 18 khu 7, phường Cao Xanh, TP Hạ Long) cho biết, gia đình anh mới lắp điện mặt trời áp mái vào đầu tháng 2/2020 với công suất 10,8 kWp và tổng mức đầu tư là 170 triệu đồng. Hàng tháng gia đình anh sử dụng điện hết trên 8 triệu đồng. Từ khi lắp điện mặt trời áp mái, hóa đơn tiền điện gia đình giảm còn 3 triệu đồng/tháng. Hay như anh Đồng Quang Mạnh (ô 20 lô A11 QHTT, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết, gia đình anh lắp hệ thống mặt trời áp mái 5 kWp vào tháng 9/2019 với giá đầu tư hơn 100 triệu đồng. Sau khi sử dụng điện mặt trời áp mái, gia đình anh tiết kiệm khoảng 40% chi phí tiền điện mỗi tháng.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 11/2017/QĐ -TTg và gần đây nhất là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó giá mua điện mặt trời mái nhà được áp dụng từ thời điểm 1/7/2019 đến hết năm 2020 vẫn ở mức cao, hấp dẫn là 1.943 đồng/ kWh và thời gian áp dụng tới 20 năm.
Do vậy, việc lắp điện mặt trời áp mái sử dụng năng lượng tái tạo vừa giảm chi phí tiền điện cho gia đình vừa tiết kiệm điện, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu và góp phần chung tay thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tái tạo bền vững của Chính phủ.
Theo: CN&TD