Sự kiện

Không đánh giá đúng vai trò của PR, sẽ rất bất lợi…

Thứ sáu, 28/11/2008 | 11:17 GMT+7
Bên lề Hội thảo chuyên đề “Quan hệ cộng đồng và sự chấp thuận của công chúng”, ông Makoto Kisanuki – Phó Giám đốc Trung tâm Hải ngoại, thuộc Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản  đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở về công tác PR  với Tạp chí Điện lực. Những kinh nghiệm của một chuyên gia  truyền thông điện lực Nhật Bản có lẽ  phần nào chia sẻ được những khó khăn hiện nay của ngành Điện Việt Nam trong lĩnh vực quan hệ cộng đồng.

PV: Với sự hợp tác chặt chẽ và lâu dài giữa JEPIC và EVN, ông đã khái quát được phần nào bức tranh toàn cảnh của Điện lực Việt Nam. Vậy nếu đặt ông vào vị trí một cán bộ phụ trách PR của EVN thì những hoạt động đầu tiên ông sẽ làm trong công tác này là gì?

Ông Makoto Kisanuki: Trước tiên, đó là làm sao cho dư luận xã hội biết EVN đang nỗ lực rất lớn để cung cấp nguồn điện cho khách hàng với tỉ lệ tăng trưởng điện thương phẩm 15-16%/năm. EVN gánh trên vai trách nhiệm quá nặng nề. Dù là có trọn vẹn hay không, thì những kết quả đạt được cũng là sự nỗ lực rất lớn của EVN nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Một điểm nữa là so với các nước có trình độ phát triển kinh tế bằng, thậm chí là cao hơn, thì tỉ lệ cung cấp điện đến các hộ dân khu vực nông thôn ở Việt Nam lại lớn hơn rất nhiều. Đó cũng là điều EVN cần quảng bá. Hàng năm, Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản thống kê những con số về sự phát triển điện lực các nước trên thế giới. Nếu không đặt những kết quả ngành Điện Việt Nam đạt được đó trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội chung của toàn khu vực, có thể chính các bạn cũng không hình dung được mình đã và đang nỗ lực đến thế nào.

PV: Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, dù đã có nhiều nỗ lực, cống hiến, ngành Điện vẫn chưa thực sự giành được thiện cảm của dư luận. Trong nhiều hoạt động, đề xuất, mặc dù đều hết sức chính đáng, vì lợi ích chung của quốc gia, nhưng EVN vẫn vấp phải rào cản rất lớn là sự không đồng thuận của dư luận. Đề xuất tăng giá điện đúng lộ trình đã được phê duyệt  là một ví dụ điển hình.

Ông Makoto Kisanuki: Phải khẳng định rằng, giá điện của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Nếu giá điện không ở mức mà các tổ chức tài chính thấy yên tâm rằng đơn vị đi vay có khả năng trả nợ thì các bạn không thể vay được vốn. Không có vốn để phát triển nguồn điện, dẫn đến thiếu điện, không phát triển được sản xuất, nâng cao mức sống của người dân. Không thu hút được đầu tư thì càng làm cho đất nước khó khăn hơn, khó phát triển được cơ sở hạ tầng. Nếu người dân không hiểu điều này, các bạn cứ ở trong vòng luẩn quẩn, không thể thoát ra được. Đội ngũ làm công tác PR phải giải thích cho người dân hiểu. Và hiểu được bản chất vấn đề thì người dân mới đồng tình, ủng hộ. Người dân có lòng tin, ấn tượng về một doanh nghiệp tốt, một tập thể tốt, thì họ mới hợp tác và tin rằng ngành Điện đã nỗ lực hết sức rồi, tăng giá điện là vì lợi ích quốc gia chứ không vì bất kỳ nguyên nhân không chính đáng nào khác.

Ở Nhật Bản, trong hoạt động quan hệ cộng đồng của các công ty điện lực, điều quan trọng nhất là tạo dựng sự gần gũi và niềm tin của khách hàng. Cảm giác không tin tưởng của khách hàng hoàn toàn có thể thay đổi được, nếu sự thay đổi bắt nguồn từ cung cách phục vụ của các đơn vị phân phối điện. Mặc dù ngành Điện bao gồm sản xuất, truyền tải, phân phối, nhưng chính khối phân phối điện với đội ngũ giao tiếp khách hàng lại có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm và sự ủng hộ của dân chúng.   

13 năm trước, tôi đến Việt Nam và vào một nhà hàng. Khi tôi gọi món, người phục vụ vừa ghi thực đơn, vừa tỏ vẻ cáu kỉnh. Tôi cho rằng, trong mắt của người dân Việt Nam, có thể EVN giống như người phục vụ vừa ghi thực đơn, vừa gắt gỏng. Có thể CBCNV ngành Điện chưa xác định được nhiệm vụ của họ - người bán hàng - là mang lại một dịch vụ tốt nhất cho các quý khách hàng, mà vẫn quan niệm một cách kể cả: “Tôi bán điện cho ông đấy nhé”.Vì thế, trước khi định hướng các hoạt động quan hệ công chúng ra bên ngoài, thì phải sốc lại tinh thần và ý thức của nhân viên chính trong nội bộ.

PV: Thực tế, EVN cũng đang nỗ lực khắc phục những tồn tại này. Và cũng xin đính chính rằng đó chỉ một bộ phận nhỏ người lao động chưa ý thức được vai trò đại diện hình ảnh của doanh nghiệp khi tiếp xúc với khách hàng chứ không phải là thái độ của toàn ngành Điện. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề đặt ra cho công tác PR của EVN.

Ông Makoto Kisanuki: Ở Nhật Bản, không phải nhân viên nào cũng thực sự lý tưởng. Vì thế, tổng giám đốc công ty điện lực phải thông qua các phương tiện truyền thông nội bộ của đơn vị thường xuyên nhắc nhở, giáo dục nhận thức cho nhân viên của mình. Tôi được biết trong thời gian qua, do thiếu điện, phải cắt điện nhiều nơi, lãnh đạo cấp cao của EVN đã xuất hiện trước công chúng để lý giải về điều đó. Tôi không biết cụ thể nội dung cuộc trao đổi, nhưng riêng việc chủ động công bố thông tin, trả lời với công chúng đã là một động thái rất tích cực.

Trong công tác PR lĩnh vực điện lực, dù ở Việt Nam hay Nhật Bản thì đều gặp những khó khăn đặc thù. Ở Nhật Bản, việc khó nhất là thuyết phục những người sống nơi chúng tôi lựa chọn xây dựng những nhà máy điện nguyên tử. Nhiều bậc đàn anh trong nghề kể lại, trong các buổi tiếp xúc với người dân, không ít lần họ bị ném gạch và hắt gạt tàn vào người. Chìa khóa ở đây là kiên nhẫn, Tôi khẳng định là đừng bao giờ mong chờ sự đồng thuận 100%, trên 75% người dân địa phương sống tại nơi đặt chân nhà máy điện nguyên tử đồng ý là tốt lắm rồi.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những thuận lợi, ở Nhật Bản có 3 luật hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp điện lực xác định vị trí xây dựng cơ sở phát điện ở đâu thì địa phương đó sẽ trực tiếp hưởng lợi. Việc vận dụng những cơ chế quản lý dưới sự điều tiết của chính phủ sẽ tạo điều kiện về hành lang cho sự phát triển của các nhà máy điện đặc biệt là điện nguyên tử. Điều này không thể thiếu được. Từ đó cho thấy rằng, để các hoạt động PR hiệu quả, cần rất nhiều yếu tố. Nếu không đánh giá đúng vai trò của công tác PR, sẽ rất bất lợi cho các hoạt động điện lực. Nếu tính toán chi phí dành cho hoạt động PR so với những thiệt hại do không thực hiện tốt công tác này dẫn đến các nhà máy chậm tiến độ phát điện trong 1 ngày, 1 tháng, 1 năm hoặc vĩnh viễn thì sẽ thấy được, khoản đầu tư cho PR là hoàn toàn có lợi. Và một chiến lược PR kém có thể khiến một dự án điện thất bại hoàn toàn vì không được phép thực hiện ngay từ khi còn trên giấy…

PV: Xin cảm ơn Ông!

Bảo Ngọc, Anh Tú thực hiện