Lòng hồ sông Đà
Dòng Lý Tiên Giang khởi nguyên từ Vân Nam (Trung Quốc) đổ về Việt Nam ở huyện Mường Tè (Lai Châu). Trên đất Việt sông chảy dài 527 cây số qua địa phận các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, về đến Phú Thọ thì gặp sông Hồng ở Tam Nông với nhiều cái tên như sông Bờ, Ðà Dương, Hắc Giang, nhưng quen thuộc nhất vẫn là sông Ðà.
Nhắc đến sông Ðà là nhớ Nguyễn Tuân, một "đại lão bút ký" trong văn học Việt Nam hiện đại. Trong văn ông, sông Ðà thực là nơi tuyệt cùng của sự hùng vĩ, hiểm nguy với cơ man những thạch trận, cửa tử. Ðến nỗi, mỗi khi đọc lên, người ta phải vịn tay vào cái gì đó để khỏi có cảm giác bị lao xuống vực xoáy hun hút hay chồm lên những mõm đá đen ngòm. Nhưng sông Ðà cũng khiến người ta mơ đến một chốn đầy cổ tích và thi vị mà nhà thơ Vũ Hoàng Chương gặp được:
Ai đem xáo trộn sầu kim cổ
Trăng nước Ðà giang, mộng Liêu Trai...
Cái cảm giác rợn ngợp, vừa sợ vừa thích của thuở ấu thơ vẫn như còn lẩn quất trong tôi.
Ðà giang cuối thu, nước vẫn lừ lừ chín đỏ. Những cửa tử, thạch trận giờ đã được chinh phục nhiều bởi những hồ, đập lớn. Sông Ðà nay đã trở thành một tuyến "quốc lộ" cực kỳ quan trọng lên miền Tây Bắc. Riêng hồ Hòa Bình đã dài đến 230 cây số, đứng đầu trong các hồ đập Việt Nam ở thế kỷ 20. Thế nên hàng triệu tấn thiết bị, vật tư siêu trường, siêu trọng cho các công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu chỉ có thể đi qua lối này là an toàn nhất.
Với lượng nước hàng năm đạt 58 tỷ khối, sông Ðà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, chiếm đến 50% lưu lượng nước của hệ thống sông này. Chính vì thế, sông Ðà được coi là "thủ phạm" nguy hiểm nhất của những trận lũ thảm khốc từng diễn ra trong lịch sử ở đồng bằng sông Hồng.
Nhưng với những ghềnh thác hiểm trở bậc nhất, sông Ðà lại mang một tiềm năng thủy điện cực kỳ lớn, chiếm đến 38,5% trữ năng thủy điện của toàn bộ hệ thống sông ngòi Việt Nam.
Chính vì vậy trị thủy sông Ðà tạo nguồn "than trắng" là một chiến lược để giải bài toán năng lượng cho phát triển đất nước, khi mà vựa than đen miền Ðông Bắc ngày càng cạn kiệt và nguồn nhiệt điện đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường toàn cầu.
Kỳ tích của thế kỷ 20 trên sông Ðà là công trình thủy điện Hòa Bình. Gần 40 nghìn người Việt và 750 chuyên gia Liên Xô đã ròng rã 15 năm trời (1979-1994) để lập nên kỳ tích này với công suất lắp máy 1.920 mW, điện lượng trung bình mỗi năm 8,16 tỷ KWh .
Tính từ ngày tổ máy đầu tiên trong tám tổ máy vận hành cho đến đầu năm 2006, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã sản xuất gần 120 tỷ kWh điện, trong đó chia lửa cùng miền trung và miền nam gần 20 tỷ kWh qua tuyến tải điện 500 kV bắc- nam.
Sau chiến thắng vang dội ở công trình Hòa Bình, cuộc chinh phục sông Ðà được triển khai rầm rộ và quy mô hơn trong thế kỷ 21. Theo kế hoạch phát triển, sẽ có năm bậc thang thủy điện được tạo ra trên sông Ðà.
Thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW, lớn nhất nước. Nhưng kỷ lục thế kỷ 20 này sẽ bị phá bởi công trình thủy điện Sơn La với công suất lên đến 2.400 MW. Ðồng thời với công trình thủy điện Sơn La lại có thêm hai công trình nữa ở Lai Châu là Bản Chát và Huội Quảng với tổng công suất 1.200 mW...
Ðến năm 2012, khi công trình thủy điện Sơn La hoàn thành, cả năm bậc thang thủy điện sông Ðà sẽ có tổng công suất 6.200 mW và mỗi năm cung cấp từ 21- 28 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia và mở ra khả năng tăng tốc đến 9% mỗi năm cho GDP các tỉnh tây bắc vốn gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ là tạo nguồn "than trắng" giải quyết vấn đề năng lượng, công cuộc chỉnh trị sông Ðà sẽ thuần dưỡng những "đàn trâu điên", những "tướng đá", "thạch trận" mà là chuyện "treo" những túi lũ lên cho đồng bằng sông Hồng.
Theo thống kê, riêng hồ Hòa Bình với dung tích gần 9,5 tỷ khối nước, trong vòng 10 năm đã cắt 75 trận lũ lớn với tổng lượng nước gần 300 tỷ khối. Ðiển hình như trận lũ lớn nhất trong vòng 100 năm, diễn ra ngày 18-8-1996, với lưu lượng đỉnh lũ 22.650 m3/giây, nếu không có hồ Hòa Bình "treo" lên, chắc chắn vùng đồng bằng sông Hồng đã phải chịu một trận đại hồng thủy kinh hoàng...
Các đồng nghiệp ở báo Hòa Bình cho tôi hay rằng sau khi có hồ thủy điện, ngày càng có nhiều du khách lên sông Ðà. Những thạch trận, cửa tử đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng hồ, người ta bơi thuyền trên biển nước mênh mang, thưởng ngoạn tiên cảnh và sản vật miền Tây Bắc, từ rượu cần, cơm lam, câu hát ví, hát khắp và cả cái bắt tay rất là "đặc sản" của em gái Mường.
Hơn 10 năm rồi, trên công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình không còn rộn ràng tiếng máy, tiếng mìn và những sư đoàn công binh, công nhân và các chuyên gia Liên Xô. Nhưng từ con đập với 22 triệu khối đất, đá lừng lững chặn đứng dòng nước hung thần miền Tây Bắc, đến cả một nhà máy ẩn sâu trong lòng núi âm 50 m với 22 cây số đường hầm như còn hơi ấm của họ. Riêng với người Hòa Bình những câu chuyện cảm động, những tấm gương kính phục về các chị, các anh vẫn còn lưu truyền mãi.
Trong khu tưởng niệm 168 người đã ngã xuống trên công trình này tôi đọc thấy những cái tên Việt, cái tên Nga. Có người còn rất trẻ như binh nhì Thiều Quang Thành sinh năm 1972 quê ở Nông Cống, Thanh Hóa, ra đi khi chưa kịp ngỏ lời yêu cô hàng xóm hay những chuyên gia Liên Xô sắp được nghỉ hưu như Tê-ra-ba Gơ-lu-an-rét, hy sinh khi tuổi vừa qua 58. Họ ở hai thế hệ, ở hai đất nước xa xôi, nhưng cùng nằm lại đất này vì dòng điện Việt.
Dẫu bức thư thế kỷ gửi đến mai sau phải gần 100 năm nữa mới được mở ra, nhưng tôi tin chắc trong đó ẩn giấu tâm nguyện của những người như anh binh nhì người Việt hay vị chuyên gia người Nga đã khuất. Rằng họ đã quên mình vì dòng điện Việt, và gửi lại niềm tin vàng đá, rằng đất nước này sẽ mãi mãi "sáng lên".