Tin trong nước

Đưa Luật Thi đua – Khen thưởng vào cuộc sống

Thứ tư, 5/3/2008 | 10:59 GMT+7

Luật Thi đua – Khen thưởng được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2004. Vừa qua, ngày 22/12/2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 19-CT/TƯ về kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/8/1948 – 11/6/2008), lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước. 

 

                      

Trong những năm qua, nhất là từ năm 2000 trở lại đây, các phong trào thi đua (TĐ) đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp điện của đất nước, nâng cao hiệu quả SXKD của mỗi Công ty, đơn vị và của toàn ngành, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp, ổn định và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ). Đồng thời tạo cơ sở cho công tác khen thưởng (KT) đạt được yêu cầu khách quan, đúng đối tượng và có tác dụng động viên cao, góp phần thúc đẩy SXKD. Thi đua – Khen thưởng đã trở thành một biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của mỗi đơn vị. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, đặc biệt là thực hiện cổ phần hoá, điều trăn trở của không ít người là: Việc tổ chức phong trào TĐ trong các DN chuyển đổi có còn phù hợp? Bài viết này hướng vào phân tích và giải quyết 3 nội dung cơ bản: Cơ sở pháp lý; Cơ chế và điều kiện; Nội dung và phương pháp thực hiện phong trào TĐ trong các công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên...

Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị BCH TW Đảng về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào TĐ yêu nước, đã chỉ rõ:  “Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác TĐ... Chính quyền, mặt trận và các đoàn thể các cấp phải phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức chỉ đạo công tác TĐ, làm cho phong trào TĐ trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Phong trào TĐ trong những năm tới phải đạt được yêu cầu thiết thực, sâu rộng và bao quát được toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, các thành phần kinh tế, góp phần tạo được sự tiến bộ rõ rệt về phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, tạo môi trường xã hội lành mạnh, đời sống văn hóa cao”. Luật TĐ – KT nêu rõ: “Mặt trận TQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức XH khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, động viên các thành viên của mình tham gia với các cơ quan chức năng tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện pháp luật về TĐ, KT; tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, các phong trào TĐ; giám sát việc thực hiện pháp luật về TĐ, KT”. Nghị định 121/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TĐ – KT  đã yêu cầu: “Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị  chủ trì, phối hợp với tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp để tổ chức phong trào TĐ, nhân rộng phong trào TĐ trong phạm vi mình quản lý và chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xứng đáng để KT hoặc đề nghị KT”.

Mặc dù vậy nhưng cơ chế và điều kiện để tổ chức phong trào TĐ tại các công ty cổ phần vẫn là điều trăn trở của nhiều người khi mà các tiêu chí cơ bản trong hoạt động của các công ty này vẫn hay được hiểu gói gọn là: doanh thu, lợi nhuận và đặc biệt là cổ tức. Kiến giải vấn đề này, chúng ta hãy cùng nhìn lại nội dung của Luật TĐ - KT: “Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc” (Điều 3); “Mục tiêu của TĐ nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” (Điều 5).

Như vậy, có thể hiểu TĐ là hình thức vận dụng sự cố gắng kết hợp với khả năng của mỗi cá nhân để đạt được hiệu quả cao hơn trong lao động, công tác, là hành động mang tính tập thể, trên nguyên tắc tự giác tự nguyện, có tổ chức, có kế hoạch, có sự lãnh đạo và quản lý của cơ quan chủ quản, động viên mọi thành viên trong đơn vị cùng nhau đem hết tài năng, sức lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách nhanh nhất, tốt nhất, mang lại lợi ích cho mình, cho tập thể và đóng góp cho lợi ích xã hội cao nhất.

Về công tác KT, Điều 3 của Luật TĐ - KT đã nêu: “KT là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, TĐ và KT quan hệ chặt chẽ với nhau. Không có TĐ hoặc TĐ không có hiệu quả thì không thể có KT theo đúng nghĩa của nó và ngược lại KT là sự phản ánh của kết qủa TĐ. Đồng thời, KT kịp thời, chính xác, công bằng và công khai sẽ có tác dụng thúc đẩy phong trào TĐ phát triển cao hơn. Thực tế thời gian qua đã minh chứng cho sự cần thiết và hiệu quả của các phong trào TĐ trong nội bộ DN cũng như phong trào TĐ liên kết với sự tham gia của nhiều đơn vị trong và ngoài ngành, trong đó cả các nhà thầu là công ty cổ phần. Đó là các phong trào TĐ “Ca vận hành an toàn – kinh tế”, “Sửa chữa đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và tiết kiệm”, “Trạm biến áp và Đường dây kiểu mẫu”... tại các đơn vị SXKD điện; Phong trào TĐ tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng tại các đơn vị cơ khí điện lực; Phong trào TĐ liên kết thực hiện DA mua điện 220 KV Trung Quốc qua Hà Giang; Phong trào TĐ liên kết xây dựng NMTĐ Sơn La.

Nhưng cũng cần phải khẳng định rằng: NLĐ chỉ đem sức lực và tâm trí của mình ra để tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất hoặc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để làm ra sản phẩm nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn, rẻ hơn, khi mà họ được hưởng phần lợi xứng đáng do công sức của họ bỏ ra theo phương châm NLĐ và DN cùng có lợi. Do đó, một vấn đề rất quan trọng là: trên cơ sở quy chế trích lập và sử dụng quỹ KT của DN đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và HĐQT ban hành, Công đoàn (CĐ) cần phối hợp với Giám đốc DN xây dựng và ban hành quy chế TĐ, KT cụ thể cho mỗi phong trào TĐ của DN. Khi đã thống nhất về quan điểm, việc cần làm tiếp theo là khơi dậy tinh thần TĐ và tổ chức phong trào TĐ. Việc khơi dậy tinh thần TĐ trong CNVC,LĐ thuộc về trách nhiệm của các đoàn thể trong đó có tổ chức CĐ, đã được nêu trong Điều 12 của Luật TĐ - KT, đồng thời đây cũng chính là chức năng tuyên truyền giáo dục của tổ chức CĐ. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, CĐ phối hợp chặt chẽ với chuyên môn để tổ chức phong trào TĐ. Nội dung của công tác tổ chức phong trào TĐ đã được nêu rõ tại Điều 10 Nghị định số 121/2005/NĐ-CP: “Xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng TĐ, trên cơ sở đó đề ra các chỉ tiêu và nội dung TĐ cụ thể. Việc xác định nội dung và các chỉ tiêu TĐ phải đảm bảo khoa học, thực tiễn và có tính khả thi. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất công tác, lao động, nghề nghiệp, phạm vi và đối tượng tham gia TĐ để có hình thức thức tổ chức phát động TĐ cho phù hợp, coi trọng việc tuyên truyền nhận thức ý nghĩa của đợt TĐ, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của quần chúng, đa dạng hoá các hình thức phát động TĐ. Triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện phong trào TĐ, theo dõi và kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện phong trào TĐ... Sơ kết, tổng kết phong trào, đánh giá kết quả TĐ; đối với đợt TĐ dài ngày phải tổ chức sơ kết vào giữa đợt để rút kinh nghiệm; kết thúc đợt TĐ phải tiến hành tổng kết đánh giá kết quả, lựa chọn công khai để KT những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào TĐ”. Thành tích trong thi đua lao động sản xuất còn là cơ sở để thực hiện công tác KT và đề nghị KT tổng kết hàng năm và KT niên hạn theo Luật TĐ - KT (Giấy khen, Bằng khen, Huy chương lao động...), đó là quyền lợi hợp pháp, chính đáng không những của NLĐ mà còn là của cả đội ngũ cán bộ quản lý trong DN.

Những phân tích trên đây như thêm một lần khẳng định việc tổ chức phong trào TĐ yêu nước mà thực chất là phong trào TĐ lao động giỏi, lao động sáng tạo và việc đưa Luật Thi đua – Khen thưởng vào cuộc sống là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chuyên môn và tổ chức Công đoàn. 

Theo Bản tin CĐ T1+2/2008