Một số đoạn đường được trang bị đèn năng lượng mặt trời của thôn Hòa Trung. Ảnh: Duy Quân.
Anh Nguyễn Duy Quân ở thôn Hòa Trung, xã Hòa Đông là người đưa ra ý tưởng sử dụng đèn năng lượng mặt trời cho các tuyến đường. "Ban đầu, thôn nghĩ đến việc sử dụng đèn điện lưới như các xã khác. Nhưng nảy sinh vấn đề là hàng tháng, thôn phải cử đại diện thu tiền điện từ các hộ dân. Điều này cũng khó thực hiện. Sau khi tính toán chi phí lắp đặt và vận hành đèn năng lượng mặt trời lắp một lần có thể dùng được vài năm và được bảo hành lâu dài, các hộ dân đồng ý ngay", anh Quân cho biết.
Do tuyến đường dài hơn 1 km mà chỉ có chưa đến 20 hộ dân, nhóm triển khai dự tính lắp 10 bóng đèn. Khoảng cách giữa các bóng là 100 mét. Tuy nhiên, nhóm nhận thấy số lượng bóng đèn không đủ, khoảng cách quá xa sẽ tạo nên những "mảng tối" nhất định trên mặt đường.
Sau khi tiếp tục xin ý kiến các gia đình trong thôn, đoạn đường này được nâng lên tổng cộng 23 bóng đèn. Mỗi hộ dân góp 950.000 đồng, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và đơn vị bộ đội đóng quân trên trục đường này. Một số người không ở trên tuyến đường này nhưng có rẫy canh tác tại đây cũng ủng hộ số tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Sau khi tìm hiểu, so sánh nhiều chủng loại, nhóm đã chọn hệ thống đèn năng lượng mặt trời công suất 300W, chuẩn chống nước IP66, giá 1,1 triệu đồng mỗi bộ, được bảo hành 3 năm. Phần giá đỡ được nhóm tự thiết kế và chế tạo với chi phí vật liệu 220.000 mỗi chiếc. Chiều cao lắp đặt của mỗi đèn là 6 đến 6,5 mét.
"Chúng tôi đã xin phép Công ty điện lực để lắp đèn lên các trụ điện và nhận được sự đồng ý. Trong một số trường hợp, sẽ dùng các cột riêng để đảm bảo mật độ của đèn", anh Quân cho biết.
Sau 15 ngày, hệ thống đèn đường bằng năng lượng mặt trời được lắp đặt hoàn tất và đưa vào sử dụng.
Sau khi hệ thống đèn đường chạy bằng năng lượng mặt trời lắp đặt xong, từ đầu tháng 6 đến nay, bốn nhánh đường khác trong thôn đã lắp đặt theo mô hình này và đưa vào sử dụng với trụ sắt cao 6 mét, chi phí thêm 400.000 đồng mỗi trụ và khoảng cách lắp đặt mỗi đèn cách nhau 25 mét. Các thôn khác đang tham khảo mô hình của thôn Hòa Trung và đang tiến hành triển khai.
Theo anh Xuân Vũ, một kỹ sư điện, việc ứng dụng đèn năng lượng mặt trời thay cho đèn điện lưới đối với các hệ thống thắp sáng công cộng ở nông thôn là đáng khích lệ vì có nhiều ưu điểm, như độ sáng cao, dễ vận hành, không cần kéo dây điện và hạn chế tình trạng chập điện.
Tuy nhiên, anh Vũ cho rằng những hệ thống dạng này có một số nhược điểm, như ánh sáng yếu hơn đèn điện lưới và thời gian sáng ít hơn trong những ngày không có nắng. Ngoài ra, phải vệ sinh tấm pin thu năng lượng mặt trời thường xuyên để đạt hiệu quả cao nhất. Sau thời gian bảo hành, có thể khả năng lưu trữ của pin hay ắc quy tích điện giảm. Lúc này, thôn cần thay pin để tiếp tục sử dụng.
Ông Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, cho biết chính quyền xã rất hoan nghênh mô hình thắp sáng giao thông nông thôn bằng đèn năng lượng mặt trời của thôn Hòa Trung. "Việc thắp sáng bằng đèn năng lượng mặt trời cho các con đường trong thôn là hành động thiết thực. Bên cạnh việc giúp người dân dễ dàng sinh hoạt, mô hình này cũng tăng cường an ninh nông thôn, góp phần vào thực hiện hiệu quả tiêu chí xây dựng nông thôn mới", ông Vượng nhận định. "Chính quyền xã rất ủng hộ nếu có các tuyến đường khác sử dụng hệ thống đèn tương tự trong tương lai".
Link gốc