Sự kiện

Quảng Nam: Nhọc nhằn xử lý vi phạm hành lang lưới điện cao áp

Thứ sáu, 31/10/2008 | 09:21 GMT+7

Trên thực tế, tại Quảng Nam đa số các tập thể, cá nhân đều chấp hành tốt quy định về hành lang an toàn lưới điện, như Nông trường cao su Đức Phú (Công ty Cao su Quảng Nam), đầu năm 2008 đã phối hợp với CNĐ Núi Thành xử lý hơn 60 cây cao su đang ở tuổi khai thác mủ, có khả năng ngã đổ vào đường dây cao áp.

 

Phát quang hành lang tuyến - một công việc thường xuyên của các Chi nhánh điện - ĐL Quảng Nam

Những năm trước, khi phong trào “điện khí hoá” ở Quảng Nam phát triển rầm rộ, đã có hàng nghìn hộ dân hiến đất, chặt cây lấy chỗ cho công trình điện đi qua mà không có yêu sách hoặc đòi bồi thường. Tuy nhiên, càng về sau, việc xâm phạm hành lang an toàn lưới điện diễn ra ngày càng gay gắt, một số cá nhân xâm phạm lưới điện một cách vô ý thức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Nhiều cái chết thương tâm xảy ra do xem nhẹ an toàn điện, từ lâu đã gióng lên hồi chuông báo động, nhưng xem ra, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn xảy ra hằng ngày và chưa có hồi kết, đã và đang trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Lưới điện Quảng Nam trở thành hệ thống khép kín, trải rộng khắp các địa bàn, cấp điện cho hơn 96,8% số hộ dân. Trong đó, hệ thống lưới điện phân phối có 446 km đường dây 35kV và 21 TBA trung gian; 2660 km đường dây trung áp và 1900 trạm biến áp phụ tải. Nếu tính cả lưới điện hạ thế và lưới điện từ 110 kV trở lên thì khối lượng lưới điện toàn tỉnh vô cùng lớn. Khi Nghị định 54/1999/NĐ-CP, ngày 08/7/1999 có hiệu lực thì hàng loạt công trình xây dựng và nhà cửa dưới hành lang tuyến được phép tồn tại ổn định nếu thực hiện một số các yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh, đất đai ngày càng khan hiếm nên nhiều người đã xây dựng, cơi nới nhà cửa, trồng cây, dựng bảng quảng cáo…làm cho số vụ xâm hại hành lang lưới điện tăng đáng kể. Năm 2002 có 2285 trường hợp, năm 2005 tăng lên 2455 trường hợp. Lưới điện bị xâm hại có địa chỉ rõ ràng, song việc xử lý, quy trách nhiệm thật không đơn giản bởi Điện lực không có quyền hạn, chính quyền địa phương thì thiếu quan tâm, phối hợp, đẩy hết trách nhiệm cho đơn vị quản lý vận hành.

Theo thống kê, các dạng vi phạm thường là do chủ quan của con người trước tình hình đất đai đang lên “cơn sốt” nên người ta đã tận dụng đất dưới nhiều hình thức. Trước đây, các nhà đầu tư đã cố ý đưa công trình điện “đi trớ” khu dân cư nhằm bảo đảm an toàn cho dân, nhưng càng về sau việc xây dựng, cơi nới đều “phình” ra, lấn phía sau không được thì “chồm” ra phía trước, người này làm mà không bị xử lý thì người khác bắt chước làm theo. Nhiều nơi, trước đây chỉ là đồng hoang, đất trống đường dây cao áp được phép đi qua, nhưng khi tiến hành lập dự án khai thác quỹ đất, chính quyền địa phương không tính đến việc di dời đường dây điện. Dân chúng có giấy phép cứ thế xây nhà ngay phía dưới đường dây, đưa mái tôn, ban-công lên sát với đường dây cao áp, hiểm hoạ rình rập ngày đêm thật đáng sợ!

Ai cũng biết mối nguy hiểm của dòng điện cao thế, nhưng vẫn có nhiều người xâm phạm. Tại Tam Kỳ, một đơn vị thi công trồng trụ điện ngay dưới đường dây đang mang điện, trụ ngã vào đường dây gây tai nạn tử vong 4 công nhân; tại Núi Thành, một chiếc xe ben đổ đất chạm vào đường dây cao áp gây trọng thương cho tài xế; một trường hợp khác là nhà bà T. dựng trụ ăng-ten ngã vào đường dây 15 kV, làm 3 người bị bỏng nặng. Tại Bình Tú, huyện Thăng Bình, một trụ điện hạ thế bị ngã, anh Đ. đi tháo nước sơ ý giẫm vào đường dây, điện giật chết ngay tại ruộng. Anh H. ở thôn 2, Bình Triều đi làm về thấy chỉ có mỗi nhà mình bị mất điện, vội cầm điện thoại di động đi ra sau vườn soi tìm chỗ dây bị đứt, do sơ ý bị điện giật chết tại chỗ…

Để giải quyết các trường hợp vi phạm hành lang lưới điện cao áp, ngày 07/10/2004, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 76/2004/QĐ-UB quy định cách thức “xử lý nhà ở, công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh”. Đặc biệt, kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp” thì nhà cửa, công trình xâm phạm lưới điện cao áp từ những năm trước được giải quyết “ôn hoà” hơn, tức là không phải tháo dỡ, di chuyển mà chỉ xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật an toàn điện như nâng cao đường dây, tiếp đất các kết cấu kim loại của công trình vi phạm, vận động nhân dân chặt cây trong và ngoài hành lang tuyến…Nhờ vậy, đến cuối năm 2005 còn 1934 vụ, và hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 159 trường hợp.

Trong khi công trình, nhà cửa dưới đường dây điện được giải quyết một bước cơ bản thì trái lại, ở nông thôn tình trạng trồng cây xâm hại lưới điện ngày càng diễn biến phức tạp. Theo ông Lê Đức Anh, Chi nhánh trưởng CNĐ Tiên Phước: "Chi nhánh được giao quản lý, cung cấp điện cho 3 huyện miền núi, có hàng trăm kilômét đường dây cao áp trải rộng khắp nơi, băng qua các khu dân cư, nương rẫy và đồi núi. Ngay phía dưới đường dây, cây rừng tái sinh và các vườn cây công nghiệp của dân đang ngày đêm đe doạ sự an toàn của lưới điện. Vì vậy, chúng tôi luôn luôn phải cảnh giác và rất vất vả với việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Vậy mà, tình trạng cây cối ngã đổ vào đường dây làm chập điện, ngã trụ, đứt dây mất điện dài ngày vẫn thường xảy ra”. Cũng theo ông Anh, khi triển khai dự án điện, chủ đầu tư đã đền bù giải toả dưới đường dây cao áp, nhưng chỉ vài năm sau cây cối lại ken dày. Định kỳ, chi nhánh kiểm tra, phát quang cây cối dọc hành lang tuyến. Nhưng việc làm này không đơn giản chút nào, bởi chỉ có ngành điện “một thân một mình” nên thường gặp sự chống đối, cản trở quyết liệt của các chủ thể vi phạm.

Mới đây, khi phát hiện cây cối có khả năng ngã đổ vào đường dây, công nhân CNĐ Đại Lộc đã báo cho gia chủ là ông C. (ở Đại Hồng) biết và tiến hành chặt cây, song ông C. đã khống chế, buộc anh công nhân phải viết kiểm điểm mới cho về (?). Trường hợp cây va quệt, ngã đổ hoặc chặt cây ngã vào đường dây vẫn thường xảy ra như vụ cháy MBA Mộc Bài (Quế Phú, Quế Sơn) ngày 11/01/2008; vụ cháy MBA Huyện uỷ 2 (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), ngày 16/01/08. Tại huyện Nam Trà My, ngày 17/7/2008,  có 2 thanh niên tên V. và N. chặt cây xâm hại đường dây 22 kV, xuất tuyến 472T45, làm gãy đổ, đứt dây nhiều khoảng trụ, gây mất điện dài ngày 2 xã Trà Vân, Trà Vinh, tốn hơn 150 triệu đồng để khắc phục…Thật không công bằng khi ngành điện phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép”, còn địa phương thì đề nghị “thông cảm” cho người vi phạm do khó khăn, và địa phương thì không có  kinh phí để khắc phục thiệt hại.

Theo Nghị định 106, lưới điện từ 1000 V trở lên phải tuân thủ khoảng cách an toàn phóng điện và đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Điện lực Quảng Nam đã phối hợp với Sở Công Thương thường xuyên tuyên truyền an toàn điện trên các phương tiện thông tin đại chúng, song một thực trạng đáng lo ngại là nhiều người vẫn chưa chấp hành tốt các qui định về an toàn điện. Vấn đề kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện là trách nhiệm của ngành điện, nhưng việc bảo vệ lưới điện phải là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, cần phải có những giải pháp cụ thể, sự phối hợp đồng bộ giữa ngành điện và địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm an toàn lưới điện đã và đang gây hại rất lớn cho KT-XH của tỉnh nhà.

Theo PC3