Tin thế giới

Trung Quốc: Trạm điện chạy bằng sức gió ngoài khơi đầu tiên đi vào hoạt động

Thứ hai, 3/12/2007 | 09:27 GMT+7

Trạm điện chạy bằng sức gió ngoài khơi đầu tiên -do Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà sản xuất dầu lửa ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc xây dựng, với vốn đầu tư khoảng 40 triệu NDT (5,4 triệu USD) tại Vịnh Liêu Đông ở phía Đông Bắc biển Bột Hải- đã chính thức đi vào hoạt động ngày 28/11.

 

                    

           1 nông trại ở Quảng Đông (TQ) sử dụng năng lượng gió

Trạm phát điện nói trên được đặt gắn cố định với kết cấu của mỏ dầu Suizhong 36-1, ngoài khơi biển Bột Hải cách đất liền 70km, với đường cáp ngầm dưới biển dài 5m nối với giàn trung tâm của mỏ dầu để cung cấp điện.

Ngày 8/11, trạm bắt đầu chạy thử và đến ngày 26/11 đã sản xuất được 200.000 KWh điện. Dự kiến, trạm sẽ đạt sản lượng 4,4 triệu KWh/năm, góp phần tiết kiệm khoảng 1.100 tấn dầu điêden và giảm 3.500 tấn khí CO2 và 11 tấn SO2 mỗi năm.

Theo Phó Tổng giám đốc CNOOC Zhou Shouwei, đây là "trạm phong điện đầu tiên trên thế giới được thiết kế để cung cấp điện cho các mỏ dầu và khí ở ngoài khơi".

Năm 2006, công suất thiết kế của các trạm phát điện chạy bằng sức gió đạt 2,3 triệu kWh và dự kiến sẽ đạt 5 triệu kWh vào cuối năm 2007. Công suất sản xuất phong điện theo thiết kế của Trung Quốc ước đạt khoảng 30 triệu kWh vào năm 2020.

Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy sử dụng năng lượng tái sinh, bao gồm phong điện và năng lượng mặt trời, trong một nỗ lực thoát dần khỏi sự phụ thuộc nhiều vào tiêu thụ than.

Theo học giả Wang Jing quan của Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Quốc, công suất phong điện ngoài khơi của Trung Quốc gần gấp 3 lần công suất phong điện trên bờ. 

Theo Moi.gov.vn