Sự kiện

Ngành điện-sức ép cất cánh

Thứ ba, 25/11/2008 | 10:46 GMT+7
Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài, phát triển sản xuất trong nước, đồng thời tạo nên sức ép không nhỏ lên các ngành cung cấp năng lượng, trong đó có sản xuất và tiêu thụ điện năng. Dự kiến năm 2009, điện thương phẩm thiếu tới một tỷ kWh. Ngành điện đang chịu một sức ép cất cánh rất lớn cùng với sự phát triển của đất nước.

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh có công suất 1.200 MW cho sản lượng điện 7,2 tỷ kWh/năm, việc chậm tiến độ của nhà máy (khoảng 4 đến 5 tháng) sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cung cấp điện năng của ngành điện. Ảnh: TTXVN
Nhu cầu tăng chóng mặt

Theo dự kiến năm 2009, tổng sản lượng điện sản xuất và mua vào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 86,7 tỷ kWh, điện thương phẩm là 77,1 tỷ kWh, tăng 14,5% so với năm 2008. Trong khi dự kiến về nhu cầu điện năng năm 2009 là khoảng 78,1 tỷ kWh. Như vậy, sản lượng điện thương phẩm còn thiếu khoảng một tỷ kWh.

Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, công suất của hệ thống điện Việt Nam cần phải được nhân đôi trong vòng 5 năm tới mới có thể đáp ứng được sự tăng trưởng nhu cầu được dự báo là 17%/năm. Nếu như vậy, với tổng công suất nguồn điện của Việt Nam có đến năm 2008 là 15.218 MW (số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì 5 năm tới công suất điện phải đạt khoảng 30.436 MW mới đạt yêu cầu.

Theo ông Thành, nhu cầu tăng nhanh do sự phát triển mạnh của công nghiệp hóa, nhu cầu điện dân dụng tăng do thu nhập tăng cao và sự mở rộng lưới điện cấp cho nông thôn (đến nay đã có 95% số hộ nông dân được dùng điện). Vì thế, trong giai đoạn 2006-2015, hằng năm cần phải tăng thêm ít nhất 2.000 MW công suất điện.

Phải nói thêm rằng, số các dự án đầu tư sản xuất tăng mạnh trong thời gian vừa qua đã khiến các dự báo nhu cầu của ngành điện cần liên tục được cập nhật nếu không muốn bị lỗi thời, gây khó khăn cho việc cung ứng. Ví dụ, chỉ trong vài tháng xuất hiện hàng loạt các siêu dự án khu liên hợp sản xuất thép như của liên doanh Vinashin (Việt Nam) - Lion (Ma-lai-xi-a) và với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9,8 tỷ USD; rồi dự án thép trị giá 7,9 tỷ đô-la Mỹ ở Hà Tĩnh của tập đoàn công nghiệp nặng Formosa (Đài Loan, Trung Quốc)... Thậm chí, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, tính đến nay, tổng công suất của các dự án thép đã được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư lên đến 40 triệu tấn/năm. Với một ngành tiêu thụ nhiều điện năng như thép mà lại phát triển nhanh như vậy thì gánh nặng trên đôi vai của ngành điện sẽ rất lớn. Đó là chưa kể các dự án sản xuất hóa chất, xi măng…

Trong điều kiện phụ tải tiếp tục tăng cao (5 tháng đầu năm tăng 18,82% so với cùng kỳ 2007), nguồn điện thiếu và lượng mua ngoài giá cao tăng nhiều, EVN đã chỉ đạo bên cạnh việc bảo đảm điện cho sản xuất và đời sống thiết yếu thì phải thực hiện tiết kiệm nghiêm ngặt, phấn đấu tiết kiệm khoảng 1,5% điện thương phẩm, tương đương 1,034 tỷ kWh.

Điện đã thiếu, vậy mà tổn thất điện năng của Việt Nam lại rất lớn do nhiều nhà máy công nghệ cũ, hệ thống điện thiếu khoa học… Năm 2007, tổn thất điện năng là 10,8%. Năm 2008, EVN cố gắng giảm tổn thất điện năng xuống còn 9,6% và sẽ giảm tiếp trong các năm tiếp theo khi cải tạo và đưa được các dự án mới vào.

Trong thời gian tới, các dự án điện sẽ được đẩy nhanh tiến độ để lấp khoảng trống giữa cung-cầu. Hiện tại, EVN đang nỗ lực xúc tiến mọi mặt, dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để có thể xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận. Theo kế hoạch, báo cáo đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 sẽ được trình ra Quốc hội và tháng 5-2009. Nếu thuận lợi, nhà máy Ninh Thuận 1 sẽ được triển khai trước với mục tiêu tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2020. Tổng công suất các tổ máy điện hạt nhân dự kiến sẽ phát triển lên tới 8000 MW vào năm 2025.

Mối lo về vốn

Thách thức lớn nhất cho ngành điện là vấn đề vốn. Bởi, để đáp ứng được nhu cầu theo giả thiết trên, đầu tư cho ngành điện phải ở mức 3 tỷ USD/năm, với khoảng 70% cho phát triển nguồn điện, còn lại là cho lưới điện.

Hiện nay, Chính phủ vẫn giao EVN chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm điện. Theo quy hoạch điện lần thứ 6 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN đảm nhận đầu tư khoảng 50% công suất phát điện mới và toàn bộ lưới điện đồng bộ, tổng vốn đầu tư cần thiết cho nguồn và lưới điện giai đoạn 2007-2015 ước tính 700.000 tỷ đồng.

Để huy động tối đa nguồn vốn, EVN dự kiến sẽ thành lập các công ty cổ phần với sự tham gia góp vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài và các cổ đông có tiềm năng khác. Khoảng 50% tổng công suất còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà đầu tư bên ngoài như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam...

Giá bán lẻ điện bình quân chưa tính đến thuế giá trị gia tăng (VAT) là 860 VNĐ/kWh năm 2007. Nếu cộng thêm VAT thì giá bán bình quân là khoảng 950 VNĐ/kWh. Theo EVN, giá này thấp hơn giá bán lẻ bình quân của hầu hết các nước. Ông Dương Quang Thành cho rằng với mức giá như hiện tại, tình hình tài chính của EVN vẫn “nằm trong phạm vi chấp nhận được”, đủ để bảo đảm chi trả tất cả các khoản chi phí trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, mức giá này không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư lớn trong tương lai của ngành điện.

Chia sẻ với quan điểm này, PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, năng lượng trong đó có điện năng là hàng hóa nên giá cả phải tuân theo quy luật của thị trường. Theo ông Phan Đăng Tuất, vốn cho tái đầu tư của ngành điện ít nhất phải bằng 30%. “Cần phải hiểu rằng giá điện không chỉ là giá cho chi phí hiện tại mà còn có khoản đầu tư cho tương lai”-Ông nói. Như thế nếu giá điện chỉ vừa đủ chi phí, hoặc thậm chí thấp hơn chi phí thì các nhà đầu tư sẽ e ngại không dám đầu tư vào ngành điện. Và nếu vậy, điện đã thiếu lại càng thiếu nghiêm trọng trong tương lai với tốc độ tăng nhu cầu như hiện nay.

Với quan điểm phải thay đổi về cách tính giá điện, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của EVN cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện giá điện như hiện nay thì vô tình chúng ta đã bao cấp cho cả các doanh nghiệp nước ngoài và các tầng lớp giàu có trong xã hội-đó là điều không công bằng. Theo ông Hưng, phải đưa ra được cách tính mới, theo hướng “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, nghĩa là tính giá cao đối với những hộ dùng nhiều điện để hỗ trợ về giá, thậm chí là miễn phí đối với các hộ nghèo, dùng ít điện.

EVN khẳng định vẫn đang thực hiện bù lỗ cho điện nông thôn, bình quân mỗi năm khoảng 5.000 tỷ đồng. Suất vốn đầu tư bình quân cho một hộ là 9,6 triệu đồng, cao nhất là 21 triệu đồng/hộ, trong khi giá bán điện cho các hộ dân nông thôn chỉ có 550 đồng/kWh, thấp hơn 289 đồng/kWh so với giá thành sản xuất điện.

Theo: Quân đội Nhân dân