Sự kiện

Năng lượng gió - Không thể lãng phí

Thứ tư, 19/11/2008 | 10:14 GMT+7
Từ lâu, con người đã biết sử dụng năng lượng gió, song kể từ khi có năng lượng dầu khí, năng lượng gió bị lùi dần vào quên lãng. Sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1970, năng lượng tái tạo được chú ý trở lại, nhất là khi trái đất bị nóng lên. Vào thập niên 1980, những trang trại gió (wind farm) bắt đầu được thiết kế và xây dựng. Trong hơn hai mươi năm, điện gió đã có những bước tiến vượt bậc.

 

Tất cả những trang trại gió đều dùng loại turbine trục ngang. Phần lớn công suất của những turbine ngang ở mức 1,5 MW cho tới 5 MW. Hiện nay, trên thế giới, nhiều dự án được đề ra với mục đích nâng cao sự đóng góp của năng lượng tái tạo. Ở châu Âu, nhiều quốc gia nêu mục tiêu 20% năng lượng tái tạo năm 2020. Ở Trung Quốc, mục tiêu tạo ra 3% điện từ nguồn tái tạo (không tính thủy điện). Tại bang Texas (Mỹ), cũng đã thiết lập trạm điện gió trên 4.000 MW, chi phí trên 4 tỷ USD. Hiện nay, các công ty sản xuất thiết bị trạm điện gió cung cấp không đủ cho nhu cầu.

Ðiện gió – Ngày càng rẻ

Cho đến tận những năm 1990, nhiều người vẫn cho rằng giá thành (bao gồm giá lắp đặt và vận hành) của các trạm điện gió khá cao. Nhưng ngày nay, định kiến này đang được nhìn nhận và đánh giá lại, đặc biệt khi quan niệm giá thành không chỉ bao gồm chi phí kinh tế mà còn gồm cả những chi phí ngoài (external cost) như chi phí về xã hội do phải tái định cư, hay về môi trường do ô nhiễm. Trong khi nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang bị coi là kém ổn định và có xu thế tăng giá, thì cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, giá thành của điện gió càng ngày càng rẻ hơn.

Ví dụ, Nhà máy Thủy điện Sơn La với 6 tổ máy, tổng công suất thiết kế là 2400 MW, được dự kiến xây dựng trong 7 năm với tổng mức đầu tư là 2,4 tỷ USD. Giá thành khi phát điện (chưa tính đến chi phí môi trường) là 70 USD/MWh. Như vậy, để có được 1 kW công suất cần đầu tư 1.000 USD trong 7 năm. Trong khi đó, theo thời giá năm 2003, đầu tư cho 1 kW điện gió ở nhiều nước Châu Âu cũng vào khoảng 1.000 USD. Ðáng lưu ý là giá thành này giảm đều hàng năm do cải tiến công nghệ. Nếu thời gian sử dụng trung bình của mỗi trạm điện gió là 20 năm thì chi phí khấu hao cho một kWh điện gió sẽ là 14 USD. Cộng thêm chi phí thường xuyên thì tổng chi phí quản lý và vận hành sẽ nằm trong khoảng 48 – 60 USD/MWh - tương đương với thủy điện, vốn được coi là nguồn năng lượng rẻ và hiệu quả. Theo dự đoán, đến năm 2020, giá thành đầu tư của điện gió sẽ giảm đáng kể, chỉ khoảng 600 USD/kW, khi ấy chi phí quản lý và vận hành sẽ giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 30 USD/MWh

Tiềm năng điện gió biển ở Việt Nam

Nước ta có trên 3200 km bờ biển, đón gió trực tiếp từ biển Ðông, do đó có nhiều điều kiện thuận lợi khai thác nguồn năng lượng này. Dựa trên cơ sở dữ liệu nhiều năm của hơn 300 trạm khí tượng thuỷ văn trên phạm vi cả nước, các kết quả tính toán cho thấy bức tranh tổng quát về đặc điểm chế độ gió và tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam: Ở độ cao khoảng 12 m, tốc độ gió trung bình/năm khu vực ven biển là khoảng từ 4 đến 5 m/s; ở khu vực hải đảo, đặc biệt, các đảo xa bờ như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Ðảo... có chế độ gió khá tốt, có thể khai thác hiệu quả nguồn năng lượng gió để cấp điện, tốc độ gió trung bình/năm ở khu vực này khoảng từ 5 đến 8 m/s.

Tiềm năng điện gió ở biển Việt Nam
Theo đánh giá tiềm năng năng lượng gió (NLG) khu vực Ðông Nam Á của Tổ chức khí tượng thế giới, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng NLG tốt nhất, nhiều khu vực như vùng ven biển từ Bình Ðịnh đến Bình Thuận, vùng núi phía bắc miền Trung, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc giáp Trung Quốc ..., ở độ cao 65 m, có tốc độ gió trung bình năm đạt từ 8 đến 9,5 m/s, có thể xây dựng các nhà máy điện gió công suất lớn. Theo tính toán của tổ chức nói trên thì tổng tiềm năng lý thuyết về NLG ở Việt Nam được đánh giá là trên 100.000 MW ( tính với tốc độ gió từ 7 m/s trở lên). Vùng lãnh thổ khai thác được NLG có tổng diện tích chiếm gần 9% diện tích cả nước. Từ những kết quả nghiên cứu của ngành khí tượng thuỷ văn, những kết quả đo gió bước đầu ở các độ cao đến 60 m và đặc biệt là những đánh giá rất thuận lợi của tổ chức khí tượng thế giới cho ta một nhìn nhận rất lạc quan về tiềm năng NLG của Việt Nam. Ðể biến những đánh giá trên thành hiện thực, tạo cơ sở khoa học tin cậy xây dựng chiến lược phát triển nguồn NLG Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện khả thi sớm xây dựng các nhà máy điện gió công suất lớn, bổ sung cho hệ thống điện, nhất thiết phải tiến hành ngay nhiệm vụ điều tra cơ bản đánh giá chế độ gió và tiềm năng NLG theo yêu cầu của công nghệ điện gió công suất lớn.

Tiềm năng điện gió ở ngoài khơi (xa bờ) của nước ta lớn gấp nhiều lần so với lục địa. Nếu tính theo Hình 1 thì miền duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng sản xuất 5,000 tỷ kWh mỗi năm, có thể đảm bảo gấp vài lần nhu cầu điện cho Việt Nam và các nước lân cận.

Ðể khuyến khích đầu tư về năng lượng gió, cần có các chính sách về năng lượng tái tạo, mạng lưới điện, đầu tư… nhằm thu hút vốn cho các trạm điện gió ngoài biển. Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng gió. Việc không đầu tư nghiên cứu và phát triển điện gió sẽ là một sự lãng phí rất lớn trong khi nguy cơ thiếu điện luôn thường trực, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi đó, hiện nay chiến lược quốc gia về điện mới chỉ quan tâm tới thủy điện, nhiệt điện và điện hạt nhân.

Nếu nhìn ra thế giới thì việc phát triển điện gió đang là một xu thế lớn, thể hiện ở mức tăng trưởng cao nhất so với các nguồn năng lượng khác. Khác với điện hạt nhân cần một quy trình kỹ thuật và giám sát hết sức nghiêm ngặt, việc xây lắp điện gió không đòi hỏi quy trình khắt khe đó. Với kinh nghiệm phát triển điện gió thành công của Ấn Ðộ, Trung Quốc, Phi-lip-pin, và với những lợi thế về mặt địa lý của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển năng lượng điện gió để đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo TCĐL số 10/2008