Ảnh minh họa.
Trước những lo ngại về ô nhiễm môi trường, xỉ than, bụi thải... gây ra từ các nhà máy nhiệt điện than, các chuyên gia từ Bộ Công thương đã có những phân tích, đánh giá cụ thể.
Nhiệt điện than giữ vai trò quan trọng
Theo Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (có xét đến năm 2030), tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2030 dự kiến lên tới trên 50 nghìn MW, chiếm một nửa tổng công suất các nguồn điện được đưa vào vận hành trên toàn quốc. Quy hoạch cho thấy, các nhà máy nhiệt điện than sẽ giữ vai trò chính trong đảm bảo cấp điện trong hiện tại và tương lai, nhất là giai đoạn 2021-2025.
Các loại nguồn phát điện truyền thống hiện nay gồm: Thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí. Loại nguồn phát điện là Năng lượng tái tạo gồm: Điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, biomas.
Thủy điện là nguồn phát điện quan trọng chiếm tỉ trọng lớn trong đảm bảo cung cấp điện khi nhiệt điện chưa phát triển. Thủy điện có giá thành điện năng có thể nói là rẻ nhất so với các loại nguồn phát điện khác, nên đã được phát triển trước và khai thác đã hết tiềm năng các dòng sông có thể xây dựng nhà máy thủy điện có công suất lớn. Năm 2020, dự tính công suất 18.000MW (cấp 18,25% điện năng), năm 2030 công suất 21.380MW (cấp 12,4% điện năng). Công suất các nhà máy thủy điện năm 2030 chỉ tăng khoảng 3000MW so với năm 2020, vì đã hết tiềm năng.
Nhiệt điện khí có giá thành sản xuất điện cao hơn nhiệt điện than, tiềm năng cũng hạn chế. Trữ lượng khí thế giới chỉ có thể sử dụng được khoảng 50 năm nữa. Năm 2020 nhiệt điện khí cấp khoản 16,6% điện năng. Năm 2030 tỉ lệ điện năng cấp cũng tương tự, khoảng 16,8%, nhưng về giá trị tuyệt đối đã tăng từ 44 tỉ kWh lên 96 tỉ kWh và trong đó chúng ta đã phải nhập khí hóa lỏng LNG cho sản xuất điện.
Nguồn năng lượng tái tạo đã được quan tâm khai thác, phát triển, nhưng tiềm năng hạn chế, giá thành sản xuất điện cao hơn nhiệt điện than, diện tích chiếm đất lớn (gấp 3-4 lần so với nhiệt điện than với cùng một đơn vị công suất đặt). Dự tính đến năm 2020 tổng công suất năng lượng tái tạo là 5940MW chiếm 9,9% tổng công suất, (cung cấp 17,2 tỉ kWh) chiếm 6,5% điện năng hệ thống. Năm 2030 tổng công suất 26.500MW (tăng gấp khoảng 4,5 lần so với năm 2020) chiếm 21% (cung cấp 61,2 tỉ kWh), chiếm 10,7% điện năng hệ thống. Công suất tăng khoảng 4,5 lần nhưng tỉ lệ điện năng tăng được 10,7-9,9= 0,8%.
Đến năm 2020, nhiệt điện than với quy mô 25.620MW chiếm 42,7% công suất, cấp 130,2 tỉ kWh chiếm 49,3% điện năng toàn hệ thống. Năm 2030, nhiệt điện than có tổng công suất 53.890MW chiếm 42,6% tổng công suất, cấp 304,3 tỉ kWh chiếm 53,2 % điện năng toàn hệ thống. Công suất nhiệt điện than năm 2030 so với năm 2020 cơ bản không thay đổi tỉ lệ % công suất 42,7% (2020) so với 42,6% (2030), nhưng điện năng cung cấp tăng 10,6%.
Như vậy, nếu tính khả năng phát điện, tỉ lệ điện năng cung cấp trên tỉ lệ công suất đặt thì nhiệt điện than khoảng 1,15 (2020) đến 1,25 (2030), năng lượng tái tạo là 0,65 (2020) và 0,5 (20-30).
Với nhiệm vụ cung cấp 49,3% (2020) và tăng lên 53,2% (2030) điện năng toàn hệ thống, có thể thấy rằng nhiệt điện than cung cấp trên 50% điện năng toàn hệ thống và giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện toàn quốc. Hơn nữa, nhiệt điện than có ưu điểm là giá thành sản xuất điện tuy có nhỉnh hơn thủy điện nhưng lại rẻ hơn các loại hình phát điện khác như điện khí, mặt trời, điện gió; nguồn nguyên liệu chính là than thì dồi dào (trữ lượng than trên trái đất còn có thể đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của con người còn được khoảng 300-400 năm, trong khi trữ lượng dầu khí chỉ có thể đáp ứng được 50 đến 60 năm); không có hạn chế về lựa chọn công nghệ khi Việt Nam đang áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được nghiên cứu tính toán trên quan điểm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước (than, dầu, khí), kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện.
Vấn đề công nghệ và xử lý môi trường các nhà máy nhiệt điện than
Công tác đảm bảo môi trường trong các NMNĐ được Bộ Công Thương hết sức quan tâm. Ngày 19 tháng 10 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, trong đó có chú trọng đến môi trường lĩnh vực nhiệt điện than. Bộ trưởng Bộ Công thương đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị chức năng, các tập đoàn, chủ đầu tư các dự án NMNĐ, quán triệt tinh thần về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, yêu cầu tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Chủ trương từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến, có hiệu suất cao, giảm phát thải, thực hiện các công trình đảm bảo môi trường một cách nghiêm túc, đảm bảo các thông số phát thải đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam, vừa đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống, vừa góp phần đảm bảo môi trường bền vững.
Theo Bộ Công thương, nhìn chung, các NMNĐ than đã được đưa vào vận hành từ những năm 1980 đến nay với số lượng NM và công suất ngày càng tăng, các phát thải từ NMNĐ than về cơ bản là được xử lý và tuân thủ các quy định về môi trường. Năm 2015 có 2 nhà máy nhiệt điện than là Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1, trong quá trình chạy thử nghiệm đã để xảy ra trường hợp ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng tới một số hộ dân sống gần nhà máy, gây ra lo ngại của một số chuyên gia về việc đảm bảo môi trường của các NMNĐ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời, các nhà máy đã khẩn trương thực hiện các giải pháp để khắc phục, cho đến nay không còn hiện tượng gây ô nhiễm môi trường tương tự.
Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan, thực hiện quản lý chặt chẽ công nghệ phát điện về phương diện môi trường như quy định công nghệ lựa chọn cho các nhà máy phải tiên tiến, hiệu suất cao, ít ảnh hưởng đến môi trường theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khi tiến hành lập quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy nhiệt điện đều phải có giải pháp bảo vệ môi trường, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao...Đến giai đoạn lập Dự án đầu tư xây dựng công trình, các dự án nhà máy nhiệt điện đều phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trước khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng..Các nhà máy nhiệt điện than phải có các thiết bị xử lý môi trường được trang bị, sử dụng cho các loại công nghệ.
Xử lý, sử dụng tro xỉ NMNĐ làm vật liệu xây dựng
Để giải quyết tiêu thụ tro, xỉ của các NMNĐ than, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (QĐ/1696). Tro, xỉ NMNĐ được sử dụng: làm phụ gia bê tông; thay đất sét trong sản xuất xi măng; xản xuất gạch không nung; làm nguyên liệu hóa rắn trong bê tông asphalt; cốt liệu làm đường…Tro xỉ thạch cao cũng là loại tài nguyên làm vật liệu xây dựng. Các NMNĐ đã tổ chức nghiên cứu giải pháp, tìm đến các đơn vị sản xuất xi măng, các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng để tìm cách tiêu thụ tro xỉ…Kết quả bước đầu có chuyển biến tích cực lượng tro xỉ thạch cao các NMNĐ đã tiêu thụ được bình quân khoảng 30% lượng tro xỉ thải ra hàng năm.
Đến nay các NMNĐ than ở miền Bắc, Miền Trung do đã vận hành thương mại sớm nên đã có hợp đồng tiêu thụ tro xỉ như: Phả Lại, Hải Phòng, Uông Bí, Ninh Bình, Nghi Sơn 1…NMNĐ Vĩnh Tân 2 vận hành năm 2015, đến nay đã ký được hợp đồng (với Công ty CP Mãi Xanh) tiêu thụ toàn bộ lượng tro xỉ từ 1 tháng 1 năm 2017 với thời hạn 28 năm. NMNĐ Duyên Hải 1 vận hành 2015: Đã ký hợp đồng tiêu thụ 300.000 T tro xỉ/năm. Công ty xi măng Holxim đang làm thủ tục xin phép đầu tư để tiêu thụ số tro xỉ còn lại của nhà máy.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ xây dựng đã chủ trì (Bộ Công Thương tham gia) xây dựng đề án Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, Đề án đã được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 11 năm 2016, Trong đề án, dự kiến mục tiêu đến năm 2020, xử lý, sử dụng được khoảng tối thiểu 50% lượng tro, xỉ.
|