Phụ tải điện dịp tết Nguyên đán 2023 chỉ bằng khoảng 60% ngày thường

Thứ năm, 19/1/2023 | 11:20 GMT+7
Đó là chia sẻ của ông Vũ Xuân Khu – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) khi trao đổi với phóng viên về công tác vận hành hệ thống điện trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ông Vũ Xuân Khu.

PV: Thưa ông, vận hành hệ thống điện trong dịp tết Nguyên đán 2023 có đặc thù gì so với ngày thường?

Ông Vũ Xuân Khu: Qua theo dõi số liệu vận hành của 15 ngày đầu tháng 1/2023 cho thấy, nhu cầu phụ tải điện đang thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ đạt 97%). Đây là một đặc điểm rất khác thường so với tết Nguyên đán các năm trước. Có lẽ nguyên nhân là do năm nay, tết Nguyên đán tương đối gần so với tết Dương lịch nên nhu cầu của phụ tải điện cũng thấp hơn so với cùng kỳ. 

Từ nhu cầu thực tế trong các ngày qua, EVNNLDC dự báo sản lượng tiêu thụ của hệ thống điện toàn quốc trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023 khoảng 450 triệu kWh/ngày. Trong khi đó, ngày làm việc bình thường, nhu cầu sử dụng điện toàn quốc khoảng 750 triệu kWh/ngày. Như vậy, ngày Tết chỉ bằng khoảng 60 % so với ngày thường – đây là một số liệu tương đối thấp.

Công suất đỉnh (Pmax) trong các ngày tết Nguyên đán Quý Mão khoảng 22.000-23.000MW (tương ứng khoảng 50-55% ngày thường); công suất thấp nhất (Pmin) vào khoảng 14.000-16.000MW. Trong khi đó, hiện nay, hệ thống điện Việt Nam có khoảng 21.000MW công suất nguồn điện tái tạo, với trên 16.000MW điện mặt trời và trên 4.000MW điện gió. Như vậy, chỉ riêng nguồn năng lượng tái tạo đã có công suất lắp đặt cao hơn nhiều so với công suất tiêu thụ điện thấp nhất trong những ngày Tết.

PV: Nhu cầu điện trong các ngày Tết thấp như vậy sẽ tác động như thế nào đến việc vận hành hệ thống điện thưa ông?

Ông Vũ Xuân Khu: Với đặc điểm nhu cầu sử dụng điện toàn hệ thống thấp hơn nhiều so với ngày làm việc bình thường nên việc vận hành hệ thống điện phải đối mặt với 2 vấn đề: Thứ nhất là hiện tượng dư thừa nguồn trên hệ thống; thứ hai là điện áp trên lưới điện lưới điện truyền tải sẽ tăng cao hơn so với chế độ bình thường. 

PV: Trước thực tế này, EVNNLDC đã có những giải pháp gì để vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy trong dịp tết Nguyên đán 2023, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Khu: Để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nền kinh tế cũng như các hoạt động sinh hoạt, vui chơi giải trí của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cũng như các đơn vị chuẩn bị rất nhiều giải pháp.

Thứ nhất, các đơn vị quản lý lưới điện, các nhà máy điện tăng cường công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng nhằm đảm bảo lưới điện và các nhà máy điện vận hành một cách an toàn, ổn định nhất trong dịp Tết. 

Thứ hai, EVN đã chỉ đạo EVNNLDC cùng các đơn vị lập cái phương thức vận hành Tết chi tiết; trong đó phải đề cập đến tất cả các vấn đề mà còn tồn tại trên cái hệ thống lưới điện, để có giải pháp xử lý. 

Thứ ba, đó là việc điều hành việc dư thừa nguồn điện khi nhu cầu thấp hơn so với khả năng nguồn sẵn có của hệ thống; đặc biệt là chỉ tính riêng nguồn năng lượng tái tạo đã có thể cao hơn công suất thấp nhất (Pmin) trong các ngày Tết.

Trong khi đó, đặc điểm của nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời như chúng ta đã biết là khoảng 6h sáng, các nhà máy này mới tăng công suất và đạt đỉnh vào khoảng 12h và đến 17h thì không còn. Chỉ riêng nguồn điện mặt trời có khoảng 16.000MW, như vậy đến 17h hàng ngày không còn một MW nào điện mặt trời. Do nhu cầu phụ tải thấp, nên tất cả các loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải. Trong thực tế vận hành, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, EVNNLDC bắt buộc phải duy trì một số tổ máy điện truyền thống bao gồm nhiệt điện than, tuabin khí, thủy điện với cấu hình tối thiểu để đảm bảo có công suất đáp ứng các khung giờ buổi tối; đồng thời đáp ứng các vấn đề kỹ thuật khác của hệ thống như quán tính, độ ổn định. Chính vì thế, khi phụ tải xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng/giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ, việc điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả các nguồn năng lượng tái tạo là yêu cầu bắt buộc. 

Ngoài ra, EVNNLDC cũng đã có công văn gửi các đơn vị phát điện, bao gồm các đơn vị phát điện truyền thống và các nhà máy điện, năng lượng tái tạo, nhằm đảm bảo độ sẵn sàng cao nhất và quan trọng nhất là phải phối hợp với các cấp điều độ, sẵn sàng điều chỉnh công suất khi có lệnh của các cấp điều độ. Với các giải pháp như vậy, tôi tin rằng, các đơn vị phát điện cũng sẽ phối hợp tốt để điều chỉnh, để không có hiện tượng thừa nguồn ở trên hệ thống điện.

Thứ tư, để đảm bảo điện áp nằm trong phạm vi cho phép, EVN đã chỉ đạo các cấp điều độ phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp để đảm bảo điện áp không vượt ngưỡng vận hành an toàn. Ví dụ, đối với các đơn vị truyền tải phải đóng toàn bộ các kháng bù ngang, cắt hết các tụ bù để đảm bảo không phát vô công lên lưới; các tổng công ty điện lực làm việc với khách hàng cũng như các cái tụ bù trung, hạ áp để cắt tối đa có thể nhằm đảm bảo được cái điện áp cho phép.

PV: Ông nhận định như thế nào về tình hình cung cấp điện của năm 2023?

Ông Vũ Xuân Khu: Kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện của năm 2023 đã được phê duyệt. Qua tính toán của EVN cũng như EVNNLDC, nhìn chung, năm 2023, hệ thống điện có đủ điện để cung cấp cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc cung cấp điện cho miền Bắc vẫn có thể gặp khó khăn trong một số thời điểm nắng nóng cực đoan và phụ tải tăng trưởng đột biến.

Tuy nhiên, năm 2023 cũng có một đặc điểm tương tự như năm 2022 và có thể còn biến động hơn, đó là tình hình giá nhiên liệu than, dầu, khí tăng cao và khó lường. Giá nhiên liệu tăng cao sẽ gây khó khăn cho công tác vận hành, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến tính kinh tế của hệ thống khi giá mua điện của hệ thống cũng như giá mua điện trên thị trường sẽ cao hơn nhiều so với những năm trước đây. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 

Minh Tuấn