Trạm biến áp số 220kV Thủy Nguyên là 1 trong những trạm biến áp để đảm bảo cung cấp điện cho TP. Hải Phòng.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực thành phố Hải Phòng; Tăng cường liên kết hệ thống điện khu vực, nâng cao độ an toàn, tin cậy và ổn định khi vận hành hệ thống điện khu vực và quốc gia; Giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trong hệ thống điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Địa điểm xây dựng công trình xã Quốc Tuấn và xã Tân Viên, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Dự án Trạm biến áp 220 kV An Lão và đấu nối có tổng vốn đầu tư là 537.703.000.000 đồng (năm trăm ba mươi bảy tỷ, bảy trăm linh ba triệu). Dự án dự kiến khởi công tháng 3/2026, hoàn thiện việc thi công và đóng điện tháng 6/2027.
Tổng diện tích sử dụng đất của Dự án khoảng 6,07ha. Công suất thiết kế 500MVA (gồm 02 máy biến áp 220/110/22kV-250 MVA). Trạm biến áp 220kV An Lão được thiết kế gồm một số hạng mục công trình chính có công năng sử dụng chung cho cả Trạm biến áp 220kV An Lão và Trạm biến áp 500kV Hải Phòng như: Nhà điều khiển trung tâm, nhà điều khiển ngăn lộ, nhà thường trực bảo vệ, nhà nghỉ ca vận hành, nhà trạm bơm.
Hệ thống đường giao thông nội bộ gồm đường rộng 4m có chiều dài 610m và đường rộng 6m có chiều dài 602m (sử dụng chung cho cả Trạm biến áp 220 kV An Lão và Trạm biến áp 500 kV Hải Phòng) và các khu vực trồng cây xanh tạo cảnh quan và đảm bảo chỉ tiêu về cây xanh theo quy định.
Khu vực ngoài trời để lắp đặt các thiết bị của Trạm biến áp, gồm: thiết bị phân phối 220kV, 110kV, 22kV và máy biến áp được đặt ngoài trời; Các thiết bị điều khiển bảo vệ và tủ AC/DC được đặt trong Nhà điều khiển trung tâm và Nhà điều khiển ngăn lộ.
Phần đường dây đấu nối được thiết kế dạng tuyến, gồm các cột thép dạng tháp: Xây dựng mới 02 đoạn đường dây 220kV 02 mạch từ TBA 220kV An Lão đấu nối chuyển tiếp trên Đường dây 220kV Đồng Hòa - Thái Bình (hiện hữu), chiều dài khoảng 0,3km. Xây dựng mới đoạn đường dây 22kV dài khoảng 0,15km đấu nối với lưới điện địa phương cấp điện tự dùng cho trạm.
UBND thành phố Hải Phòng giao EVNNPT có trách nhiệm triển khai Dự án theo đúng quy hoạch, tiến độ được chấp thuận tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, điện lực, quản lý và sử dụng vốn nhà nước, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, quốc phòng - an ninh, thuế, pháp luật có liên quan.
Đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện theo đúng mục tiêu, quy mô, tiến độ được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Hoàn thành thủ tục bảo đảm thực hiện Dự án sau khi được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Chủ động liên hệ với Cục Thuế thành phố Hải Phòng để được hướng dẫn, xác định ưu đãi theo quy định pháp luật hiện hành.
Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện Dự án đầu tư; Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật.
Các sở, ngành, địa phương liên quan của TP. Hải Phòng có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật hiện hành và theo dõi, kiểm tra, giảm sát, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các trách nhiệm được quy định tại Quyết định này; thực hiện quản lý nhà nước và giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành.
Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố xem xét, quyết định cho thuê đất sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục bảo đảm thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động Dự án trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện bảo đảm thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.