Phố Wall giảm điểm mạnh, S&P 500 mất mốc 900 điểm

Thứ năm, 14/5/2009 | 15:51 GMT+7

Ngày 13/5, chứng khoán Mỹ giảm điểm trên diện rộng vì sự thất vọng của nhà đầu tư về doanh thu bán lẻ tháng 4.

Thứ Tư, Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng doanh thu bán lẻ ở nước này trong tháng 4/2009 đã giảm 0,4%, sau khi hạ 1,3% trong tháng 3. Nếu loại trừ doanh thu bán ôtô và linh kiện ôtô, thì doanh thu bán lẻ giảm 0,5%.
 
Trong tháng 4, doanh thu bán xăng giảm 2,3%; doanh thu hàng điện tử hạ 2,8%; doanh thu nguyên vật liệu xây dựng tăng 0,3%; doanh thu bán ôtô và linh kiện ôtô lên 0,2%.
 
Cùng ngày, Bộ Lao động cho hay, giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong tháng 4/2009 đã tăng 1,6%, sau khi tăng 0,2% tháng trước đó. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giảm 16,3%.
 
Trong khi đó, giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong tháng 4 đã tăng 0,5%, sau khi tăng 0,5%, nhưng vẫn giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Trong một diễn biến đáng chú ý trong ngày, phát biểu trước toàn thể đại diện các ngân hàng Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner đã cho biết sẽ dành khoản tiền trong gói giải cứu khối ngân hàng trị giá 700 tỷ USD để giúp các ngân hàng nhỏ, một khi các ngân hàng lớn hoàn trả lại số tiền đã vay Chính phủ hồi tháng 10/2008.
 
“Chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong hệ thống tài chính Mỹ”, ông Timothy Geithner nói.
 
Ông Timothy Geithner cũng cho biết thêm, hoạt động cho vay ở Mỹ đang dần được cải thiện và các ngân hàng lớn đã phục hồi tốt hơn, một vài trong số đó sắp hoàn trả vốn vay cho Chính phủ.
 
S&P 500 mất mốc 900 điểm
 
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh hôm Thứ tư do những lo ngại về triển vọng nền kinh Mỹ sẽ xấu hơn sau khi số liệu ngành bán lẻ được công bố.
 
Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu tạo nên phiên giảm điểm mạnh, trên diện rộng, bao gồm cổ phiếu ngành bán lẻ, sản xuất công nghiệp, xây dựng nhà, hàng hóa cơ bản và tài chính.
 
Đây là phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp của chỉ số S&P 500 và đưa chỉ số này giảm xuống dưới ngưỡng 900 điểm. Như vậy, hiện chỉ số này tăng 31% so với thời kỳ thị trường chạm “đáy” được thiết lập ngày 9/3/2009.
 
Đối với chỉ số Dow Jones, 24 cổ phiếu trong số 30 cổ phiếu trong chỉ số này đều giảm điểm, 6 cổ phiếu blue-chip tăng điểm thuộc lĩnh vực dược phẩm, hàng tiêu dùng và sản xuất ôtô.
 
Thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa ngày giao dịch với mức giảm hơn 1% và tiếp tục duy trì xu hướng giảm điểm đến hết phiên.
 
Số liệu về doanh thu bán lẻ suy giảm đã tạo nên tâm lý thất vọng đối với giới đầu tư, qua đó khiến các chỉ số chứng khoán không một lần tăng điểm qua ngưỡng phiên đóng cửa liền trước.
 
Biên độ dao động của cả ba chỉ số trong ngưỡng từ -1% đến -3%. Điều này cho thấy cầu đã yếu hơn hẳn so với cung.
 
Cổ phiếu ngành bán lẻ đã đồng loạt giảm điểm - chỉ số S&P khối bán lẻ mất 3,3%, trong đó cổ phiếu của nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart đã giảm 1,2%, cổ phiếu Target mất 4,8%, cổ phiếu Macy's hạ 6,7%,...
 
Cổ phiếu blue-chip các hãng sản xuất công nghiệp cũng không tránh khỏi phiên giảm điểm mạnh, trong đó cổ phiếu của 3M hạ 4,4%, cổ phiếu United Technologies mất 3,5%, cổ phiếu Alcoa giảm 8,77%, cổ phiếu Du Pont trượt 5,27%...
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 13/5: chỉ số Dow Jones giảm 184,22 điểm, tương đương -2,18%, chốt ở mức 8.284,89.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 51,7 điểm, tương đương -3,01%, chốt ở mức 1.664,19.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 24,43 điểm, tương đương -2,69%, đóng cửa ở mức 883,92.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,77 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.745 cổ phiếu giảm điểm và có 337 cổ phiếu lên điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,37 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.294 cổ phiếu mất điểm và có 395 cổ phiếu lên điểm.
 
Chứng khoán châu ÂU mất điểm phiên thứ ba
 
Ba chỉ số chứng khoán chính của châu Âu tiếp tục có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp trong tuần, vì sự trượt giảm của cổ phiếu khối tài chính và khai mỏ.
 
Cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục có phiên giao dịch gây thất vọng, cổ phiếu Royal Bank of Scotland mất 12,6%, cổ phiếu Barclays hạ 9,6%, cổ phiếu UBS giảm 10,1%. Các cổ phiếu khối tài chính khác cũng có biên độ giảm lớn, trong đó cổ phiếu ING giảm 11,9%, cổ phiếu Allianz trượt 7,8%, cổ phiếu Swiss Re xuống 11,9%,...
 
Giống như phiên giao dịch trước đó, phiên này cổ phiếu khối khai mỏ cũng giảm điểm mạnh và góp phần đẩy thị trường đi xuống. Cổ phiếu Rio Tinto mất 10,1%, cổ phiếu Xstrata xuống 12,8%, cổ phiếu Kazakhmys hạ 10,7%, cổ phiếu BHP Billion giảm 5,9%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tiếp tục giảm 94,17 điểm, tương đương -2,13%, chốt ở mức 4.331,37. Khối lượng giao dịch đạt 2,95 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức mất 2,61%, khối lượng giao dịch đạt 42,8 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 2,42%, khối lượng giao dịch đạt 204,4 triệu cổ phiếu.
 
Sắc xanh trở lại sàn chứng khoán châu Á
 
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hôm thứ Tư đã tăng 0,4% lên 98,24 điểm, đưa chỉ số này tăng 39% so với ngày 9/3/2009.
 
Liên quan đến thị trường Nhật, ngày 13/5, Bộ Tài chính nước này cho biết thặng dư cán cân vãng lai trong tháng 3/2009 của Nhật đã giảm 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1.486 tỷ Yên (15,5 tỷ USD).
 
Xuất khẩu của Nhật trong tháng 3 đã giảm 46,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 50,4% trong tháng 2/2009 - trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 31,6%, sang Mỹ hạ 51,4%. Nhập khẩu giảm 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 44,9% trong tháng 2.
 
Chứng khoán Nhật đã đảo chiều tăng điểm trong phiên giao dịch hôm thứ Tư, sau khi đã mất điểm phiên trước đó. Cổ phiếu Olympus dẫn đầu biên độ tăng điểm trong chỉ số Nikkei 225 với mức tăng 12,8%, sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo của giới phân tích.
 
Cổ phiếu Nissan tăng 6,3% sau khi nhà sản xuất ôtô này đưa ra dự báo mức thua lỗ trong năm tài khóa tới thấp hơn so với dự báo của giới phân tích.
 
Tuy nhiên, do cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn như Toyota, Honda và nhiều hãng vận tải biển mất điểm, nên đã níu kéo đà tăng của thị trường.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 41,88 điểm, tương đương 0,45%, chốt ở mức 9.340,49. Khối lượng giao dịch đạt 2,4 tỷ cổ phiếu, thị trường có 937 cổ phiếu tăng điểm và có 623 cổ phiếu mất điểm.
 
Chuyển qua thị trường khác, cơ quan thống kê Trung Quốc vừa cho biết sản xuất công nghiệp ở nước này trong tháng 4/2009 đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 8,3% tháng trước đó.
 
Xuất khẩu trong tháng 4/2009 đã giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái và sản lượng điện hạ 3,5%, là nguyên nhân cơ bản khiến sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc suy giảm.
 
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite phiên này tiếp tục lên điểm với mức tăng 1,74%, chốt ở mức 2.663,77.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,8%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 0,48%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ nhích 0,61%. Chỉ số ASX của Australia xuống 0,55%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 0,55%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,78%.
Theo: VNE