Anh Đinh Duy Khải, Công ty xây dựng 472, Binh đoàn Trường Sơn, cho biết: "Trước khi tiến hành công đoạn nào, chúng tôi đều phác thảo trên máy tính. Những cải tiến kỹ thuật áp dụng cho các trạm trộn bê tông, trạm nghiền... anh em đều chịu khó tìm tòi để cải tiến, giúp năng suất tăng lên tới 130%".
Chiều cao của đập tràn xả lũ cũng đang được nâng lên từng ngày. Dự kiến trong năm 2008 sẽ có gần 200.000 m3 bê tông được Tổng công ty xây dựng phát triển hạ tầng Licogi đổ vào đây.
Theo yêu cầu đặt ra, trong phân đoạn 1, nhà thầu này phải đảm bảo đưa chiều cao của đập lên tới cao trình 173.6 vào ngày 30/5 tới. Tuy nhiên, ban điều hành của Licogi khẳng định sẽ rút ngắn tiến độ được khoảng 1 tháng. Lực lượng cán bộ, kĩ sư và công nhân trẻ được đánh giá là yếu tố quan trọng giúp nhà thầu hoàn thành bài toán chỉ tiêu trước thời hạn.
Ông Vũ Lãng Du, Phó Giám đốc Ban điều hành Licogi tại công trường thủy điện Sơn La, cho biết: "Khối lượng công việc rất lớn, nhằm đảm bảo các mục tiêu tiến độ, tổng công ty chúng tôi đã huy động một lực lượng đã tham gia làm nhiều công trình thủy điện lớn trên toàn quốc để đảm bảo yêu cầu đề ra. Đến thời điểm này chúng tôi đã có khoảng 1.000 cán bộ công nhân đang thi công trên công trường, trong đó có tới 90% là lực lượng trẻ, phần lớn là 18-25 tuổi. Rất nhiều anh em kĩ sư trẻ mới ra trường 1-2 năm cũng sẵn sàng lên công trường để chia sẻ những công việc của dự án".
Những khu nhà tập thể như thế đã được dựng lên quanh thủy điện Sơn La cho công nhân. 8.000 người đang lao động trên công trường thuỷ điện hiện nay, đa phần đến từ các tỉnh miền xuôi. Riêng với Tập đoàn điện lực, chủ đầu tư dự án, thì gần 2/3 số cán bộ, kĩ sư và nhân viên đang làm việc tại Sơn La được điều động từ Hà Nội. Đa phần cũng là cán bộ trẻ. Một số đã từng học tập tại nước ngoài cũng sẵn sàng lên miền núi nhận công tác, coi đây là cơ hội tốt để rèn luyện.
Anh Phạm Thanh Hoài, Trưởng phòng thí nghiệm xây dựng, BQL Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, nói: "Cơ hội lớn nhất là có điều kiện nâng cao kiến thức chuyên môn. Sơn La là công trình trọng điểm của đất nước, có sức hút lớn về mặt khoa học, có thể giúp mang lại nhiều kiến thức. Thông qua công trình Sơn La, anh em chúng tôi có thể rèn luyện để có thể làm tốt các công trình sau này".
Theo thiết kế, Thủy điện Sơn La sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam với công suất lên tới 2.400 MW, bằng 1,2 lần công suất Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Theo tiến độ Quốc hội đề ra, thủy điện Sơn La sẽ phát điện tổ máy đầu tiên vào 2010, hoàn thành vào năm 2012. Khi đó, mỗi năm thủy điện này sẽ đóng góp khoảng 10,2 tỉ KWh điện, bằng khoảng 1/6 tổng sản lượng của toàn bộ hệ thống lưới điện quốc gia hiện nay, và sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng thiếu điện trầm trọng cho sản xuất và sinh hoạt.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ chung của công trình trọng điểm thủy điện Sơn La vẫn đang theo kịp tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng ban quản lý DA nhà máy thủy điện Sơn La, cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành các cái mốc để đảm bảo phát điện tổ máy 1 vào 2010 và hoàn thành toàn bộ nhà máy vào 2012. Hiện nay chúng tôi đang tập trung cao độ để hoàn thành mốc đóng cửa dẫn dòng và tích nước lòng hồ vào 2010. Với tiến độ hiện nay, thì chúng tôi khẳng định mục tiêu đề ra có thể thực hiện được".
Tiến độ đang là yêu cầu số một trên công trường trọng điểm quốc gia Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi. Và cũng chính lực lượng lao động trẻ đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất lọc 6,5 triệu tấn dầu/năm với nhiều loại sản phẩm như: khí hóa lỏng, xăng ôtô không pha chì, nhiên liệu phản lực, dầu hỏa dân dụng, diesel động cơ, diesel công nghiệp, nhiên liệu FO... Theo nghị quyết của Quốc hội, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ hoàn thành vào năm 2009, và là đòn bẩy quan trọng của kinh tế miền Trung, có vai trò thiết yếu, đảm bảo 30% an ninh năng lượng của đất nước...
Những người công nhân, những thanh niên quá nhỏ bé giữa đại công trường lớn. Nhưng chính họ đang là hạt nhân chính đảm bảo tiến độ của các công trình trọng điểm quốc gia, vì dòng điện, vì nguồn năng lượng, vì ngày mai của tổ quốc.