Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Để thực hiện được mục tiêu này, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn, lãnh đạo Tập đoàn cho rằng trong thời gian tới vẫn cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội về mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đối với sự phát triển của Tập đoàn và đơn vị; xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức.
Bên cạnh đó, xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số từ cấp lãnh đạo quản lý tới cán bộ, công nhân viên và người lao động trong Tập đoàn. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong toàn Tập đoàn về chuyển đổi số.
EVN cũng rà soát các quy định, quy trình trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn để xem xét sửa đổi phù hợp với xu thế chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Nghiên cứu ban hành các quy định, quy trình và cơ chế để khuyến khích các đơn vị, cá nhân đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, Tập đoàn tập trung nguồn lực phát triển các trọng tâm chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất sẽ xác định 26 nhiệm vụ; trong đó 18 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ; 4 nhiệm vụ rà soát, hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ và 4 nhiệm vụ về công tác quản lý. Tập đoàn ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thực hiện giải pháp khoa học công nghệ để quản lý và khai thác, vận hành hiệu quả thiết bị trong lĩnh vực phát điện, truyền tải và phân phối với mục tiêu: Chuyển đổi các trung tâm điều khiển nhà máy điện và các trạm biến áp thành trung tâm điều khiển số.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để đổi mới, cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện nhằm nâng cao độ an toàn, tin cậy và cải thiện hiệu suất vận hành như: Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc thực hiện giải pháp bảo dưỡng sửa chữa độ tin cậy các nhà máy điện và bảo dưỡng các thiết bị; Nghiên cứu khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn các lưu vực sông, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa các nhà máy thuỷ điện trên lưu vực theo thời gian thực; Xây dựng kế hoạch số hóa tổng thể trong quản lý, vận hành cho một nhà máy nhiệt điện, trạm biến áp; Thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo xử lý và nhận diện hình ảnh trong giám sát kiểm tra, phục vụ công tác quản lý kỹ thuật đường dây; Ứng dụng hiện trường cho khối phân phối và truyền tải trên thiết bị di động thông minh cho các công tác: Tiếp nhận nhiệm vụ; thực hiện kiểm tra, sửa chữa, thí nghiệm hiệu chỉnh và giám sát an toàn.
Hay ứng dụng công cụ tính toán hiện đại trong dự báo và quản lý các nguồn năng lượng mới sử dụng dữ liệu SCADA, EMS trong dự báo và vận hành hệ thống tối ưu; triển khai hệ thống giám sát diện rộng và xử lý dữ liệu lớn vào công tác thu thập thông tin và kiểm soát sự cố trong vận hành hệ thống điện, lập kế hoạch hệ thống điện, thị trường điện; nghiên cứu sử dụng công nghệ dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo phụ tải hệ thống điện quốc gia, miền và các Tổng công ty Điện lực.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Bí thư thường trực EVN cho rằng, Tập đoàn xác định 20 nhiệm vụ; trong đó 8 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ; 4 nhiệm vụ rà soát, hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ và 8 nhiệm vụ về công tác quản lý. Cụ thể, xây dựng nền tảng phân phối kỹ thuật số các ứng dụng dùng chung cho toàn Tập đoàn nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng được nâng cao bằng cách tạo thuận lợi, đơn giản cho khách hàng trong việc đăng ký và sử dụng các dịch vụ điện. Thiết kế trải nghiệm khách hàng nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng tương tác trên các kênh kỹ thuật số. Tăng cường phân tích để thấu hiểu khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất, đồng thời định hướng cung cấp các dịch vụ gia tăng cho khách hàng.
Tập đoàn cũng đẩy mạnh chất lượng cung cấp dịch vụ điện được trực tuyến mức độ 4; nâng cao xử lý hồ sơ công việc trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng (KD&DVKH) trên môi trường mạng theo phương thức điện tử; thanh toán tiền điện và tiền dịch vụ theo phương thức không dùng tiền mặt; các yêu cầu của khách hàng qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH) được tiếp nhận xử lý tự động và từng bước hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) định danh khách hàng thống nhất trong EVN.
Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Bí thư thường trực EVN, Tập đoàn xác định 14 nhiệm vụ; trong đó 10 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ; 4 nhiệm vụ rà soát, hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ. Cụ thể, nâng cao năng lực quản lý dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các dự án; Đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng; Đẩy mạnh thiết kế khảo sát các công trình bằng 3D; ứng dụng hệ thống giám sát thông minh trên các công trình xây dựng của công trình nhà máy điện và trạm điện đối với nhà thầu, trang thiết bị của nhà thầu ra vào tại công trường. Áp dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh và AI để phân tích, đánh giá việc tuân thủ của nhà thầu theo hợp đồng. Đối với các dự án đường dây, áp dụng công nghệ AI trong phân tích hình ảnh để nhận diện hình ảnh của tư vấn giám sát trong các bước thi công; ứng dụng các công nghệ mới trong khảo sát thiết kế công trình.
Đối với lĩnh vực quản trị nội bộ, Tập đoàn rà soát lại toàn bộ Quy chế quản lý nội bộ và 8 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ. Cụ thể, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, gồm lĩnh vực Quản trị Nhân sự, Quản trị văn phòng, Tài chính kế toán….Thống nhất Hệ thống văn phòng số (Digital Office); trang bị hệ thống làm việc từ xa và họp trực tuyến; cấp chữ ký số cho CBCNV có chức trách, nhiệm vụ và áp dụng trong các ứng dụng quản lý nội bộ, giao dịch nội bộ trong toàn EVN; chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Tập đoàn được xây dựng trên hệ thống BI và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ công tác điều hành EVN; nghiên cứu và điều chỉnh quy trình nghiệp vụ hiện tại được liên thông và chuyển thành quy trình số trong các lĩnh vực quản trị nội bộ hướng tới nghiệp vụ văn phòng không sử dụng giấy tờ.
Tập đoàn xây dựng quy trình phù hợp với xu hướng quản trị mới; nghiên cứu và xây dựng quy trình trao đổi thông tin trực tuyến kết nối liên thông thông tin trong nội bộ EVN, giữa EVN với các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác, ngân hàng; nghiên cứu các phương thức quản trị hiện đại để hỗ trợ lãnh đạo nắm bắt được tình hình tài chính doanh nghiệp, giảm bớt giấy tờ, thủ tục hành chính nội bộ. Đồng thời cải tiến quy trình, tối ưu hóa hoạt động Quản trị doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động. Tăng cường quản trị và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa, Tập đoàn xác định 7 hạng mục công việc lớn, bao gồm: Nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ CNTT; Xây dựng nền tảng và kiến trúc CNTT, hệ sinh thái số linh hoạt, tăng cường khai thác tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung để đẩy nhanh quá trình xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số trong EVN. Nền tảng phải đảm bảo khả năng mở rộng dễ dàng, nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của EVN.
Cùng đó, nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng viễn thông và hạ tầng mạng máy tính, đáp ứng toàn diện các yêu cầu về truyền dẫn/truyền tải lưu lượng, dữ liệu lớn. Trong đó, tập trung khai thác tối đa hệ thống truyền dẫn quang nội bộ. Bảo đảm an ninh bảo mật trong điều kiện các hoạt động của EVN chủ yếu diễn ra trên môi trường mạng: xây dựng phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống viễn thông dùng riêng, công nghệ thông tin và tự động hóa. Trong năm 2021 sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây dựng hệ thống an ninh bảo mật (SOC) và hoàn thành vào năm 2022.
Tập đoàn còn nghiên cứu các công nghệ số mới và đưa vào áp dụng trong thực tiễn, nâng cấp các hệ thống dùng chung hiện có để phù hợp với các nền tảng công nghệ mới đảm bảo hỗ trợ khả năng di động hóa, tích hợp và chia sẻ thông tin, trợ giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn. Mặt khác, tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ và truyền thông, nền tảng dùng chung trong Tập đoàn và trao đổi, chia sẻ với các đơn vị ngoài Tập đoàn theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng ban hành chỉ tiêu đánh giá Chuyển đổi số theo 5 mục tiêu như: Chuyển đổi nhận thức; Chính sách; Hạ tầng, nền tảng số, công nghệ số và ứng dụng số; An toàn, an ninh mạng và độ tin cậy; Hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực.