Tăng cường tuyên truyền an toàn điện tại các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản ở Vạn Ninh (Khánh Hòa)

Thứ hai, 21/6/2021 | 13:53 GMT+7
Huyện Vạn Ninh là một trong 5 “thủ phủ” nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. 
PC Khánh Hòa tăng cường tư vấn khách hàng sử dụng điện an toàn mùa nắng nóng trong vùng nuôi trồng thủy hải sản.
 
Trước tình hình nắng nóng cao điểm mùa khô đang diễn ra rộng khắp tại các địa phương trên toàn tỉnh như hiện nay, Điện lực Vạn Ninh (PC Khánh Hòa) đã tăng cường công tác tuyên truyền giúp các cơ sở, hộ dân nuôi trồng trên địa bàn huyện có biện pháp sử dụng điện an toàn.
 
Khánh Hòa có tiềm năng và thế mạnh lớn về phát triển nuôi biển thuộc nhóm dẫn đầu các tỉnh ven biển cả nước vì có 385 km đường bờ biển; hơn 200 đảo lớn nhỏ, 3 vịnh, 2 đầm phá tương đối kín gió và sự phát triển của các trung tâm nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đóng chân trên địa bàn như: Viện Nghiên cứu Thủy sản III Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang… Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 5 vùng nuôi chính gồm các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Trong đó, Vạn Ninh là huyện có quy mô sản xuất lớn với 524 hecta ao đìa nuôi trồng thủy sản các loại: cá mú, ốc hương, tôm thẻ chân trắng và hơn 8.500 ô lồng nuôi tôm hùm.
 
Theo dự báo, nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra tại khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, đặc biệt khu vực phía Bắc của huyện Vạn Ninh. Do đó, song song với việc khuyến cáo bà con nhân dân trên địa bàn  sử dụng điện tiết kiệm trong điều kiện nắng nóng, Điện lực Vạn Ninh (PC Khánh Hòa) còn tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, phòng tránh tai nạn điện trong các đìa nuôi trồng thủy hải sản ở địa phương.
 
Qua kiểm tra lưới điện các vùng nuôi tôm, Điện lực Vạn Ninh đã phát hiện nhiều trường hợp đường dây điện mất an toàn, được kéo từ công tơ điện lưới hạ thế đến các đìa nuôi rất dài, không có sứ cách điện. Nhiều khu vực, dây điện còn rải trên mặt đất, không có trụ đỡ. Một số đìa nuôi không thay thế dây định kỳ mà để bong tróc, các mối nối không được quấn băng keo. Bên cạnh đó, một số trạm biến áp thuộc tài sản riêng của các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản không đảm bảo an toàn điện để vận hành. Cụ thể, máy biến áp bị chảy dầu, vỏ máy bị rỉ sét, vỏ thùng kiểm tính bị mục, dây điện được lắp đặt trên cột gỗ tạm bợ không theo tiêu chuẩn an toàn, dây dẫn có độ võng thấp rất nguy hiểm cho người qua lại. Đặc biệt, dây dẫn không được định vị vào cột bằng các khóa đỡ chuyên dùng cho cáp vặn xoắn mà được buộc trực tiếp vào cột, gây cọ xát lớp cách điện có thể bị rò điện tác động nguy hiểm cho người sử dụng.
 
Từ thực tế đó, ngành điện Khánh Hòa đã tăng cường rà soát công tác an toàn tại các vùng nuôi tôm, thủy hải sản; hướng dẫn người dân một số kiến thức chuyên môn về kỹ thuật an toàn điện như: Đường dây sau công tơ phải có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng; nên dùng loại dây bọc cách điện; không kéo dây tải điện chạy ngầm trong ao; cột đỡ hệ thống dây điện có thể làm bằng thép, bê tông, gỗ hoặc tre già đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; đường dây phải mắc có độ võng, thấp nhất cách mặt đất từ 2,5 m trở lên nhằm tránh người đi dưới đường dây có thể chạm vào… Ngoài ra, các chủ hộ nuôi tôm cần phải kiểm tra định kỳ để kịp thời thay thế, sửa chữa thiết bị, đường dây nếu thấy có hiện tượng bất thường… Đối với lưới điện thuộc tài sản riêng của các cơ sở nuôi trồng không đảm bảo an toàn, điện lực gửi thông báo để khách hàng được biết các nội dung cần khắc phục nhằm đảm bảo an toàn điện cho cả mùa nắng nóng và ngăn ngừa sự cố chạm chập do rò điện gây nguy hiểm cho người sử dụng khi mùa mưa dông sau tháng 8 hàng năm.
 
Điện không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản xuất nuôi trồng mà khi được sử dụng an toàn, đúng cách, điện còn giúp người nuôi tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận góp phần phát triển làng nghề, giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động ở Vạn Ninh và giúp người dân có thể làm giàu trên chính quê hương mình – xứ sở Trầm Hương.
Theo: CPC