Từ thị xã Nghĩa Lộ - Trung tâm các huyện phía Tây của Yên Bái, chiếc xe U-oát của Chi nhánh điện Nghĩa Lộ đưa chúng tôi ngược lên Suối Giàng, nơi nổi tiếng thương hiệu chè Shan Tuyết. Dọc đường ẩn hiện ngoài cửa xe là thấp thoáng tuyến đường dây tải điện 35kV đi cắt ngang qua đường rồi trốn vào dãy núi xa xa. Con đường lên Suối Giàng chỉ lên dốc chứ không thấy chỗ nào bằng phẳng hay xuống dốc. Chiếc xe U-oát gầm gừ không chạy nhanh được bởi phải chạy số thấp vì dốc. Hơn 1 giờ sau, Suối Giàng đã hiện ra trước mắt chúng tôi, mờ ảo trong mưa và sương mù dày đặc. Đây là xã vùng cao của huyện Văn Chấn có diện tích tự nhiên 6.031ha, với 419 hộ trên 2.381 khẩu trong đó người Mông chiếm 98%, cư trú trên 8 thôn bản. Bà con sinh sống chủ yếu bằng chăn nuôi gia súc, trồng lúa nương, trồng chè, khai thác gỗ.
Ở độ cao gần 1,400m so với mực nước biển, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ với những rừng chè Shan Tuyết nguyên sinh có tuổi đời hàng trăm năm, gốc chè cổ thụ có đường kính tới 0,5m, cao hàng chục mét, người hái chè phải dùng thang trèo lên để hái. Có lẽ chỉ ở đây mới có các cây chè cổ thụ. Theo thống kê ở Suối Giàng còn 84.000 cây chè cổ thụ quy ra bằng 193ha. Trong đó số cây cho lượng búp hái từ 10 – 15kg mỗi lứa khoảng 3.000 cây, cũng có nghĩa chè Suối Giàng trên trăm tuổi chỉ còn từng ấy. Năm 2006, cả xã Suối Giàng bán được 350 tấn búp thu được hơn 2 tỷ đồng. Nhiều gia đình bán được 3,5 - 4 tấn chè, thu từ 15 - 17 triệu đồng. Với giá bán như năm nay thì thu nhập từ chè khá cao. Hương vị chè Suối Giàng rất riêng biệt, khác hẳn so với các nơi khác. Có lẽ do đặc trưng khí hậu và chất đất vùng này. Đây là một đặc sản đặc hiệu của Yên Bái đã có thương hiệu hàng trăm năm nay, chè Suối Giàng đã có mặt hầu hết các địa phương trong cả nước và cả các nước Đông Âu, Châu Mỹ, Châu Phi... Ngoài cây chè, Suối Giàng còn có Pơ mu, một loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao. Hiện cả xã có hơn 40ha Pơ mu, hàng năm cho khai thác trăm mét khối gỗ.
Khi được hỏi về hiệu quả của điện năng vào sự phát triển nông thôn ở Suối Giàng, Chủ tịch xã Giàng A Đằng nới với giọng hồ hởi: “Từ ngày có điện người Mông đã biết mua máy sao chè về để giảm sức lao động cơ bắp, mua máy bơm nước để dùng, điện đã góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc Mông. Đời sống của người dân đã chuyển dần từ tự cấp, tự túc lương thực sang sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Ngành Điện Yên Bái đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương một cách có hiệu quả”. Nhờ có điện, bà con dân tộc mua sắm các thiết bị nghe nhìn để năng cao đời sống văn hoá tinh thần, biết thêm nhiều kiến thức, các chủ trương, chính sách của Đảng... Thông qua đó nhiều cách làm hay của các dân tộc khác như kinh nghiệm sản xuất, cách làm giàu... cũng được người Mông học tập, áp dụng vào thực tế địa phương mình. Thực hiện Chương trình tiết kiệm điện của Chính phủ, 50% số hộ dùng điện đã dùng đèn compact thay đèn sợi đốt, như lời Chủ tịch xã Giàng A Đằng nói: “Người Mông cũng đã biết chia sẻ với Chính phủ và ngành Điện đấy”. Viễn thông Điện lực EVN Telecom đã phủ sóng tới Suối Giàng, những chiếc điện thoại cố định không dây xinh xắn đã có mặt trong nhiều ngôi nhà của bà con, được bà con đón nhận hồ hởi bởi những ưu điểm vượt trội. Khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng đã rút ngắn nhờ viễn thông Điện lực. Thông tin kinh tế, văn hoá đến với bà con vùng sâu, vùng xa nhanh nhạy hơn. Ông Vàng Nhà Sang, ở bản Pang Cáng vui vẻ khoe: “Có điện, có đường tới bản lâu rồi nhưng chưa có cái điện thoại, bưu điện bảo xa quá không kéo dây được. Nay có cái alô không dây của viễn thông Điện lực rồi, chẳng khác gì di động cả, tiện quá!”.
“Suối Giàng đang trở mình đánh thức những tiềm năng còn chưa được khai thác. Mai đây Suối Giàng sẽ phát triển thành một khu du lịch có tầm cỡ trong khu vực các tỉnh phía Bắc, lúc đó các anh đến đây sẽ thấy Suối Giàng khác hôm nay nhiều lắm”, lời tâm sự thay câu chào tâm biệt của Chủ tịch xã Giàng A Đằng khi tiễn chúng tôi.
Theo Bản tin CĐ T1+2/2008