Thách thức truyền tải điện

Thứ hai, 25/5/2009 | 13:57 GMT+7

An toàn cho đường dây 500 kV Bắc - Nam được đặt lên hàng đầu, thậm chí trên cả việc đưa thêm các nguồn điện mới vào hoạt động.

Công nhân vận hành trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra kỹ thuât thiết bị, phòng ngừa sự cố. ảnh : Ngọc Hà

Từ đầu năm tới nay, tình hình cấp điện chưa đến mức căng thẳng, do thời tiết chưa có nắng nóng lớn trên diện rộng và phụ tải điện không tăng mạnh như dự báo bởi tác động của kinh tế khó khăn và đã có thêm một vài nguồn mới đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, việc cấp điện đang phụ thuộc không nhỏ vào việc truyền tải điện lớn trên đường dây 500 kV Bắc –Nam và các nguồn hiện có sự mất cân đối với nhu cầu tại chỗ. Vì vậy, an toàn cho đường dây 500 kV để đảm bảo thông suốt truyền tải điện từ Bắc vào Nam khi mùa mưa và từ Nam ra Bắc khi mùa khô được đặt lên hàng đầu, thậm chí trên cả việc đưa thêm các nguồn điện mới vào hoạt động.

Trong 3 tháng đầu năm nay, lượng điện truyền tải chỉ tính riêng trên đường dây 500 kV mạch 1 đã là 5,3 tỷ kWh. Như vậy, so với mức truyền tải 18,1 tỷ kWh trong năm 2008 của riêng mạch 1, thì con số này đã chiếm tới gần 30%. Công suất truyền tải trên đường dây Bắc – Nam 500 kV đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Điều tiết điện lực, công suất truyền tải lớn nhất của đoạn dây này là 1.500 MW hướng từ Nam ra Bắc, tăng 15% so với mức 1.300 MW của năm ngoái.

Trên thực tế, việc vận hành lưới điện truyền tải, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc – Nam, liên tục ở vào tình trạng căng thẳng. Nhiều đường dây và trạm 500 kV/220 kV đã vận hành trong tình trạng đầy hoặc quá tải, như đường dây 220 kV Phú Mỹ - Long Thành, 500 kV Nhà Bè - Phú Lâm, trạm 500 kV Thường Tín, Nho Quan... Điều này khiến nguy cơ mất an toàn hệ thống điện luôn hiển hiện.

Ông Nguyễn Hà Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) cho hay, đường dây 500 kV mạch 1 hiện có chiều dài 1.462,5 km, với 3.436 vị trí cột đã đưa vào vận hành được 15 năm, vì vậy việc xuống cấp của thiết bị là khó tránh khỏi, gây khó khăn trong quản lý vận hành.

Theo tính toán của NPT, chi phí sửa chữa mỗi năm của riêng đường dây 500 kV mạch 1 đã lên tới 200 tỷ đồng, chưa kể các đường dây 500 kV mạch 2, các đường 220 kV, cũng như các dự án đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu phát triển và cung cấp điện hiện nay. Trong khi đó, NPT mới được thành lập vào năm 2008, chưa đủ 3 năm có lãi để các ngân hàng tin cậy cho vay các khoản lớn để đầu tư. Việc thu phí truyền tải theo giá điện hiện nay là 68,67 đồng/kwh, tương đương mức doanh thu trên 5.000 tỷ đồng trong năm 2009, chắc chắn không đủ cho nhu cầu lẫn nhiệm vụ mà NPT được giao.

Bên cạnh đó, thách thức trong việc vận hành an toàn đường dây 500 kV còn nằm ở thực địa mà đường dây 500 kV đi qua. Đa phần chiều dài của đường dây truyền tải 500 kV đi qua địa hình rừng rậm, núi cao, suối sâu và sình lầy. Đường vào tuyến không có hoặc nếu có thì do lâu ngày đã bị mưa lũ, thiên tai bào mòn, gây sạt lở, như đèo 52, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông; khu vực các huyện Ea H’leo, Krông Buk, Cư M’gar của tỉnh Đăk Lăk; xã Iaphang, Chư Sê, Gia Lai. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vận hành, đặc biệt là công tác kiểm tra đêm, kiểm tra và xử lý sự cố trên đường dây.

Theo tính toán của NPT, hiện có khoảng 1.000 đường công vụ từ các đường quốc lộ vào tới cột cần phải được đầu tư, nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra quá trình vận hành an toàn đường dây 500 kV. Tuy nhiên, do các con đường này không thuộc tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và NPT, nên chi phí cho việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các đường công vụ này không được các cơ quan tài chính chấp nhận và yêu cầu phải xuất toán khỏi các chi phí của doanh nghiệp. Hiện tại, mới có đường công vụ vào cột 500 kV trên đỉnh đèo Hải Vân dài 8 km, với địa hình phức tạp và cũng là nơi tập trung nhiều lưới điện cao thế đi ngang được EVN quyết định đầu tư tốt để phục vụ vận hành.

Ngoài ra, việc vận hành an toàn đường dây 500 kV Bắc – Nam luôn bị đe dọa xảy ra sự cố do bụi đất đỏ ở khu vực Tây Nguyên hay tình trạng đốt rừng, đốt nương làm rẫy của bà con ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa gây ra. Theo các chuyên gia, trong quá trình đốt nương, các bụi cháy bay lên cao, tạo ra môi trường nhiễm điện, gây hiện tượng phóng điện dẫn tới sự cố đột ngột trên đường dây 500 kV, làm cầu dao nhảy và mất điện trên diện rộng.

Cục Điều tiết điện lực cho biết, tính tới hết tháng 4/2009, lượng điện thương phẩm cả nước đạt 21,75 tỷ kWh; mức tăng trưởng phụ tải trong 4 tháng qua đạt bình quân 5,41%, thấp hơn tương đối so với dự báo là 14-15%. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức tăng trưởng phụ tải của từng tháng đang có dấu hiệu tăng mạnh. Nếu như mức tăng phụ tải của tháng 1 là – 2,23%, thì tháng 4 đã đạt 11,2%.

Với thực tế năm nay có tới hai tháng 5 âm lịch, ở miền Bắc, phụ tải trong mùa hè cũng được dự báo tăng mạnh, nhất là khi các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang sôi nổi trở lại. Thực tế này cũng đặt ra thách thức cho ngành điện trong việc vận hành an toàn đường dây siêu cao áp 500 kV và các đường dây tải điện khác, để cung cấp điện ổn định cho nền kinh tế.

Theo Đầu tư