TTCK: Chưa sẵn sàng cho việc mua và cầm giữ
Thứ sáu, 25/6/2010 | 17:22 GMT+7
Dạo qua các diễn đàn thấy nhiều nhà đầu tư phấn khởi. Một số người cổ vũ cho việc mua hàng rất nhiệt tình, có thể họ đã vào hàng nhiều chỉ còn chờ thị trường lên là tháo hàng.
Như vậy có thể đoán cơ hội mua tốt nhất tại thời điểm tốt nhất đã qua, lúc này bắt đầu vào là rủi ro hơi lớn, bởi nhiều người đã lăm lăm thủ sẵn hàng chờ bán.
Tình hình cho thấy trạng thái sẵn sàng chốt lãi vẫn đang ở mức cao, dù mức độ lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng. Thị trường (TT) chưa sẵn sàng cho việc “mua và cầm giữ”. Đây chính là điều trở ngại cho việc TT đi lên. Tại sao vậy?
Nghi ngờ
Xét về yếu tố thông tin về kinh tế vĩ mô, về chính sách tiền tệ, chính sách kinh tế... vẫn là những tin tích cực. Nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều yếu tố chưa thuận lợi: LS cho vay VND vẫn chưa giảm được như quyết tâm và kỳ vọng; Mức tăng trưởng tín dụng thấp nhiều so với cùng kỳ năm trước (10,5% so 20,0%); LS trái phiếu chính phủ phải có lợi suất cao gần bằng LS huy động mới bán được; Tỉ lệ nhập siêu vẫn lớn, trong khi nhiều hàng hóa xuất khẩu của VN vẫn gặp khó khăn, nhất là khi xuất qua TT EU khi đồng EUR đang ngày càng mất giá; Tin tức trên báo chí về khả năng tỉ giá khó giữ ổn định về cuối năm; Câu hỏi về mức dự trữ ngoại hối nhà nước... những yếu tố trên khiến cho TT chưa thật sự tin tưởng vào sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Chính sự nghi ngờ này khiến cho các NĐT vẫn áp dụng cơ chế bảo vệ để hạn chế rủi ro. Họ chấp nhận “vào trễ ra sớm”, lợi nhuận ít nhưng sự an toàn phải cao. Vì thế, TT trong thời gian qua phần lớn là đi ngang, mức tăng không đáng kể. Chỉ còn một nhân tố có thể tác động lớn đến đà tăng trưởng của TTCK, đó là kỳ vọng vào kết quả lợi nhuận quý II của các DN niêm yết (dự đoán là nhìn chung sẽ khởi sắc hơn quý I). Nếu điều này xảy ra thì VNNI sẽ vượt qua ngưỡng 550, còn nếu không thì TT sẽ vẫn nằm trong trạng thái lình sình như hiện nay.
Cởi mở, nhưng tăng tín dụng vẫn chậm
Tăng trưởng GDP vẫn là mối quan tâm chính của Chính phủ nên chính sách tiền tệ cởi mở vẫn được ưu tiên sử dụng trong thời gian tới, nhưng do nợ công hiện đang dần tới mức giới hạn an toàn thì khả năng chi tiêu công, chi đầu tư của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng. Để tăng đầu tư trong XH chỉ còn có thể trông chờ nhiều vào việc tăng đầu tư của người dân và DN, trong tổng thể nguồn vốn đầu tư đó, vốn vay NH đóng vai trò quan trọng.
Định hướng tín dụng năm 2010 của hệ thống NH cho nền kinh tế là 25% mà 6 tháng đầu năm chỉ tăng có trên 10% thì dư địa tăng trưởng tín dụng đến cuối năm vẫn còn nhiều, nhưng muốn tăng không dễ bởi LS cho vay hiện quá cao so với tỉ suất lợi nhuận bình quân mà khách hàng vay có thể kiếm được từ sản xuất kinh doanh.
Khi sức cầu chung về hàng hóa của VN trên TT quốc tế vẫn chưa hồi phục cộng với LS vay trong nước cao thì cầu tín dụng rất khó tăng. Từ đó sẽ ảnh hưởng tổng vốn đầu tư của toàn XH, và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.
Cần một sự đột phá về chính sách?
Cho đến nay, vấn đề thanh khoản của hệ thống NHTM không còn vấn đề nữa. Đã đến lúc xem việc cung ứng tín dụng với mức lãi suất chấp nhận đựơc là ưu tiên trong chính sách hiện hành của NHNN. Bản thân NHNN cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập trung giảm mặt bằng LS cho vay xuống mức LS theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đã có nhiều biện pháp được thực hiện để điều tiết mặt bằng LS thị trường, nhưng đến nay kết quả còn rất hạn chế. Có lẽ trong các biện pháp đã đưa ra cần phải gia tăng cường độ của lượng tiền cung ứng và tăng thêm khối lượng vốn giao dịch nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn và LS hợp lý.
Vừa qua, nhiều nguồn tin cho biết trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cho vay khẩn cấp 1.000 tỉ USD với mức trung bình 10-11 tỉ USD/tuần. Vào giai đoạn cao điểm của cuộc khủng hoảng, FED cho vay hơn 100 tỉ USD/ngày.
Có thể còn có những tranh cãi về tính công khai, minh bạch của FED khi cho các NHTM vay, nhưng rõ ràng là với hành động quyết liệt, dứt khoát bơm một khối lượng tiền khổng lồ ra trong thời điểm cần thiết đã giúp cho hệ thống NHTM của Mỹ thoát khỏi khủng hoảng tài chính và hiện nhiều NHTM đã xin trả nợ vay của FED.
Để giảm mặt bằng LS cho vay của một thị trường tiền tệ như của VN trong một thời gian ngắn thì nên chăng cũng cần phải bơm mạnh tiền ra trong một thời gian nhất định và có những điều khoản và quy định rất chặt chẽ với những NHTM phải vay tiền từ thị trường mở để đảm bảo rút tiền về nhanh mà không gây áp lực lên lạm phát. Giải được “nút thắt cổ chai” trong bài toán giảm LS cho vay VND hiện nay thì mới mong nền kinh tế và TTCK tăng trưởng ổn định.
Theo: Lao động