Nhiều gia đình, doanh nghiệp ở TP.HCM đã sử dụng điện mặt trời áp mái để giảm chi phí tiền điện. Ảnh: TN
Đặc biệt, khách hàng có thể hợp tác với các nhà đầu tư, cho nhà đầu tư thuê mái nhà để khai thác tiềm năng của ĐMTAM. Khách hàng lắp đặt 100 kWp (tương ứng 14.600 kWh/năm) điện mặt trời áp mái sẽ tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng/năm.
Khai thác tối đa tiềm năng
Phát biểu tại hội thảo các giải pháp phát triển ĐMTAM tại TP.HCM, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, cho biết TP.HCM là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao. Đi kèm với sự phát triển đó là nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp.
Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính do tác động của thời tiết nắng nóng và việc sử dụng các thiết bị điện lạnh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày của các hộ gia đình, các phương tiện giao thông, trung tâm thương mại… đã làm cho lượng điện tiêu thụ gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng đến chi phí của các hộ gia đình, doanh nghiệp (DN).
Trước thực trạng trên, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường vận động hiệu quả hơn công tác lắp đặt ĐMTAM.
Cụ thể, đơn vị phối hợp với Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) và Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) triển khai các hoạt động tuyên truyền điện mặt trời trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Đồng thời, EVNHCMC cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời để triển khai các gói sản phẩm ưu đãi đến các DN, khách hàng sử dụng điện.
Ông Bùi Trung Kiên cho biết thêm, tính đến hết tháng 5-2020, toàn TP có 7.341 công trình với tổng công suất lắp đặt 94,49 MWp. Lượng điện năng phát lên lưới từ năm 2017 đến nay là 33,33 triệu kWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng). Trong đó có 102 dự án ĐMTAM có công suất từ 100 kWp đến 1.000 kWp đã đấu nối vào lưới điện TP với tổng công suất là 37,23 MWp.
Với tiềm năng phát triển hệ thống ĐMTAM hơn 6.000 MWp, khách hàng được hỗ trợ từ những gói vay ưu đãi, Nhà nước thiết lập được cơ chế hỗ trợ tốt hơn… thì chúng ta sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030-2045, trong đó tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện đạt tối thiểu 15% (tương ứng trên 1.000 MWp vào năm 2025 và từ 1.330 MWp vào năm 2030).
Phương thức đầu tư rộng mở
Trong nhiều giải pháp đầu tư hỗ trợ khách hàng, Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đã đưa ra nhiều phương thức.
Theo đó, đối với khách hàng là DN có diện tích mái 1.000-3.000 m2, có thể lắp đặt được 100-300 kWp. Hình thức đầu tư này DN tự chủ toàn bộ hệ thống và DN đầu tư 100% giá trị hệ thống, chi phí đầu tư 17-20 triệu đồng/kWp.
Lợi ích từ việc đầu tư trực tiếp sẽ tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng/năm (đối với 100 kWp), tiết kiệm hơn 800 triệu đồng nếu đầu tư khoảng 300 kWp. Ngoài ra, SolarBK còn đưa ra phương thức đầu tư ESCO (SolarESCO), nghĩa là cùng đầu tư với DN, góp vốn 70%-100%.
Theo đó, SolarESCO sẽ chịu mọi trách nhiệm về thiết kế, thi công, lắp đặt toàn bộ hệ thống và bảo trì vận hành hệ thống. Tuy nhiên, DN này phải có diện tích mái 3.000-10.000 m2. Sau một thời gian hợp tác, SolarESCO sẽ bàn giao lại cho DN.
Trong khi đó, Công ty CP VES lại đưa ra chính sách ưu đãi cho cán bộ, công nhân ngành điện, giảm 3%-5% giá trị trên hợp đồng đối với khách hàng và hỗ trợ vay vốn lên đến 70%.
Tương tự, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cũng đưa ra ba gói giải pháp cho khách hàng gồm: Khách hàng đầu tư 100% giá trị; TTC song hành hợp tác cùng khách hàng (TTC sẽ bán lại điện cho khách hàng với giá thấp hơn EVN và khách hàng sẽ sở hữu hệ thống ĐMTAM sau khi hết thời gian thuê); khách hàng cho TTC thuê lại cơ sở hạ tầng, sau đó khách hàng cũng được sở hữu hệ thống ĐMTAM sau khi hết thời gian cho thuê.
Một giải pháp khác khá tối ưu đối với khách hàng, đó là hợp tác cùng Công ty CP Tài chính Điện lực. Cụ thể, đơn vị này hỗ trợ khách hàng vay tới 70% tổng mức đầu tư hệ thống và không quá 12 triệu đồng/kWp, thời gian vay tối đa bảy năm.
Có nên tái chế panel điện mặt trời?
PGS-TS Võ Viết Cường, Khoa điện - điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã có đánh giá cụ thể về tác động môi trường của quá trình tái chế panel điện mặt trời.
Theo đó, TS Cường cho biết các nước Liên minh châu Âu đã có những động thái quan tâm đến tái chế pin năng lượng mặt trời. Còn ở châu Á, cụ thể là Hàn Quốc đã thành lập một cơ sở tái chế chất thải môđun PV.
Ở Mỹ, Malaysia đã thành lập các nhà máy First Solar sử dụng phương pháp tái chế với tỉ lệ thu hồi 95% cho Cd và 90% đối với thủy tinh.
TS Cường lý giải công suất thông thường 2,6 MWp của trạm gây ra khối lượng khí thải 1.480-2.220 tấn CO2 hằng năm. Điều này có thể được giảm tải bằng cách tái chế 186 tấn chất thải PV mặt trời.
Cụ thể, tổng năng lượng tái chế sẽ thấp hơn tổng năng lượng để sản xuất mới khoảng 12-81 MJ/m2, lượng khí thải nhà kính có thể giảm 2,5 kg CO2/m2 so với lượng khí thải nhà kính của quy trình sản xuất mới.
Theo đó, Việt Nam và các hãng cung cấp pin năng lượng mặt trời cần tính toán đến việc xây dựng các cơ sở tái chế pin năng lượng mặt trời trong thời gian tới.
|
Link gốc