Sự kiện

Thủy điện Sơn La- gian khổ là đây, vinh quang cũng là đây

Thứ hai, 4/2/2013 | 09:53 GMT+7
Trở lại Tây Bắc vào những ngày cuối năm trong dịp Khánh thành Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á- Nhà máy thủy điện Sơn La. Khiến tôi nhớ về thời gian cân nhắc “Sơn La thấp, Sơn La cao” mới thấy thời gian  vùn vụt trôi nhanh, vô tư và khắc nghiệt, nó có thể làm cho bám bụi tất cả mọi sự vật trên đời này, nhưng nó cũng giúp ta tôn vinh những giá trị thực sự còn lại của sự vật, sự việc.



Thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
 Với công trình thủy điện Sơn La, còn mãi là hình của những người xây dựng thủy điện chinh phục dòng Sông Đà hùng vĩ, viết lên bản hùng ca dân tộc Việt Nam và để lại muôn đời sau hình ảnh vô cùng đẹp về một kỳ tích.

Sông Đà đã được chia làm ba bậc thang thủy điện, gồm: Nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La và sau cùng về phía hạ lưu là nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Như vậy là Nhà máy thủy điện Sơn La nằm ở bậc thang thứ hai, gắn với những địa danh quen thuộc của vùng Tây Bắc là Tạ Bú, Pa Vinh, Bản Pẫu, Bản Tả…

Dự án Thủy điện Sơn La - công trình trọng điểm quốc gia có công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW), với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Được khởi công năm 2005, ngày 17-12-2010 tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công, tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2,3,4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Tính đến 6-1-2013, cả sáu tổ máy đã được vận hành, sản xuất được 12 851.960 tr.kWh.

Để có công trình hiện hữu như hiện nay, Đảng, Chính phủ phải đặt lên “bàn cân” một cách kỹ lưỡng. Trước khi đưa ra quyết định phê duyệt dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La tại địa điểm hiện tại, đã có rất nhiều cuộc họp bàn về “Sơn La cao hay Sơn La thấp”? Sơn La cao (mực nước 265m) thì có hai bậc thang thủy điện (Hòa Bình và Sơn La); Sơn La thấp (215m) sẽ có ba bậc thang thủy điện (Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu); Sơn La nhỏ (về quy mô) sẽ có thêm 3 - 4 bậc thang thủy điện khác trên sông Đà.

Trước đó, để bắt tay vào dự án, những cán bộ chuyên gia cũng đã phải trường kỳ 25 năm làm công tác khảo sát, thiết kế, thăm dò, tranh luận, họp bàn về những tác động của dự án đến môi sinh, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa ở khu vực lòng hồ,  di dân tái định cư, an ninh quốc phòng của khu vực Tây Bắc…
 Sông Đà được mệnh danh là “kho vàng trắng” của quốc gia, bởi thế, việc nghiên cứu quy hoạch trên dòng sông này sớm được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau khi khánh thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào năm 1994, Dự án thủy điện Sơn La được bắt tay vào triển khai bới theo tính toán, khi hoàn thành, Nhà máy thủy điện Sơn La sẽ cung cấp hơn 10 tỷ kWh/năm, chiếm 15% tổng sản lượng điện của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, còn góp phần chống lũ về mùa mưa, cũng cấp nước về mùa kiệt cho Đồng bằng Bắc bộ.

So với yêu cầu tại quyết định đầu tư, thời điểm tổ máy cuối cùng của Nhà máy thủy điện Sơn La phát điện là sớm hơn 3 năm. Việc về đích sớm hơn 3 năm đồng nghĩa với việc cung cấp cho nền kinh tế quốc dân ngoài kế hoạch 30 tỷ kWh điện năng, tương đương giá trị 1,5 tỷ USD (nếu tính giá điện tại thời điểm hiện tại là 5 cens USD/kWh).

Vinh quang này trước hết thuộc về những người lao động trên công trường thủy điện Sơn La. Sự kỳ diệu ở Thủy điện Sơn La được góp nhặt từ những công việc tưởng như rất đơn giản. Đó là việc Tư vấn thiết kế thay biện pháp đổ bê tông đập dâng bằng công nghệ đầm lăn với phụ gia khoáng  là tro bay của Nhiệt điện Phả Lại, kết quả của 3 năm nghiên cứu sáng tạo trong phòng thí nghiệm và tại các bãi thực nghiệm ở hiện trường. Áp dụng công nghệ tiên tiến này vừa giảm giá thành xây dựng, vừa tăng được về cường độ đổ bê tông đập dâng bình quân đến 120 ngàn m3/tháng, giảm thời gian xây dựng. Rối đến việc nghiên cứu tiến độ về phương thức vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng để thay phương án nhà máy 8 tổ máy bằng phương án nhà máy 6 tổ máy, biến áp 1 pha bằng biến áp 3 pha để giảm khối lượng xây dựng và thời gian thi công. Các nhà thầu thi công là những đơn vị thi công thủy điện có năng lực mạnh, giàu kinh nghiệm, cùng với việc đầu tư thiết bị hiện đại họ đã làm nên một kỷ lục về cường độ đắp đập bê tông đầm lăn ở Việt Nam: 8000m3/ngày và 190.000 m3/tháng, lên đập 18m/tháng. Hoàn thành đắp đập bê tông đầm lăn 2,7 triệu m3 trong 32 tháng, sớm hơn 1 năm so với yêu cầu. Nhiều chuyên gia đến kiểm tra và thăm công trình đều có nhận xét: hiếm thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị thực hiện dự án trên công trường như vậy. Thành công này trước hết thuộc về Chủ đầu tư.
 


Khu Tái định cư mới

Dự án di dân Tái định cư (TĐC) của Thủy điện Sơn La có khối lượng lớn nhất từ trước đến nay với 30 nghìn hộ dân chịu ảnh hưởng trong đó có hơn 20 nghìn hộ dân với trên 10 vạn nhân khẩu của 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phải di chuyển.

Tôi còn nhớ, vào đầu những năm 2000 trở về trước, để vào được Mường La phải mất cả ngày trời để vượt qua con đường độc đạo nằm lọt thỏm giữa khe núi dài ngót 40km. Bây giờ, từ trung tâm hành chính Sơn La đi vào Nhà máy thủy điện chưa đầy một giờ đồng hồ, hai bên đường, nhà cửa san sát. Người dân bản địa đi lại đã thuận lợi về đường sá giao thông, giao lưu thương mại cũng bắt đầu phát triển.

Sự khởi sắc, thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề không chỉ Mường La mà dường như chuyển động cả vùng Tây Bắc với các Khu TĐC. Những vùng tiếp giáp với hồ chứa nước của thủy điện Sơn La hình thành nhiều làng chài để khai thác đánh bắt thủy sản trong.

Dự án Thủy điện Sơn La đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh vùng Tây Bắc. Vùng đất này đang bật lên với một diện mạo mới, đời sống nhân dân được cải thiện. Với những lợi thế về địa lý và từ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La đem lại về giao thông đường xá, Sơn La sẽ sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực miền núi Tây Bắc.

Những người thợ xây dựng thủy điện đã dời thủy điện Sơn La trước mùa Xuân, để lại sau lưng kỳ tích của thế kỷ, sự kỳ diệu trong lịch sử dân tộc và kho “vàng trắng” quốc gia để đi về mọt vùng đất khó khăn gian khổ hơn. Họ chính là những người mang lại mùa xuân cho dân tộc, cho đất nước này.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn