Sự kiện

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn điện năng giúp ổn định giá thành sản xuất, dịch vụ

Thứ sáu, 26/3/2010 | 11:16 GMT+7

Từ 1-3-2010, giá bán điện bình quân tăng từ 970,9 đ/kWh lên 1.058đ/kWh, tương đương mức tăng 6,8%. Theo đánh giá của Bộ Công Thương thì mức tăng này sẽ không gây tác động lớn đến sản xuất và toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trước tình trạng giá điện, giá xăng và một số mặt hàng đều đồng loạt tăng giá như hiện nay thì những giải pháp để tiết kiệm điện cũng đang được các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh thực hiện nhằm giữ ổn định giá thành sản xuất, dịch vụ.

 

Theo tính toán của Bộ Công thương, tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện bằng khoảng 0,30% GDP dự kiến cả năm 2010, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP khoảng 0,34%; trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,2-0,27%. Phương án tăng giá điện 6,8%, tương ứng với mức giá than cho điện đạt bằng giá thành sản xuất năm 2010 đã được Chính phủ tính toán, cân nhắc rất thận trọng để không gây tác động quá lớn đến sản xuất và đời sống. Trong đó, giá bán điện cho các ngành sản xuất tăng 6,3%, thấp hơn mức tăng giá điện bình quân (6,8%).


 
Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là những giải pháp đang được các đơn vị sản xuất xi măng áp dụng (ảnh: dây chuyền sản xuất của Nhà máy xi măng Hạ Long)

Về quy định giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày, biểu giá điện năm 2010 sẽ tiếp tục áp dụng giá điện giờ cao điểm buổi sáng và bãi bỏ việc giảm giá cho các đơn vị sản xuất 1 ca. Quy định giá điện giờ cao điểm nhằm đảm bảo giá điện phản ánh đúng chi phí sản xuất điện, hạn chế sử dụng điện vào các giờ có giá thành sản xuất và truyền tải điện cao, khuyến khích sử dụng vào các giờ có giá thành thấp.

Cũng theo tính toán, tác động của giá điện sẽ làm tăng tiêu dùng cá nhân năm 2010 khoảng 0,19 - 0,27%. Dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6,3%, năm 2010 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỉ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng (GDP) công nghiệp năm 2010. Một số ngành CN sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân... giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83%- 3,15%; các ngành cán thép, ximăng giá thành tăng khoảng 0,2%-0,69%. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành.

Tuy nhiên, giá điện đối với một số ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh thường chiếm tỷ trọng cao, cá biệt như ngành dịch vụ khách sạn giá điện chiếm trên 5% giá thành nên bên cạnh việc tìm các "giải pháp thay thế" thì một số doanh nghiệp cũng đang đứng trước áp lực tăng giá.

* Ông Nguyễn Hoàng Dụ, Giám đốc Công ty đóng tàu TKV:

Công ty thường xuyên sử dụng những trang thiết bi, máy móc tiêu thụ điện năng lớn. Do vậy, tiền điện thanh toán thường chiếm 5% trong giá thành sản xuất. Năm 2009, công ty sử dụng điện phục vụ sản xuất hết hơn 1.5 triệu KW giờ, tổng chi phí tiền điện gần 2 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến hao phí điện cho sản xuất tăng 192% so với năm 2009. Nếu giá bán điện vẫn giữ mức giá như năm trước, tổng chi phí tiền điện của Công ty cũng đã tăng lên hàng tỷ đồng, còn nếu giá bán điện sản xuất tăng như hiện nay, có lẽ chúng tôi phải tính đến tăng giá thành sản phẩm.

Thêm vào đó là giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, nhất là giá xăng, dầu từ đầu năm đến nay liên tục tăng, đã ảnh hưởng lớn đến việc điều hành sản xuất, kinh doanh của công ty. Cho nên, đồng nghĩa với tăng chi phí sẽ là giảm lợi nhuận. Nếu cho công nhân làm vào giờ cao điểm thì chi phí vẫn cao, làm vào giờ thấp điểm thì đương nhiên phải tăng tiền lương cho công nhân do vậy giải pháp làm vào giờ thấp điểm không khả thi.

Đứng trước tình hình trên, Công ty đã xây dựng các biện pháp nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng như: tổ chức kiểm toán điện năng, thiết lập hệ thống kiểm soát tiết kiệm điện; tiết giảm tiêu hao năng lượng thông qua việc đổi mới công nghệ có năng suất cao hơn và hiệu quả hơn, tốn ít điện hơn như áp dụng nhiều công nghệ chuyển đổi thiết bị từ chạy bằng cơ điện sang chạy bằng khí nén (như một số thiết bị sử dụng mô-tơ nâng hạ chuyển sang sử dụng bằng khí nén)... Chúng tôi cũng đã tiến hành xây dựng các quy chế, quy định trong quản lý, sử dụng chi tiết hệ thống tiêu thụ điện. Do đó, cũng sẽ giảm chi phí điện được phần nào.

* Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty xi măng Hạ Long:


Mặc dù mới đưa vào hoạt động, song công ty xi măng Hạ Long có một hệ thống trang thiết bị động bộ nhập khẩu hoàn toàn từ Đan Mạch, hệ số điện năng để vận hành dây chuyển từ các khâu đòi hỏi một lượng điện khá lớn. Để tìm giải pháp giảm thiểu chi phí cho giá điện không đơn giản, bởi đặc thù của công ty là sản xuất theo dây chuyền, không thể tách từng bộ phận.

Ngoài ra, khi giá đầu vào như điện, xăng và cước phí vận tải tăng, có lẽ giá thành sản phẩm bán cho người tiêu dùng buộc phải biến động theo. Song chúng tôi là đơn vị mới do vây giá thành sản phẩm sẽ không tăng vì thị trường xi măng đang có sự canh tranh khá gay gắt. Do vậy cần có sự bàn bạc của các đơn vị có liên quan cùng nhau tăng giá thành sản phẩm để bình ổn giá cả. Nếu không được người tiêu dùng chấp nhận, công ty sẽ rất khó. Có lẽ để giảm chi phí chung tôi cần tính đến biện pháp tăng năng suất lao động, sản xuất tối ưu nhất để dây chuyền hoạt động hết công suất... bù cho khoản tăng của chi phí đầu vào.

Chúng tôi kiến nghị: Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh điện có biện pháp bình ổn giá bán điện. Trong trường hợp phải điều chỉnh giá bán điện, đề nghị điều chỉnh tăng giá theo lộ trình để các đơn vị xây dựng phương án giảm hao phí điện năng; thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí nhằm hạn chế tối đa tác động xấu do việc tăng giá bán điện.

* Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch:


Việc tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp tới chi phí, hoạt động kinh doanh của các khách sạn, cơ sở lưu trú. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm để bù đắp chi phí nếu chi chi phí tiền điện tăng không quá lớn, có khả năng bù đắp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sớm họp bàn để cùng các khách sạn, đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú tìm giải pháp tháo gỡ hoặc thống nhất mức tăng dựa trên tính toán cụ thể, tránh tình trạng tăng giá bừa bãi, cạnh tranh thiếu lành mạnh gây bất lợi cho khách hàng và bản thân các doanh nghiệp.

* Ông Trần Huy Thành, Phó giám đốc Công ty Du lịch Khách sạn Công Đoàn Hạ Long:

Hiện Công ty chúng tôi quản lý 3 khách sạn tiêu chuẩn từ 2-4 sao với 231 phòng, chi phí điện chiếm tới 5,2% tổng doanh thu của Công ty. Riêng trong tháng 2, Công ty đã dùng gần 75.000kwh điện, chi phí lên tới 150 triệu đồng. Từ ngày 1-3, khi giá điện tăng trung bình 6,8% sẽ khiến chi phí điện bị đội lên khoảng 10 triệu đồng/tháng. Lượng tiêu thụ điện năng lớn, chi phí đội thêm có thể tăng cao hơn trong thời gian tới khiến phía doanh nghiệp phải tính toán tới các yếu tố đầu ra, đầu vào, tiết kiệm điện…

Tuy nhiên trước mắt chúng tôi chưa có chủ trương tăng giá phòng. Để đối phó, chúng tôi đã cắt giảm thiết bị tiêu thụ điện lớn, thắt chặt các biện pháp tiết kiệm, cụ thể như: đầu tư lắp đặt hệ thống cấp nước nóng bằng hơi lò đốt thay cho bình điện; thay 1200 bóng sợi đốt bằng bóng Compact; bố trí phân xưởng giặt là làm ca tránh giờ cao điểm... Sắp tới chúng tôi dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống hẹn giờ tự động cắt điện (timer) cho hệ thống chiếu sáng công cộng khi không cần thiết, tiến hành lắp đặt hệ thống điều hoà biến tần tiết kiệm điện... Việc tiết kiệm điện cũng sẽ được quán triệt tới phòng ban và nhân viên của đơn vị.

* Ông Nguyễn Thái Hưng, Phó Tổng giám đốc Khách sạn Sài Gòn Hạ Long:

Hiện khách sạn Sài Gòn Hạ Long có trên 200 phòng cùng các thiết bị tiêu thụ điện lớn như: điều hoà, bình nóng lạnh…Tiêu thụ điện chiếm một phần ổn định và khá lớn, trung bình chiếm tới 7-8% tổng doanh thu của khách sạn. Giá điện tăng cùng một số yếu tố đầu vào cũng tăng tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện tại chúng tôi chưa tính tới khả năng tăng giá. Bởi do đặc thù kinh doanh khách sạn, lượng khách đặt trước dịch vụ lưu trú khá lớn chiếm tới 80-90% tổng công suất khách sạn. Phần lớn đều là các đối tác nước ngoài hoặc các hãng lữ hành lớn đã cam kết cung cấp dịch vụ cho du khách quốc tế nên việc thay đổi hoặc tăng giá là không không khả thi.

Trước mắt chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp tiết kiệm để giảm bù chi phí như: giảm chi phí tiền điện giờ cao điểm, sản xuất vào thời điểm thấp điểm… Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đổi mới thiết bị...nhẳm giảm chi phí điện. Hiện tiêu thụ điện lớn là hệ thống bình nóng lạnh công suất 2500KW/bình nên chúng tôi sẽ đầu tư hệ thống cung cấp nước nóng bằng khí và hơi đun nóng bằng than... để giảm chi phí về tiêu thụ điện. Dù chi phí ban đầu cho hệ thống sẽ rất cao, khoảng 3 tỷ đồng.

 

Theo: Báo ĐT Quảng Ninh