Sự kiện

Di dân thuỷ điện Sơn La còn lắm gian nan

Thứ sáu, 28/11/2008 | 09:55 GMT+7
Sau 3 năm triển khai công tác di dân tái định cư phục vụ dự án thuỷ điện Sơn La, đến nay sức ép về thời gian khiến công tác di dân bộc lộ những bất ổn không dễ giải quyết trong một sớm một chiều...

 Cuộc sống ở nhiều bản tái định cư đã ổn định

“Làm công tác di dân vất vả lắm” -  ông Lò Mai Kiên – Phó trưởng ban tuyên truyền chuyên trách (Ban chỉ đạo di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La) về công tác di dân phục vụ dự án thuỷ điện Sơn La nói.  

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Theo kế hoạch đề ra, Sơn La sẽ hoàn thành việc di dân tái định cư (TĐC) vào tháng 5/2009. Thời điểm đó số dân phải di dời bằng tổng số dân đã di dời của cả 4 năm trước cộng lại. Như vậy, mốc tháng 5/2009 là mốc cuối, phù hợp với tiến độ thi công của công trình thuỷ điện Sơn La, nhưng để hoàn thaàn việc di dời dân thì còn lắm gian nan.

Chủ trương ban đầu là bà con sẽ được chuyển đến khu TĐC mới với điều kiện hệ thống hạ tầng cơ sở bảo đảm. Tuy nhiên, theo ông Lò Văn  Thái - Chủ tịch UBND xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn) thì hiện tại, ở một số điểm TĐC, bà con đang phải sử dụng những công trình tạm, mang tính tình thế. Những công trình đó nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng và để lại tác động không tốt đến việc thực hiện chính sách, tiến độ xây dựng công trình thủy điện.

Thừa nhận vấn đề này, ông Lò Mai Kiên cho rằng: “Sau khi có mô hình và chính sách di dân TĐC hợp lý thì việc tuyên truyền cho bà con có nhiều thuận lợi. Thế nhưng sang đến năm nay, do trượt giá nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại nơi ở mới cũng có ảnh hưởng, rất khó giải thích cho dân, tác động tiêu cực đến việc tuyên truyền vận động bà con. Nhiều nơi đã ký cam kết rồi bà con rút cam kết. Còn chỗ chưa ký thì họ suy bì về giá cả…”.

Ngoài việc xây dựng, hoàn thiện các khu TĐC mới, Sơn La phải tiếp tục khắc phục những sai sót ở các điểm TĐC trước đó. Ông Lò Mai Kiên cho biết: “Mô hình TĐC ở Tân Lập là “chìa khoá trao tay” đã tỏ ra không ổn. Tại đây, dự án được xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, có qui hoạch sản xuất tập trung, sản xuất cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc chất lượng cao. Theo đúng kế hoạch, Ban quản lý dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La vận động bằng được để bà con xuống nơi ở mới (nhà cửa, cơ sở sản xuất có sẵn). Sau một thời gian, bà con không đồng tình với cách làm này (nhà ở không phù hợp với tập quán và bà con không theo kịp cách sản xuất mới). Nguyện vọng của bà con là gắn bó cả đời với nơi ở mới cho nên không thể nói đơn giản “đến chỗ ở mới” là đến mà phải để bà con được xem xét, lựa chọn”.

Bên cạnh đó, sau khi đi vào hoạt động, tại khu TĐC Tân Lập đã nảy sinh hàng loạt vấn đề như: sức ép số dân tăng quá cao, nguồn nước không đủ, đất sản xuất thiếu...

Sau khi rút kinh nghiệm từ mô hình của Tân Lập, một cách làm mới được áp dụng trong công tác di dân TĐC ở Sơn La là thể theo nguyện vọng của bà con nhà ở sẽ được tháo dỡ và chuyển đến lắp ghép ở nơi ở mới.

“Nhà lắp ghép lại sẽ không tốn kém như xây mới. Số tiền còn lại thì bà con đầu tư vào sản xuất, gửi ngân hàng… Riêng tiền hỗ trợ sản xuất thì Ban quản lý dự án quản chặt, chia thành nhiều đợt để ổn định sản xuất” – ông Lò Mai Kiên cho biết.

Vẫn còn trăm cái khó

Ông Lò Mai Kiên cho biết, cơn bão số 6 vừa qua đã làm sạt lở hàng chục km đường mới làm vào khu tái định cư. Chưa hết, một bộ phận bà con, đặc biệt là một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa quen với cách làm ăn tại nơi ở mới, trong khi công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lại triển khai chậm. Còn một số ít hộ chưa ký cam kết di chuyển đến nơi ở mới cũng là trở ngại cần sớm giải quyết.

Nhà nước và tỉnh Sơn La có chính sách khá rõ ràng về di dân, TĐC nhưng là người trực tiếp theo dõi địa bàn, ông Lò Mai Kiên cho rằng “thủ tục giải quyết còn nhiều chỗ chưa thuận”.

Ông Lò Mai Kiên đưa ra một dẫn chứng: Nguyên tắc rút tiền đền bù là phải có đầy đủ phương án đền bù, hỗ trợ, nhưng thủ tục về thu hồi đất vẫn đang mắc. Tỉnh Sơn La linh hoạt hơn là lập phương án thành hai bước, mặc dù chưa xong thủ tục về đất cũng đã tiến hành kiểm đếm tài sản trên đất và dần hoàn thành thủ tục về đất ở cả nơi đi và nơi đến để bù chênh, hoàn chỉnh phương án để cấp vốn”.

Bên cạnh đó, theo ông Lò Mai Kiên, việc thu hồi đất theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên – Môi trường còn nhiều điểm chưa đồng thuận, rất khó làm. Ví dụ, Nghị định 84 qui định phải đo đất chính qui (bằng máy) nhưng dân lại không nhất trí vì trước đây bà con nhận đất theo cách kẻ chỉ, căng dây, nên khi đo bằng máy sẽ dẫn đến sự chênh lệch. Trước khi có Nghị định 84, tỉnh Sơn La đã di chuyển được hơn 5.200 hộ đến nơi ở mới. Bây giờ chúng tôi phải “lộn lại” hoàn chỉnh hồ sơ của các hộ này theo qui định của Nghị định 84.

 

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm của khu tái định cư chưa phù hợp với tập quán sinh hoạt của bà con

Còn theo bà Tráng Thị Xuân – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La, tiến độ lập qui hoạch chi tiết của các chủ đầu tư còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ và của tỉnh; Công tác quản lý qui hoạch còn yếu, chưa thực hiện đúng qui trình trong công tác công khai, công bố qui hoạch; Tiến độ thi công xây dựng các dự án thành phần chậm và hầu hết đều trong tình trạng đang thi công dở dang. Đến hết tháng 10/2008, đã có 264 công trình được thi công hoàn thành, nhưng mới có 9 dự án thuốc điểm TĐC Nà Nhụng, xã Mường Chùm huyện Mường La đã quyết toán xong; còn lại 255 dự án các chủ đầu tư chưa hoàn thiện được các thủ tục theo qui định để bàn giao đưa vào quản lý sau đầu tư và thực hiện thanh quyết toán vốn đầu tư theo qui định./.

 

Theo VOV