S&P 500 chính thức vượt ngưỡng 1.000 điểm

Thứ ba, 4/8/2009 | 15:31 GMT+7
Ngày 3/8, chứng khoán Mỹ đã có phiên bứt phá mạnh, đẩy S&P 500 lần đầu tiên trong 9 tháng vượt qua ngưỡng 1.000 điểm.
Thứ Hai, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành sản xuất trong tháng 7/2009 đã tăng lên 48,9 điểm, từ mức 44,8 điểm trong tháng 6. Chỉ số này nếu dưới 50 điểm thì được coi là tăng trưởng âm.
 
Như vậy, chỉ số ISM ngành sản xuất đã tăng cao hơn dự báo của giới phân tích và đạt mức tăng điểm tháng thứ ba liên tiếp, mở ra hy vọng về sự phục hồi của ngành này.
 
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho hay chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng trong tháng 6 đã vượt dự báo khi tăng 0,3%, trong đó chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực công tăng 1% lên 321,75 tỷ USD.
 
Nasdaq vượt ngưỡng 2.000 điểm
 
Chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 1,2% phiên giao dịch đầu tuần, đẩy chỉ số S&P 500 lần đầu tiên kể từ tháng 11/2008 vượt qua ngưỡng 1.000 điểm và tăng tới 48% so với thời điểm thị trường xuống thấp nhất trong 12 năm - được thiết lập vào ngày 9/3/2009.
 
Số liệu ngành sản xuất khả quan mở ra hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế. Chỉ số ISM ngành sản xuất gần chạm ngưỡng 50 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 8/2008, đồng nghĩa với ngành này cũng sắp có cơ hội vượt qua giai đoạn tăng trưởng âm.
 
Bên cạnh đó, báo cáo về doanh số bán xe ôtô của Ford cho thấy lần đầu tiên kể từ tháng 11/2007 hãng này đạt doanh số bán ra tăng so với cùng kỳ năm trước đó, cũng đã thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên.
 
Chương trình hỗ trợ tiền cho người mua xe ôtô mang tên "Cash for Clunkers" của Chính quyền Tổng thống Obama có ngân quỹ 2 tỷ USD đã bắt đầu phát huy tác dụng. Điều này tốt cho hoạt động tiêu dùng, tạo cơ hội cho sự phục hồi của ngành công nghiệp ôtô Mỹ.
 
Có thể nói, hệ quả của đợt công bố kết quả kinh doanh vượt mong đợi của các tập đoàn, kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 1% trong quý 2, từ mức âm 5,5% trong quý 1 và triển vọng sáng sủa của nền kinh tế số 1 thế giới này trong quý 3, đã tạo tiền đề vững chắc để chứng khoán Mỹ vượt lên trong những tháng qua.
 
Điều đó tất yếu đã mang lại sự thay đổi mà giới đầu tư Phố Wall vẫn thường mong đợi. Sự thay đổi đó đã hiện diện trên bảng điện tử của các chỉ số chính ở Mỹ. Dow Jones vượt 9.200 điểm. Chỉ số Nasdaq vượt 2.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2008.
 
Trong phiên đầu tuần, đóng góp vào sức tăng mạnh của Nasdaq phải kể đến mức tăng 2,6% của cổ phiếu Cisco Systems, 1,9% của cổ phiếu Apple, 1,7% của cổ phiếu IBM.
 
Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của hai tập đoàn ngân hàng hàng đầu châu Âu - HSBC và Barclays đã thúc đẩy giới đầu tư gom mua cổ phiếu ngân hàng Mỹ, đẩy chỉ số S&P Tài chính tăng 2,7%. Điều này đã góp phần quan trọng vào sự tăng điểm của S&P 500 và Dow Jones.
 
Rõ ràng chứng khoán Mỹ đã có được đà tăng điểm ấn tượng với việc các chỉ số liên tục chinh phục các ngưỡng kháng cự. Quan sát trong thời gian qua cho thấy sức cầu luôn luôn mạnh mỗi khi thị trường sắp vượt qua một ngưỡng kháng cự nào đó.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 3/8: chỉ số Dow Jones tăng 114,95 điểm, tương đương 1,25%, chốt ở mức 9.286,56.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 30,11 điểm, tương đương 1,52%, chốt ở mức 2.008,61.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 nhích 15,15 điểm, tương đương 1,53%, đóng cửa ở mức 1.002,63
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,21 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng khớp lệnh thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,18 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 9 cổ phiếu lên điểm thì có 4 cổ phiếu giảm điểm.
 
Những thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
Thứ Ba: Công bố số liệu về thu nhập/chỉ tiêu của người dân Mỹ; công bố doanh số nhà chờ bán, kết quả kinh doanh của Kraft Foods.
 
Thứ Tư: Báo cáo về tình trạng việc làm của ADP Employer Services; công bố số lượng đơn đặt hàng từ các nhà máy; công bố chỉ số ISM ngành dịch vụ; công bố kết quả kinh doanh của P&G, Cisco, News Corp và Prudential.
 
Thứ Năm: Công bố số liệu về số lượng người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu.
 
Thứ Sáu: Báo cáo về thị trường việc làm trong tháng 7.
 
Chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất trong 9 tháng
 
Ngày 3/8, HSBC và Barclays đã thông báo kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, theo đó lợi nhuận trước thuế của HSBC đạt 5,02 tỷ USD, bằng hơn một nửa so với mức 10,2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Còn Barclays cho biết hãng thu lãi 3 tỷ Bảng Anh, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Chứng khoán châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua nhờ số liệu khả quan của ngành sản xuất ở Mỹ được công bố và kết quả kinh doanh của hai tập đoàn ngân hàng lớn là HSBC và Barclays.
 
Cổ phiếu của HSBC, Barclays lần lượt tăng 4,95% và 6,7% sau khi công bố kết quả kinh doanh vượt mong đợi. Sức tăng của hai ngân hàng lớn này đã ảnh hưởng tích cực tới khối ngân hàng châu Âu, trong đó cổ phiếu UniCredit, BNP Paribas, Credit Suisse và UBS tăng từ 0,1-2,7%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 74,1 điểm, tương đương 1,61%, chốt ở mức 4.682,46. Khối lượng giao dịch đạt 2,27 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức tăng 1,78%, khối lượng giao dịch đạt 29,2 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 1,5%, khối lượng giao dịch đạt 164,69 triệu cổ phiếu.
 
Chứng khoán châu Á tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp
 
Mặc dù sắc xanh phủ hầu khắp các thị trường chứng khoán khu vực nhưng biên độ tăng không đáng kể cho thấy lực lượng cung - cầu không có nhiều chênh lệch.
 
Về cơ bản, phiên tăng điểm cuối tuần trước đã thúc đẩy không ít nhà đầu tư bán ra phiên đầu tuần, trong khi đó những đợt gom mua phiên này lại hạn chế vì thực tế thị trường đang trên đỉnh so với đầu năm nhưng lại thiếu yếu tố hỗ trợ thực sự mạnh để thị trường bứt phá.
 
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hôm thứ Hai tăng 0,9% lên 112,93 điểm. Chỉ số này trong 3 tuần qua đã tăng thêm 15%.
 
Tại thời điểm hầu hết các thị trường châu Á ngừng giao dịch (lúc 16h), chứng khoán Anh, Đức, Pháp đang tăng xấp xỉ 1%. Còn tại Mỹ, chỉ số tương lai của Dow Jones và S&P 500 tăng trên 0,7%.
 
Liên quan đến thị trường Trung Quốc, sản xuất công nghiệp của nước này trong tháng 7/2009 đã tiếp tục tăng trưởng nhờ lượng vốn kỷ lục được bơm vào nền kinh tế thông qua khoản cho vay từ hệ thống ngân hàng thương mại và nguồn vốn 4.000 tỷ Nhân dân tệ (585 tỷ USD) từ gói kích cầu của Chính phủ nước này.
 
Theo đó chỉ số sức mua của các nhà sản xuất ở Trung Quốc đã tăng lên 52,8 điểm trong tháng 7, từ mức 51,8 điểm trong tháng 6.
 
Đón nhận thông tin tích cực, chỉ số Shanghai Composite đã tiếp tục tăng điểm với biên độ 1,37%, chốt ở mức 3.458,77.
 
Chuyển qua diễn biến của thị trường Hàn Quốc, cơ quan thống kê của nước này vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7/2009 đã tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn so với mức dự báo 1,7% của giới phân tích.
 
Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng thì CPI cơ bản trong tháng 7 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2009, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 2,5-3,5%.
 
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI tiếp tục tăng 7,69 điểm, tương đương 0,49%, chốt ở mức 1.564,98. Trong phiên giao dịch, giới đầu tư nhận được thông tin hỗ trợ khi Goldman Sachs nâng mức triển vọng đối với thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan hạ 0,3%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam lên 0,25%. Chỉ số ASX của Australia tăng 0,49%. Chỉ số Straits Times của Singapore nhích 0,77%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến thêm 1,14%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ lên 0,84%. Chỉ số Nikkei 225 phiên này giảm 0,04%.
Theo: VNE