Phố Wall tiếp tục khởi sắc

Thứ tư, 15/7/2009 | 15:55 GMT+7
Ngày 14/7, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm nhờ tin tốt về doanh thu bán lẻ và ba tập đoàn lớn có kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi.
Thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh thu của các nhà bán lẻ ở nước này đã tăng 0,6% trong tháng 6/2009 - cao hơn 0,2% so với dự báo của giới phân tích.
 
Cùng ngày, Bộ Lao động cho hay chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) trong tháng 6/2009 đã tăng 1,8% - cao hơn so với mức dự báo tăng 0,9% của giới phân tích. Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng thì PPI cơ bản trong tháng chỉ tăng 0,5%.
 
Thanh khoản giảm 21% so với phiên trước
 
Ngày 14/7, Goldman Sachs đã chính thức công bố kết quả kinh doanh quý 2/2009 - đây là đại diện đầu tiên trong số các đại gia ngân hàng Mỹ công bố thông tin.
 
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông phổ thông đạt 2,7 tỷ USD, tương đương 4,93 USD/cổ phiếu - tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái (2,05 tỷ USD). Kết quả này đã vượt ngoài mong đợi của giới phân tích Phố Wall, cũng như mở ra triển vọng khả quan đối với lợi nhuận của ngành.
 
Cùng ngày, Tập đoàn Johnson & Johnson đã công bố đạt 3,21 tỷ USD lợi nhuận sau thuế, tương đương 1,15 USD/cổ phiếu - thấp hơn so với mức lợi nhuận 3,37 tỷ USD (1,18 USD/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn so với dự báo của giới phân tích. Doanh thu trong quý 2 của Johnson & Johnson đạt 15,24 tỷ USD.
 
Cũng trong ngày 14/7, Intel đã công bố lỗ 398 triệu USD, tương đương -7 cent/cổ phiếu trong quý 2/2009 - đây là lần đầu tiên trong 22 năm nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới bị thua lỗ. Doanh thu của hãng đạt 8 tỷ USD - giảm 1,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Như vậy, 3 tập đoàn lớn của Mỹ đã mở đầu cho mùa công bố kết quả kinh doanh thành công hơn mong đợi. Điều này đã có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán và làm lực hỗ trợ cho phiên tăng điểm thứ hai trong tuần.
 
Phiên này thị trường chứng khoán Mỹ giằng co mạnh trong biên độ từ -0,5% đến +0,5%. Biên độ tăng giảm của các chỉ số dao động không đáng kể một phần là do thị trường đã có phiên tăng điểm mạnh một ngày trước đó.
 
Sự tăng điểm này thể hiện sức đỡ rất lớn của các thông tin ra ngày 14/7, vì thông thường, sau khi chứng khoán tăng mạnh sẽ có một phiên điều chỉnh giảm nhẹ và những cổ phiếu vốn đã tăng mạnh sẽ sớm bị nhà đầu tư chốt lời.
 
Nhưng trên thực tế 19 cổ phiếu blue-chip trong chỉ số Dow Jones vốn tăng mạnh phiên trước đó, vẫn tiếp tục khởi sắc trong phiên giao dịch này.
 
Tuy thị trường tăng điểm nhưng tính thanh khoản trên sàn New York lại chỉ đạt dưới 1 tỷ cổ phiếu - giảm 21% so với phiên đầu tuần. Thị trường cứ có 7 cổ phiếu tăng điểm thì có 3 cổ phiếu giảm điểm.
 
Cả ba cổ phiếu Goldman Sachs, Johnson & Johnson và Intel đều tăng điểm trong ngày giao dịch, trong đó cổ phiếu Goldman Sachs tăng 0,2% (phiên trước tăng 5%), cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 0,9% và cổ phiếu Intel tiến thêm 2,06%.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 14/7: chỉ số Dow Jones tiếp tục tăng 27,81 điểm, tương đương 0,33%, chốt ở mức 8.359,49.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 6,52 điểm, tương đương 0,36%, chốt ở mức 1.799,73.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 4,79 điểm, tương đương 0,53%, đóng cửa ở mức 905,84.
 
Chứng khoán châu Âu tăng điểm
 
Chứng khoán khu vực đã khởi sắc phiên thứ hai trong tuần nhờ sức tăng của cổ phiếu khối ngân hàng. Cổ phiếu BNP Paribas, Deutsche Bank, HSBC, Societe Generale, UBS và UniCredit tăng từ 1,7% đến 3,6%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 35,55 điểm, tương đương 0,85%, chốt ở mức 4.237,68. Khối lượng giao dịch đạt 1,95 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức tăng 1,26%, khối lượng giao dịch đạt 24,8 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 1,26%, khối lượng giao dịch đạt 94,57 triệu cổ phiếu.
 
VN-Index đi ngược với chứng khoán châu Á
 
Sự tăng điểm mạnh của chứng khoán Mỹ phiên trước đó xuất phát từ nhận định khả quan về khối ngân hàng Mỹ. Điều này đã nhanh chóng tác động tích cực tới thị trường châu Á, nơi đã giảm điểm nhiều phiên liên tiếp trước đó.
 
Biên độ tăng của thị trường châu Á cơ bản đã lấy lại được giá trị giảm điểm của phiên trước đó. Có tới 5/8 thị trường chứng khoán lớn đã tăng điểm với biên độ trên 2%, trong đó thị trường Hồng Kông và Australia đã duy trì được mức tăng trên 3,2% khi kết thúc ngày giao dịch.
 
Đi ngược với diễn biến của chứng khoán khu vực, VN-Index đã tiếp tục giảm điểm mạnh và xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 420 điểm. Lực cầu vẫn yếu so với sức cung đã khiến chỉ số này nhanh chóng phá vỡ ngưỡng tâm lý.
 
Đến lúc này thì có lẽ các thông tin hỗ trợ như kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp niêm yết, thị trường Mỹ tăng điểm mạnh, đã không còn có những tác động làm lực đỡ mạnh cho thị trường.
 
Đối với thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã có phiên tăng điểm mạnh và chấm dứt chuỗi 9 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó. Đón tin tích cực từ khối tài chính Mỹ, cổ phiếu khối ngân hàng Nhật đã tăng điểm mạnh mẽ và là nhân tố chính thúc đẩy thị trường khởi sắc.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 211,48 điểm, tương đương 2,34%, chốt ở mức 9.261,81.
 
Chuyển qua diễn biến thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite đã có phiên tăng điểm mạnh, đưa thị trường lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua. Với phiên tăng điểm này, chỉ số Shanghai Composite chính thức đạt mức tăng 72% với với đầu năm nay.
 
Gói kích thích kinh tế trị giá 585 tỷ USD đã thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có mức tăng trưởng tốt, lợi nhuận doanh nghiệp cũng tương đối khả quan và quan trọng hơn thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có sức hấp dẫn hơn so với nhiều thị khác. Vì vậy, chứng khoán nước này mới tạo được mức tăng đột biến và vượt xa so với các thị trường khác.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 64,6 điểm, tương đương 2,1%, chốt ở mức 3.145,16.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,66%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam hạ 1,9%. Chỉ số ASX của Australia lên 3,23%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 1,75%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc nhích 0,54%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 3,66%. Chỉ số BSE của Ấn Độ lên 2,88%.
Theo: VNE