Ông Ngô Sơn Hải- Phó Tổng Giám đốc EVN.
PV: Tập đoàn vừa hoàn tất công tác kiểm tra đảm bảo điện trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị đảm bảo điện của các đơn vị?
Ông Ngô Sơn Hải: Qua kiểm tra thì tôi rất yên tâm về công tác chuẩn bị đảm bảo điện của các đơn vị. Các đơn vị đã lên phương án từ rất sớm và đến đến thời điểm này các đơn vị cũng đã hoàn thành tất cả các công việc theo chỉ đạo của Tập đoàn, sẵn sàng để đảm bảo cung cấp điện theo các phương án được duyệt.
Ngoài việc chuẩn bị tốt các phương án đảm bảo điện thì công tác ứng trực trong những ngày tết Nguyên đán cũng rất quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của EVN về việc tăng cường ứng trực trong dịp Tết, các đơn vị đã tổ chức phân công, ứng trực 24/24 giờ, cũng như chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị để sẵn sàng xử lý các tình huống sự cố hệ thống điện. Đối với những trạm biến áp không người trực, các đơn vị cũng đã bố trí các ca trực để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục.
Như vậy, cho đến thời điểm này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và các đơn vị điện lực nói riêng đã sẵn sàng đảm bảo điện Tết Nguyên đán năm 2023.
PV: Thưa ông, việc đảm bảo điện năm nay có điểm gì khác so với các năm trước, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển?
Ông Ngô Sơn Hải: Dự kiến nhu cầu tiêu thụ điện trong dịp tết Nguyên đán năm 2023 tăng trưởng thấp, chỉ ở mức tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này có thể dẫn đến tình trạng điện áp cao, các nguồn điện sẽ giảm phát do nhu cầu giảm thấp trong những ngày Tết. Với phụ tải thấp như vậy thì sẽ khiến điện áp trên toàn hệ thống tăng cao. Bên cạnh đó, việc bố trí huy động nguồn để đảm bảo vận hành hệ thống điện trong bối cảnh đó cũng sẽ thay đổi. Tuy nhiên, EVN đã đo lường trước những vấn đề này và bố trí nguồn tại các khu vực một cách hợp lý. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng đã công văn đề nghị các nhà máy điện mặt trời, điện gió tham gia hỗ trợ điều chỉnh điện áp. Các nhà máy điện có khả năng chạy bù sẵn sàng được huy động để điều chỉnh điện áp và tăng quán tính của hệ thống, đồng thời hỗ trợ ổn định hệ thống điện.
Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải. Trong thực tế vận hành, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia bắt buộc phải duy trì một số tổ máy điện truyền thống (như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện...) ở mức tối thiểu để đảm bảo quán tính và ổn định cho hệ thống điện cũng như có đủ công suất dự phòng trong các tình huống sự cố nguồn điện hoặc các biến động bất thường trong vận hành thực tế. Chính vì vậy, khi phụ tải xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng/ giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ, việc điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện mặt trời nối lưới, điện mặt trời mái nhà, điện gió) là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
PV: Thưa ông, mặc dù EVN đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhưng tình trạng vi phạm hành lang lưới điện vẫn còn và có thể làm gián đoạn cung cấp điện. EVN có những khuyến cáo gì đối với nhân dân và chính quyền địa phương trong dịp Tết này để đảm bảo an toàn điện trong dịp Tết này?
Ông Ngô Sơn Hải: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị các phương án đảm bảo điện từ rất sớm và rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên trong dịp Tết, vấn đề gây lo ngại là việc đảm bảo hành lang lưới điện an toàn, đặc biệt là trên các lưới điện trung, hạ áp. Tình trạng bắn pháo hoa, giấy tráng kim,…gây ảnh hưởng đến an toàn điện vẫn thường xuyên xảy ra vào dịp Tết. Vì vậy, EVN rất mong nhận được sự chung tay của người dân và chính quyền các địa phương để đảm bảo an toàn lưới điện cũng như đảm bảo nguồn điện an toàn, liên tục trong những ngày Tết trên khắp cả nước.
PV: Xin cảm ơn ông!