Sự kiện

Quan trọng nhất là cung cấp đủ điện

Thứ năm, 4/12/2008 | 10:16 GMT+7
Trước đây, sửa chữa lớn vốn không phải là “câu chuyện” của báo chí, bởi tất cả đều được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Nhưng trong tình hình thiếu điện hiện nay, do yêu cầu điều động của hệ thống dẫn đến việc phải thay đổi kế hoạch sửa chữa lớn không chỉ khiến  các công ty sản xuất điện bị động mà còn tạo nên những áp lực rất nặng nề đối với EVN và với Ao – cơ quan đứng mũi, chịu sào trong công tác điều độ hệ thống điện quốc gia. Phóng viên Tạp chí Ðiện lực đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó giám đốc Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) xung quanh vấn đề này.

PV: Các nhà máy điện thay đổi thời gian sửa chữa lớn do yêu cầu của hệ thống điện là việc “đặng chẳng đừng” trong điều kiện thiếu điện trầm trọng hiện nay. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể kéo theo nhiều hệ luỵ… Ao thực hiện cân đối và lập kế hoạch sửa chữa này như thế nào?

Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Tiêu chí hàng đầu mà Ao phải thực hiện là đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trường hợp tổ máy nào có nguy cơ xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến an toàn của con người và thiết bị thì chắc chắn, Ao sẽ phải cho ra ngay khỏi hệ thống để sửa chữa. Còn đối với các kế hoạch dài hạn, Ao luôn cân nhắc kỹ việc thay đổi thời gian sửa chữa của các nhà máy điện. Nếu các nhà máy điện vẫn đảm bảo về sự an toàn, khả năng “chịu được” của tổ máy, thì trong điều kiện thiếu nguồn (đặc biệt vào mùa khô, tình hình cung cấp điện vô cùng khó khăn) thì Ao vẫn huy động phát điện và yêu cầu lùi thời gian sửa chữa lại. 

Hiện nay, việc tính toán, kiểm tra thời gian sửa chữa lớn của các nhà máy do Ao đảm nhiệm có sự hỗ trợ của phần mềm cân bằng năng lượng hệ thống điện. Bên cạnh đó, thời điểm sửa chữa của các nhà máy điện ở Việt Nam còn liên quan chặt chẽ đến vấn đề khai thác nước. Thông thường, các tổ máy thuỷ điện được sửa chữa vào mùa khô và đến mùa lũ, các tổ máy thuỷ điện phải chạy tối đa công suất và chỉ sửa chữa do sự cố bất khả kháng. Ngược lại, nhiệt điện được khai thác rất cao vào mùa khô và chỉ được sửa chữa vào mùa lũ. Ngoài ra, việc điều tiết các hồ chứa thuỷ điện còn có những ràng buộc như: Xả nước cho tưới tiêu nông nghiệp (vào thời điểm tháng 1, tháng 2 hàng năm) và phục vụ giao thông đường thuỷ ở dưới hạ du...

PV: Thời gian lùi kế hoạch sửa chữa thường kéo dài trong bao nhiêu lâu?

Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Việc lùi kế hoạch sửa chữa có thể vài ngày hoặc lâu hơn tùy thuộc vào yêu cầu phụ tải của hệ thống cũng như khả năng phát của các nguồn khác cũng như khả năng “cầm cự” của chính tổ máy có nhu cầu sửa chữa.

PV: Trong trường hợp không phải do sự cố, nhưng các nhà máy cũng không chấp nhận lùi kế hoạch sửa chữa thì Ao sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Thực ra, nhà máy nào cũng muốn phát điện với sản lượng cao nhất, nhưng nếu đó yêu cầu bắt buộc hoặc do điều kiện thực tế phát sinh thì vẫn phải dừng máy. Ngoài nguyên nhân sự cố hoặc nguy cơ sự cố, có rất nhiều nguyên nhân khiến các nhà máy điện không thể lùi thời gian sửa chữa như: yêu cầu sửa chữa bắt buộc đối với các tổ máy turbin khí (khi đạt đến số giờ vận hành nhất định), không thể thương thảo lại hợp đồng đã ký với công ty sửa chữa, cung cấp thiết bị, hợp đồng với chuyên gia thuê ngoài, hoặc tổ máy đang trong thời gian bảo hành, nếu không dừng máy để kiểm tra, sửa chữa thì sẽ mất quyền được bảo hành,…  Do vậy, nếu nhà máy điện không thể thay đổi kế hoạch thì Ao buộc phải bố trí để họ dừng máy mặc dù hệ thống điện đang rất căng thẳng. Và trong trường hợp thiếu điện, thì Ao buộc phải thực hiện sa thải phụ tải theo đúng quy trình. 

Trong giai đoạn căng thẳng về cung cấp điện, nếu nhà máy phải thực hiện sửa chữa thì thông thường phải làm cả ngày lẫn đêm để rút ngắn tối đa thời gian sửa chữa.

Nếu có nguồn điện dự phòng, công tác sửa chữa lớn sẽ thuận lợi hơn.

 

PV: Trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng như việc đề nghị thay đổi kế hoạch sửa chữa lớn của Ao, có sự phân biệt nào giữa các đơn vị phát điện trong và ngoài EVN hay không?

Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Không chỉ riêng trong công tác này, Ao không bao giờ có sự phân biệt giữa đơn vị phát điện trong và ngoài EVN.

Nguyên tắc đầu tiên: Huy động tối đa các nhà máy dùng nguồn năng lượng tái tạo và nguồn điện nào rẻ thì được huy động trước. Ðó là quy trình, là vấn đề lợi ích quốc gia mà EVN và Ao luôn đặt lên hàng đầu. Ở đây, EVN là doanh nghiệp nhà nước, EVN có lợi nhuận là EVN làm giầu cho đất nước chứ không phải làm giầu cho cá nhân hoặc một tập thể đơn thuần nào. Vì thế, trong nguyên tắc làm việc của Ao, tất cả các đơn vị phát điện – trong và ngoài EVN cũng đều thuộc hệ thống thống nhất và đều bình đẳng như nhau. Ví dụ cụ thể là hạn chế đưa ra sửa chữa các nguồn thủy điện trong giai đoạn mùa lũ, không kể là trong hay ngoài EVN.

Song trong công tác này, sự khác biệt lại xuất phát từ chính các đơn vị. Các công ty phát điện ngoài EVN (như Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Na Dương, …) do không phải chịu áp lực cung cấp đủ điện cho hệ thống và cũng không phải chịu nhiều tác động của EVN nên họ hoàn toàn có thể từ chối yêu cầu thay đổi kế hoạch sửa chữa (vì lý do hợp đồng đã ký với đối tác sửa chữa, hoặc chỉ đơn giản là không muốn bị động trong sản xuất) cho dù hệ thống điện căng thẳng như thế nào. Thậm chí, cũng có những hiểu lầm là Ao gây khó dễ khi yêu cầu các đơn vị thay đổi kế hoạch. Còn đối với các nhà máy điện thuộc EVN, mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước luôn được đặt lên hàng đầu, nên việc phối hợp với Ao cũng thuận lợi hơn, mặc dù bản thân các đơn vị cũng rất khó khăn, vất vả và chịu những áp lực rất lớn trong công việc khi phải thay đổi kế hoạch sản xuất. Trong tương lai, nếu hệ thống điện có dự phòng thì công tác này sẽ bớt căng thẳng hơn rất nhiều…

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Điện lực