Phố Wall mất điểm bất chấp “khuyến nghị” của Obama

Thứ tư, 4/3/2009 | 15:30 GMT+7
Ngày 3/3, S&P 500 xuống dưới ngưỡng 700 điểm bất chấp việc Tổng thống Obama “khuyến nghị” nên mua cổ phiếu với mục đích dài hạn.
Hôm thứ Ba, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Bộ Tài chính cho biết sẽ tung ra chương trình cho vay kích thích tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ với tổng giá trị khoản cho vay có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
 
Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang tại New York sẽ cho vay 200 tỷ USD đối với người vay tiền có chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản xếp hạng AAA, để mua ôtô, sinh viên vay tiền cho học tập, qua thẻ tín dụng và các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ được Chính phủ bảo lãnh.
 
Cùng ngày, tờ Wall Street Journal loan báo về việc Chính phủ của Tổng thống Obama đang cân nhắc một kế hoạch mua lại các khoản nợ và tài sản xấu thông qua các quỹ đầu tư tư nhân.
 
Cũng trong ngày 3/3, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ đã cho biết, doanh số nhà mới chờ bán ở nước này trong tháng 1/2009 đã giảm 7,7%.
 
S&P xuống mức thấp nhất trong gần 13 năm
 
Chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm ngày thứ hai trong tuần, đưa chỉ số S&P 500 xuống dưới ngưỡng 700 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1996.
 
Như vậy, chỉ số S&P 500 đã giảm gần 23% so với đầu năm 2009 và mất 55% so với tháng 10/2007.
 
Cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục đi xuống sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke cho biết để ngỏ mức tiền trong gói giải cứu khối ngân hàng vì ông cho rằng, gói giải cứu khối ngân hàng trị giá 700 tỷ USD hay nhiều hơn thế còn phụ thuộc vào đợt kiểm tra thực trạng hoạt động của các ngân hàng.
 
Chỉ số S&P Ngân hàng đã giảm 1,6% giá trị, trong đó cổ phiếu Goldman Sachs hạ 4,5%, cổ phiếu PNC Financial Services mất 5%, Wells Fargo giảm 1,57%, cổ phiếu JPMorgan Chase mất 0,71%...
 
Điểm đáng chú ý trong ngày là Tổng thống Obama đã có hành động được xem là chưa có tiền lệ khi ông đưa ra nhận định sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh: "Mua cổ phiếu là ý kiến tốt nếu bạn mua nó với mục đích dài hạn”.
 
Sau phát biểu này, thị trường đã có phản ứng tích cực trong khoảng thời gian ngắn trước khi đảo chiều giảm điểm, để lại phía sau “khuyến nghị” mà tổng thống Mỹ đã đưa ra.
 
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, cổ phiếu của General Electric phiên này đã bất ngờ giảm 7,8% trước đợt bán tháo mạnh của giới đầu tư. Nguyên nhân được cho là giới đầu tư đã lo ngại về triển vọng của tập đoàn này sau khi hãng công bố cắt giảm mức chia cổ tức trong năm 2009.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 3/3: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 37,27 điểm, tương đương -0,55%, chốt ở mức 6.726,02.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này mất 1,84 điểm, tương đương -0,14%, chốt ở mức 1.321,01.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 4,49 điểm, tương đương -0,64%, đóng cửa ở mức 696,33.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,9 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,44 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 9 cổ phiếu mất điểm thì có 5 cổ phiếu lên điểm.
 
Chứng khoán châu Âu giảm điểm vì khối năng lượng, ngân hàng
 
Chứng khoán châu Âu vẫn giảm điểm và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/1997. Nguyên nhân khiến thị trường mất điểm phiên thứ hai trong tuần là do cổ phiếu khối năng lượng đồng loạt sụt giảm.
 
Cổ phiếu BG Group mất 6%, cổ phiếu BP hạ 4,3%, cổ phiếu Total, Royal Dutch Shell và Statoil giảm từ 2,2% đến 4,8%.
 
Trong khi đó, cổ phiếu khối ngân hàng đã tiếp tục mất điểm, trong đó cổ phiếu HSBC giảm 1%, cổ phiếu Societe Generale, Lloyds, Credit Suisse và Barclays giảm từ 2,5% đến 7,9%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE của Anh giảm 113,74 điểm, tương đương -3,14%, chốt ở mức 3.512,09. Khối lượng giao dịch đạt 2,4 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức hạ 0,52%, khối lượng giao dịch đạt 27 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 1,04%, khối lượng giao dịch đạt 181 triệu cổ phiếu.
 
Chứng khoán châu Á tiếp tục mất điểm
 
Hầu hết các thị trường đều mất điểm, dù biên độ giảm đã thấp hơn so với phiên đầu tuần. Cổ phiếu khối tài chính là mục tiêu ưu tiên bán của giới đầu tư ở hầu khắp các thị trường trong khu vực.
 
AIG thua lỗ gần 62 tỷ USD khiến giới đầu tư lo ngại về những hệ lụy tiếp theo sẽ xảy ra với hệ thống tài chính Mỹ, qua đó sẽ tạo nên những áp lực cho thị trường chứng khoán.
 
Chứng khoán Nhật đã mất điểm ngày thứ hai trong tuần vì sự sụt giảm của cổ phiếu khối ngân hàng.
 
Giới đầu tư Nhật tiếp tục mất niềm tin vào cổ phiếu khối tài chính nên lượng đặt bán tăng vọt. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 0,5%, cổ phiếu Mizuho Financial Group hạ 2,8%...
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 50,43 điểm, tương đương -0,69%, chốt ở mức 7.229,72. Khối lượng giao dịch đạt 1,9 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.
 
Trên thị trường Hồng Kông, cổ phiếu HSBC chính là tâm điểm trong phiên giao dịch bởi cổ phiếu này đã phải ngừng giao dịch phiên trước đó, sau thông báo lợi nhuận giảm mạnh và phải tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
 
Tuy vậy, diễn biến thị trường hôm 3/3 vẫn không có gì sáng sủa hơn. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu HSBC giảm 18,17% xuống 46,6 Đô la Hồng Kông/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường mất khoảng 17 tỷ USD.
 
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông vẫn mất điểm phiên thứ hai trong tuần trước sự giảm điểm của cổ phiếu khối ngân hàng. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng giảm 283,58 điểm, tương đương -2,3%, chốt ở mức 12.033,88.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,21%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 0,37%. Chỉ số BSE của Ấn Độ tăng xuống 0,17%. Chỉ số ASX của Australia giảm 1,01%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 1,05%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,66%.
Theo: VnEconomy