Chuyển đổi số trong EVN

Quyết liệt thực hiện các giải pháp để đến năm 2022 EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số

Thứ bảy, 10/4/2021 | 17:24 GMT+7
Phát biểu tại Hội nghị công nghệ thông tin EVN (CNTT) vừa diễn ra trong 2 ngày 8-9.4.2021, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành chỉ đạo, các đơn vị phải quyết liệt thực hiện các giải pháp góp phần cùng tập đoàn cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 như mục tiêu đã đề ra.
 

Quang cảnh Hội nghị.
 
Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh, chuyển đổi số là vấn đề lớn không những EVN mà Chính phủ, các Tập đoàn lớn và các nước trên thế giới quan tâm, ứng dụng CMCN lần thứ 4.
 
Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị về chuyển đổi số và EVN cũng đã sớm xây dựng đề án chuyển đổi số của EVN và đã ban hành tới các đơn vị. Đặc biệt, EVN là đơn vị đầu tiên, đảng bộ đầu tiên ra Nghị quyết về chuyển đổi số của Đảng ủy Khối DNTW.
 
Trong thời gian qua, các đơn vị của EVN đã được trao các giải thưởng về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và truyền thông, VINASA...Thời gian tới, EVN sẽ chỉ đạo các đơn vị đổi mới nhận thức và tư duy từ cán bộ lãnh đạo đến CBCNV, người lao động trong từng đơn vị, trong công tác chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Mục tiêu là mọi CBCNV hiểu được bản thân mình, đơn vị mình cần phải làm gì trong kế hoạch tổng thể chuyển đổi số của Tập đoàn; Chuyển đổi số mang lại lợi ích gì cho bản thân người lao động và cơ quan tổ chức; người lao động cần làm gì để không trở nên thất nghiệp khi chuyển đổi số thành công,...; CBCNV hiểu được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và biết cách chủ động phòng tránh nguy cơ bị tấn công một cách chủ động.
 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu chỉ đạo.
 
EVN sẽ khẩn trương thiết lập và vận hành hệ thống hạ tầng số và hạ tầng an ninh bảo mật đáp ứng yêu cầu cho công tác chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đó là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN như: công nghệ hạ tầng hội tụ, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ mobile computing, công nghệ IoT,...Quản trị và kết nối xuyên suốt cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để tạo thành một hệ thống hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho công tác chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn. Nghiên cứu, phát triển hệ thống viễn thông dùng riêng của EVN theo hướng hiện đại, đảm bảo dung lượng và độ dự phòng phù hợp, đáp ứng mọi nhu cầu về viễn thông và công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của EVN; Tập trung hoàn thiện hạ tầng số mà nền tảng là hệ thống EVN’s Cloud; Thiết lập trục tích hợp và quản trị dữ liệu dùng chung; Xây dựng nền tảng số, phát triển AI; Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; Phát triển tối thiểu 10 sản phẩm “Make by EVN”, tiến tới có ít nhất 05 sản phẩm “Make in Việt Nam” là sản phẩm do EVN phát triển và thực hiện vào năm 2022.
 
Tham luận của EVNICT tại Hội nghị.
 
Đồng thời đảm bảo nguồn lực cho công tác chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; Ứng dụng nền kinh tế chia sẻ trong triển khai Chuyển đổi số; Xây dựng tiêu chí về tính toán hiệu quả công tác chuyển đổi số....

TGĐ EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, ông Trần Đình Nhân- Tổng Giám đốc EVN cho biết, hội nghị CNTT của EVN đã thành công và sẽ thúc đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của EVN trong thời gian tới. Ông đề nghị các đơn vị của EVN quán triệt Nghị quyết của HĐTV EVN về kế hoạch tổng thể chuyển đổi số Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ công nhân viên, có thể đi tắt đón đầu, không cần phải nhất thiết tuân theo trình tự đặt ra. EVN sẽ hoàn thiện hệ sinh thái của EVN bao gồm các quy trình và các phần mềm để các đơn vị kết nối với hệ sinh thái của EVN với sự dẫn dắt của Ban Viễn thông EVN, xây dựng sổ tay chuyển đổi số EVN. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ làm CNTT, chú trọng công tác an toàn thông tin.... 
 
PV