Sự cần thiết áp dụng hệ thống thanh toán qua ngân hàng
Hệ thống thanh toán qua ngân hàng do EVN xây dựng nhằm đáp ứng việc khách hàng có thể thanh toán các loại hình dịch vụ tiền điện, cước viễn thông qua các kênh thanh toán của ngân hàng, thông qua kết nối duy nhât tại Cổng thanh toán của Tập đoàn, đảm bảo khả năng bảo mật dữ liệu của ngành Ðiện. Hệ thống gồm một Cổng kết nối làm nhiệm vụ trung chuyển, định tuyến giao dịch với tất cả các ngân hàng và các cổng vệ tinh kết nối tới cơ sở dữ liệu (CSDL) của dịch vụ, bao gồm: CSDL hoá đơn trả sau của EVNTelecom, các CSDL Quản lý khách hàng sử dụng điện tại các công ty điện lực. Giao dịch từ các kênh của các ngân hàng gửi đến cổng thanh toán EVN sẽ được định hướng và xử lý trong CSDL của các đơn vị tương ứng với thông tin khách hàng.
Với hệ thống này, có thể cung cấp được nhiều dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng; thủ tục và thời gian kết nối với mỗi ngân hàng được rút ngắn do các điện lực không phải thực hiện các công việc đầu tư đường truyền kết nối, xây dựng phương án, quy trình nghiệp vụ, thương thảo điều khoản hợp tác. Do hệ thống hoạt động online nên khách hàng có thể thanh toán ngay khi phát sinh hóa đơn, vào bất kỳ thời điểm nào và bất cứ nơi nào có điểm giao dịch của các ngân hàng tham gia thanh toán. Ðồng thời, hệ thống này cũng góp phần không làm tăng đội ngũ thu ngân, tiết kiệm chi phí và an toàn bảo mật.
Trên thực tế, công tác thu tiền điện và cước viễn thông tại nhà trong nhiều năm qua cũng xuất hiện những bất cập như khi thu ngân viên đến thu tiền thì khách hàng không có nhà hoặc tại thời điểm đó khách hàng chưa sẵn sàng để thanh toán, dẫn đến sự bị động cho khách hàng. Ngoài ra còn xảy ra tình trạng thất thoát tiền do sai sót của thu ngân viên. Khi EVN đẩy nhanh tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, lượng khách hàng của ngành Ðiện tăng nhanh dẫn đến việc các đơn vị kinh doanh điện năng sẽ phải tăng cường thêm lực lượng thu ngân viên (nếu tiếp tục thực hiện thu tiền tại nhà), tăng chi phí của doanh nghiệp. Thanh toán hoá đơn tiền điện và cước viễn thông điện lực qua ngân hàng là một giải pháp thích hợp tạo sự chủ động cho khách hàng, được EVN triển khai từ năm 2004. Việc thanh toán được tiến hành thông qua các kênh ATM, Internet, hệ thống quầy giao dịch của ngân hàng với hình thức thanh toán bằng tiền mặt, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu trên tài khoản… Thay vì việc hàng tháng chờ thu ngân viên tới thu tại nhà, với đa dạng các phương thức thanh toán và địa điểm thanh toán hóa đơn, khách hàng của ngành Ðiện dễ dàng hơn trong việc lựa chọn hình thức phù hợp.
Chu trình giao tiếp của hệ thống với ngân hàng
Các giao tiếp trong hệ thống thực hiện qua cơ chế gửi/nhận các thông điệp theo chuẩn ISO 8583. Theo đó, các bước thực hiện để khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán hoá đơn bao gồm:
1) Khách hàng (k/h) khởi tạo yêu cầu từ kênh thanh toán dịch vụ của ngân hàng (ATM, quầy giao dịch, điểm chấp nhận thẻ POS, Internet…). Ðể thuận tiện cho khách hàng, thông thường phía ngân hàng chỉ yêu cầu nhập mã khách hàng đối với trường hợp khách hàng lần đầu tiên sử dụng dịch vụ.
2) Ngân hàng gửi một thông điệp đã được mã hóa để hỏi thông tin nợ cước dịch vụ của khách hàng đến Cổng Thanh toán EVN.
3) Cổng Thanh toán EVN tiếp nhận yêu cầu và chuyển thông điệp này đến các cổng thanh toán vệ tinh giao tiếp với các kho dữ liệu nợ hóa đơn tiền điện (hệ thống CMIS) của các công ty điện lực thành phố, điện lực tỉnh, thành tương ứng hoặc kho dữ liệu nợ hóa đơn cước viễn thông của EVNTelecom.
4) Hệ thống tại các đơn vị xử lý yêu cầu và gửi lại thông tin hóa đơn k/h về Cổng thanh toán EVN.
5) Cổng thanh toán EVN chuyển kết quả thông tin hóa đơn của k/h sang hệ thống của ngân hàng.
6) Thanh toán viên của ngân hàng (hoặc khách hàng) nhận tình trạng nợ cước hiển thị trên kênh thanh toán dịch vụ của ngân hàng.
7) Thanh toán viên của ngân hàng (hoặc khách hàng) xác nhận và chấp thuận thanh toán hoá đơn. Ngân hàng thực hiện thanh toán ghi nợ tài khoản k/h và ghi có cho tài khoản điện lực nếu k/h đủ tiền để thanh toán.
8) Kết quả thực hiện được gửi đến Hệ thống Cổng Thanh toán EVN và chuyển đến các kho dữ liệu nợ hóa đơn tiền điện, cước viễn thông của đơn vị tương ứng để yêu cầu gạch nợ.
9) Hệ thống tại các đơn vị tự động gạch nợ khách hàng và gửi lại xác nhận cho Cổng thanh toán EVN
10) Cổng thanh toán EVN trả lời cho ngân hàng kết quả gạch nợ.
11) Trong trường hợp có sự cố không thực hiện được việc gạch nợ k/h, căn cứ vào kết quả phản hồi, hệ thống ngân hàng sẽ tự động khôi phục giao dịch đã thực hiện trước đó để trả tiền lại cho khách hàng.
12) Hệ thống của ngân hàng gửi kết quả giao dịch cho khách hàng, hiển thị trên kênh thanh toán. Khách hàng có thể lấy các ân chỉ xác nhận thanh toán từ máy ATM, POS hoặc từ thanh toán viên của ngân hàng.
Nền tảng vững chắc cho những bước triển khai tiếp theo
Hiện nay, Hệ thống thanh toán tiền điện và cước viễn thông điện lực qua ngân hàng đã hoàn thành quá trình xây dựng cổng kết nối thanh toán tập trung đặt tại Hà Nội, kết nối tới 4 ngân hàng thương mại có thị phần lớn nhất Việt Nam là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (AGRIBANK), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển (BIDV), 2 ngân hàng nước ngoài là Citibank, HSBC và ngân hàng liên kết ABBank.
EVN đã thống nhất hợp đồng khung, quy trình nghiệp vụ và chuẩn giao dịch với tất cả các ngân hàng tham gia kết nối; xây dựng quy trình nghiệp vụ và triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện và cước viễn thông trả sau qua hệ thống ATM của các ngân hàng VCB, Vietinbank; các phương thức nộp tiền mặt tại quầy giao dịch, chuyển khoản, ủy nhiệm chi tự động qua ngân hàng VBARD, BIDV, ABBank; thanh toán qua hệ thống Internet Banking của ngân hàng Citibank…
Trên cơ sở đó, đến nay dự án đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện và cước viễn thông điện lực trả sau đối với Công ty Ðiện lực Hà Nội, Ðà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Ðồng Nai và triển khai thí điểm tại Công ty Ðiện lực 2 (Ðiện lực Bình Thuận, Bình Dương, Long An), Công ty Ðiện lực 3 (Ðiện lực Gia Lai).
Thực tế khi triển khai hệ thống thanh toán cước viễn thông và tiền điện qua ngân hàng, các đơn vị trong ngành Ðiện cũng gặp không ít khó khăn, trước hết là thay đổi thói quen thanh toán tại nhà của khách hàng, hay việc khách hàng còn e dè khi tiếp cận với các dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng… Các điện lực phải tiến hành xác nhận lại thông tin khách hàng để định vị khách hàng đăng ký thanh toán qua ngân hàng hay qua phương thức nào khác, đồng thời cần có một đội ngũ CBCNV nắm được quy trình, kỹ thuật để triển khai hệ thống có hiệu quả…
Tuy nhiên, những kết quả bước đầu đó sẽ là nền tảng vững chắc để tiếp tục những bước triển khai tiếp theo. Theo Trung tâm Công nghệ Thông tin EVNIT, đơn vị thực hiện dự án: Trung tâm đang trình Tập đoàn phương án tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án, trong đó tập trung tiến hành hoàn chỉnh Cổng kết nối dự phòng đặt tại phía Nam, trong trường hợp Cổng thanh toán chính kết nối với ngân hàng bị sự cố, giao dịch thanh toán sẽ được phía ngân hàng tự động chuyển đến Cổng thanh toán dự phòng. Ðồng thời, mạng lưới kết nối thanh toán toàn Tập đoàn sẽ được triển khai thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, kèm theo đó là tổ chức bộ máy thực hiện vận hành từ EVN đến các điện lực và tổ chức dữ liệu khi nợ hoá đơn tại các công ty điện lực. Về việc mở rộng kết nối với ngân hàng và đa dạng hoá kênh thanh toán, sẽ tiếp tục triển khai các phương thức thanh toán qua Internet, SMS, Mobile … ; gắn kết với Hệ thống tài khoản trung tâm của Công ty Tài chính Cổ phần Ðiện lực EVNFinance; triển khai kết nối với các liên minh thẻ như Công ty Chuyển mạch Tài chính BankNet, liên minh thẻ Ðông Á VNBC, Smartlink; nghiên cứu mở rộng các phương thức thu hộ khác như hệ thống thu chéo qua quầy của các điện lực, thu qua mạng lưới bưu cục…