Sự kiện

Quy hoạch điện VII: Chú trọng nguồn năng lượng tái tạo

Thứ tư, 22/12/2010 | 09:13 GMT+7

Để thực hiện tốt Tổng sơ đồ VII, mỗi năm cần lượng vốn đầu tư mới từ 5-7 tỷ USD. Đây là thách thức rất lớn trong điều kiện kinh tế đất nước đang rất khó khăn.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng về việc thực hiện Quy hoạch điện VI, giai đoạn 2006 -2010, cả nước dự kiến xây dựng 14.581 MW nguồn điện, xây mới và mở rộng 16 trạm biến áp 500 kV, 87 TBA 220 kV; xây dựng mới và cải tạo 12 tuyến đường dây 500 kV và 117 tuyến đường dây 220 kV. Tuy nhiên, thực tế chỉ xây dựng được 9.741 MW (đạt 66,8% kế hoạch). Xây mới và mở rộng được 9 TBA 500 kV với tổng công suất 4950 MVA (đạt 60% kế hoạch) và 40 TBA 220 kV (đạt 46% kế hoạch). Việc xây dựng đường dây 500 kV và 220 kV cũng chỉ đạt 41-50% kế hoạch.

Nguyên nhân của việc chậm trễ chủ yếu là do quá nhiều dự án cùng triển khai dàn trải, thiếu tập trung. Chủ đầu tư, nhà thầu thiếu kinh nghiệm, năng lực và đặc biệt là thiếu vốn. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá thiết bị, giá nhiên liệu tăng cao, việc nhập khẩu than cho các nhà máy điện phía Nam rất khó khăn, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, nhiều dự án triển khai vượt đầu tư vượt quy hoạch gây thêm khó khăn cho việc cung cấp điện.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng điện theo giai đoạn 2011-2015 sẽ là 14,1 - 16%, giai đoạn 2016-2020 là 11,3-11,6%, giai đoạn 2021-2025 tăng 8,2-9,2%, giai đoạn 2026-2030 tăng 7,4-8,4%. Hệ số đàn hồi tương ứng lần lượt là 2,01, 2,89, 2,41, 1,06, 0,95. Trong khi đó, Bộ Công Thương dự kiến, giai đoạn 2011-2014, tổng công suất nguồn có khả năng đưa vào hoạt động chỉ đạt khoảng 15.000 MW (miền Bắc khoảng 8.400 MW, miền Trung khoảng 2.200MW, miền Nam dưới 4.600 MW). Vì vậy, nguy cơ thiếu điện các năm 2013 - 2014 rất cao, nhất là miền Nam.

Để đáp ứng sự tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ điện, Quy hoạch điện VII dự kiến kế hoạch: giai đoạn 2011-2015, cả nước cần xây dựng 23.000 MW nguồn (gần 4.600 MW/năm), giai đoạn 2016-2020 cần xây dựng 27.200 MW nguồn (trên 5.400MW/năm). Về phát triển lưới điện, giai đoạn 2011-2015 cần xây dựng trên 6.800 km đường dây 220-500 kV và trên 50.000 MVA trạm biến áp 220 - 500 kV; giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng khoảng 5.800 km đường dây 220-500 kV và trên 66.000 MVA trạm biến áp 220-500 kV.

Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt Tổng sơ đồ VII, mỗi năm cần lượng vốn đầu tư mới từ 5-7 tỷ USD. Đây là thách thức rất lớn trong điều kiện kinh tế đất nước đang rất khó khăn. Một trong những giải pháp đang được đề xuất là nâng tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào để giảm gánh nặng tài chính cho đất nước. Bên cạnh đó là các biện pháp lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công chất lượng cao để đảm bảo tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, vướng mắc không nhỏ trong việc thực hiện Quy hoạch điện VII là vấn đề mua nhiên liệu sơ cấp (than, dầu, khí) để phát điện ngày càng khó khăn. Ngoài chuyện tăng giá của nhiên liệu, kể cả việc chấp nhận giá cao cũng rất khó đàm phán ký hợp đồng mua than. Vì vậy, đã có một số nhà máy thiết kế cho than nhập không thực hiện được. Giải pháp được các chuyên gia tính tới là phải đa dạng hoá nguồn năng lượng sơ cấp để phát triển điện. Đây cũng là xu thế chung của thế giới hiện nay. Cụ thể, ngoài phát triển các nguồn điện truyền thống như thủy địên, nhiệt điện, các nhà chuyên môn đã và đang tính đến phát triển điện nguyên tử, năng lượng mới, năng lượng tái tạo với tỷ trọng nhất định trong hệ thống điện để làm cơ sở phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, do giá thành của năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… còn rất cao so với năng lượng truyền thống nên việc tìm cơ chế khuyến khích kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển năng lượng sạch là rất quan trọng. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã tính đến giải pháp thiết kế nhà máy điện chạy LNG (LNG là dạng khí thiên nhiên hóa lỏng được khai thác ở khắp nơi trên thế giới, có thể mua bán bình thường trên thị trường). Một trong những địa điểm đang được nhắm đến là khu vực miền trung (vùng Sơn Mỹ - Bình Thuận) với dự kiến nghiên cứu triển khai trung tâm điện lực đầu tiên sử dụng LNG khoảng 4.000-5.000MW.

Mục tiêu lớn nhất của Quy hoạch điện VII là phát triển nguồn điện theo hướng tăng nhanh về nhiệt điện, giảm dần về thủy điện, phát triển cân đối giữa nguồn phát và nhu cầu theo từng miền, ưu tiên gần nguồn phụ tải, giảm truyền tải từ vùng này sang vùng khác, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện hạt nhân để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng cường nhập khẩu điện. Khi đó hệ thống đường dây 500 kV sẽ chỉ tải công suất tối thiểu khi sự cố hệ thống hoặc mang tính liên lạc giữa vùng này vùng kia, còn phần cơ bản vẫn phải tự đáp ứng từng vùng, tự cân đối lẫn nhau. Đặc biệt, điện hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng ngay từ thời gian đầu và dần dần sẽ phát triển với tỷ lệ xứng đáng.
Được biết, Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu xây dựng đường dây siêu cao áp (750kV hoặc 1.000kV) và biên bản ghi nhớ về việc áp dụng công nghệ thông số siêu tới hạn đối với các nguồn phát của nhiệt điện. Nếu kết quả nghiên cứu khả thi sẽ được áp dụng tại Tổng sơ đồ VII.

Theo: CôngThương