Dưới con mắt của đa số nhà đầu tư (NĐT), hoạt động của các quỹ đóng được coi là hiệu quả không cao khi mức độ tăng trưởng giá trị tài sản dòng (NAV) trong thời gian qua không theo kịp đà tăng của chỉ số VNIndex trên thị trường niêm yết.
Quỹ đóng - thiếu tính hấp dẫn
Các NĐT luôn đánh giá tương đối thấp đối với tiềm năng của các quỹ này thông qua việc chiết khấu mạnh tay giá trị NAV khiến thị giá của các chứng chỉ quỹ (CCQ) này trên thị trường niêm yết hiện ở mức rất thấp. Nếu chỉ tính 4 CCQ đang niêm yết trên sàn HoSE thì chỉ số chiết khấu DD/P (chỉ số phản ánh sự chênh lệch giữa giá trị thực của một chứng chỉ quỹ với thị giá) nằm trong khoảng 24 – 51%. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với các CCQ niêm yết trong nước mà còn với cả các quỹ niêm yết tại nước ngoài như VOF của Vina Capital, VEIL của Dragon Capital, MEF của Mekong Capital. Hệ quả của những vấn đề trên còn là việc Cty quản lý quỹ gặp khó khăn trong việc thu hút vốn cho quỹ mới suốt từ năm 2009 cho đến nay.
Về mặt bản chất hoạt động, các quỹ đóng do có nguồn vốn ổn định trong dài hạn nên thường không chỉ tập trung vào chứng khoán niêm yết mà còn đầu tư vào các tài sản khác như cổ phần của các DN chưa niêm yết, hay bất động sản. Đặc biệt là, sau thời kỳ thị trường biến động (năm 2008, 2009), giá trị tài sản của hầu hết các quỹ đều bị suy giảm, điển hình là quỹ ICV (Indochina Capital). Hơn nữa, các quỹ đầu tư tại Việt Nam có phần thận trọng trong đầu tư chứng khoán, nếu có thì cũng là đầu tư lâu dài mang tính giá trị để hạn chế rủi ro. Kết quả là giá trị tài sản dòng (NAV) của các CCQ trong ngắn hạn khó có sự tăng trưởng đột biến.
Với mức giá hiện đang ở mức thấp, CCQ niêm yết phù hợp với những NĐT có chiến lược dài hơi (có thể lên đến 7 – 10 năm). Còn với đa số những NĐT ngắn hạn ưa thích CCQ trong nước, những quỹ đầu tư dạng mở, nơi họ có thể nộp và rút tiền hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày. Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều bất ổn như hiện nay, thanh khoản của các CCQ niêm yết cũng gặp những rủi ro do chịu sự chi phối mạnh bởi thị trường. Khi phát sinh nhu cầu mua hay bán CCQ, NĐT có thể thực hiện giao dịch CCQ trực tiếp với Cty quản lý quỹ căn cứ vào NAV tại thời điểm thỏa thuận. Như thế, dạng quỹ mở cũng giải quyết luôn vấn đề chênh lệch giữa NAV và thị giá xảy ra đối với quỹ đóng.
Lựa chọn mới
Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về việc thành lập và quản lý quỹ mở đã nêu ra những quy định tương đối cụ thể và chặt chẽ trong hoạt động của quỹ mở gồm cơ cấu phân bổ tài sản trong danh mục, tỷ lệ tối đa, tối thiểu của từng hạng mục tài sản. Giá trị tài sản ròng của quỹ này được xác định bằng tổng giá trị thị trường các tài sản có trong danh mục xác định tại ngày định giá theo phương thức quy định. Tần suất xác định giá trị tài sản ròng của quỹ tối thiểu phải bằng tần suất Cty quản lý quỹ phát hành và mua lại CCQ hoặc tối thiểu 1 tuần/lần.
Về điều khoản rút vốn, NĐT cá nhân đăng ký mua chứng chỉ quỹ và đã hoàn tất việc thanh toán được quyền hủy bỏ giao dịch của mình bằng văn bản gửi cho đại lý phân phối, hoặc Cty quản lý quỹ, hoặc ngân hàng giám sát tối thiểu 21 ngày trước ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán CCQ hết hiệu lực. Cty quản lý quỹ sẽ hoàn trả toàn bộ mọi khoản và chịu mọi chi phí liên quan đến việc hủy ngang của NĐT.
Sự ra đời của các quỹ mở tạo thêm sự lựa chọn mới cho NĐT cá nhân, đồng thời cũng khơi thông thêm nguồn vốn mới cho nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán. Qua tìm hiểu cho thấy các nhà quản lý quỹ trong và ngoài nước đều đang chờ đợi hành lang pháp lý cho mô hình quỹ mở phát triển. Các Cty như VFM, Manulife đều đã có những bước chuẩn bị cho việc thành lập loại quỹ đại chúng này nhằm thu hút nguồn vốn mới có quy mô lớn như nguồn hưu trí, nguồn bảo hiểm.
Mô hình quỹ mở được xem là phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường tài chính VN hiện nay. Tuy nhiên, sự ra đời của loại hình quỹ mở không thể thay thế hoàn toàn cho quỹ đóng do vai trò hỗ trợ của nó trong hoạt động đầu tư mang tính ổn định và dài hạn. Hơn nữa, mô hình quỹ đóng còn có ưu điểm về mức phí quản lý cũng như giảm thiểu rủi ro vốn thường xảy ra đối với quỹ mở.