Đảm bảo cấp điện cho sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Hà/Tinnganhdien.vn
Đến thăm một gia đình người Chăm. Ở đây, tôi đã gặp những người phụ nữ và được nhìn từng đôi bàn tay vẫn vuốt mềm mại trên nư gốm; gặp những cuộc đời từ bé gái rồi thiếu nữ, rồi đàn bà, rồi cụ già Chăm là những bước chân xoay quanh những chiếc lu, bình cũ, soi tìm bóng dáng và ý nghĩa đời sống của mình qua nắm đất xứ sở. Thế giới ấy, những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời cùng tiếng nổ lách tách của lò nung đất, rồi thân phận cũng như những giả gốm kia, chịu hoả biến trong lò nung, vần xoay cùng thế cuộc.
Cũng ở cái nơi một năm một mùa nắng gió này, những đường thổ cẩm vẫn trôi đều trên khung dệt. Những đường hoa văn nối kết, xâu chuỗi thời gian, nối nắng gió từ những tháng gần với năm xa, buộc quá vãng và tương lai lại trong từng nét phác giản dị trên từng bàn tay khéo léo, mềm mại. Sớm mai, những cô gái lại quấn lên mình hoa văn ấy mà đi hội, những người già lại quấn lên đầu những dải khăn đỏ và bước lên ngọn tháp thành kính để tạ ơn Pô Klong Giarai hay Pô Rômê, tạ ơn xứ sở đã sinh thành và nuôi dưỡng cộng đồng.
Mặc dù quanh năm chỉ có nắng và gió nhưng Ninh Thuận, Bình Thuận cũng là sứ sở của đặc sản trái cây nổi tiếng như: thanh long, nho, táo. Trong việc gìn giữ các sản phẩm truyền thống của người Chăm như: gốm Bàu Trúc, Bình Đức, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Phan Hòa; trồng cây trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân đều có sự đóng góp quan trọng từ việc đảm bảo cung cấp điện.
Anh Nguyễn Nguyên (thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cho biết với diện tích 1ha, nếu cứ 3 trụ thắp 2 ngọn đèn điện thì người trồng thanh long phải chong khoảng 600-800 bóng đèn và anh còn cho biết, với giá điện ngày càng tăng, gia đình nào mạnh dạn đầu tư sử dụng bóng đèn compact sẽ giảm được 2/3 lượng điện năng tiêu thụ, tính ra mỗi tháng cũng giảm được khoảng 5-6 triệu đồng.
Những người trồng thanh long cho biết, cây thanh long được 2 tuổi thì bắt đầu phải để xông đèn kéo dài từ 15 đến 20 ngày và khoảng 12 tiếng mỗi ngày vào ban đêm cho cây ra hoa. Thanh long được trồng quanh năm, mỗi năm 5 vụ, có 2 vụ chính không phải xông đèn, 3 vụ còn lại mà thiếu điện thì coi như mất mùa. Vì vậy, đối với mảnh đất sữ sở của thanh long này, điện là nhu cầu như nước uống, cơm ăn, áo mặc của người dân, bởi nếu thiếu điện thì mất mùa, mà mất mùa thì rơi vào cảnh đói kém như người nông dân mất mùa lúa.
Cán bộ công nhân Công ty Điện lực Bình Thuận hầu hết là người địa phương nên thật sự thấu hiểu điều đó. Thiếu điện do nguồn thì ngoài tầm kiểm soát nhưng để thiếu điện hoặc cung cấp điện không ổn định do lưới, do lỗi vận hành sẽ là có tội với người nông dân một nắng hai sương với cây thanh long, trong đó có cả người thân, gia đình mình. Vì vậy, mặc dù còn hạn hẹp về nguồn vốn nhưng anh em bên ngành điện cũng như lãnh đạo tỉnh Bình nỗ lực trong việc bàn giao và tiếp nhận lưới điện nông thôn để đầu tư bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận Nguyễn Tấn Lân nói: Sau khi tiếp nhận lưới điện nông thôn, Công ty bắt tay ngay vào đầu tư, nâng cấp lưới điện, từ năm 2002 đến nay đã đầu tư bình quân 10-15 tỷ/năm. Nhờ vậy, các hộ sử dụng điện nông thôn ở những khu vực ngành điện tiếp nhận không còn phải đóng tiền sửa chữa như trước đó, không phải chịu thêm gánh nặng về chi phí phát sinh do thất thoát điện năng.
Người dân huyện Hàm Tân- Bình Thuận sống chủ yếu bằng nuôi tôm và trồng thanh long, cả hai nghề “sinh nhai” này của người dân đều phụ thuộc vào ngành điện. Có lẽ vì vậy mà việc bàn giao lưới điện từ phía địa phương cũng như tiếp nhận từ phía ngành điện đều rất suôn sẻ và là một huyện duy nhất hiện nay của tỉnh Bình Thuận do ngành điện quản lý bán điện 100% đến hộ sử dụng. Sự cương quyết của chính quyền huyện Hàm Tân trong việc bàn giao sớm lưới điện hạ thế cho ngành điện quản lý trong khi các huyện khác còn đang chần chừ, ngẫu nhiên đã rất thuận lợi trong việc xin cấp vốn nâng cấp lưới điện. Chưa kể, đầu tư tối thiểu sau nhận bàn giao, thì trong 10 năm, vốn đầu tư để đảm bảo cung cấp điện lâu dài trên địa bàn Hàm Tân khoảng 141 tỷ đồng. Đối với một huyện có 2 thị trấn và 9 xã thì đây là con số không nhỏ.
Cũng như Bình Thuận, người dân Ninh Thuận, cũng có số đồng bào Chăm sống khá đông chiếm 41,6% dân tộc Chăm trên cả nước và 15% dân số tỉnh và phần lớn quần cư theo làng nghề truyền thống gốm và dệt thổ cẩm, trồng nho, táo. Tuy nhiên, người nông dân trồng cây nho và táo không bị phụ thuộc vào việc cung cấp điện, vì vậy, Công ty Điện lực Ninh Thuận phải dốc hết tâm lực vào việc chứng minh tính “vượt trội” trong dịch vụ cung cấp điện để chiếm lĩnh thị trường ở các địa bàn có giá bán điện cao.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận Nguyễn Vũ Thanh Hồng trăn trở: Hiện nay, Công ty còn bán điện qua công tơ tổng cho 4 Hợp tác xã (HTX), giá bán điện bình quân năm nay của Công ty là 1.332 đồng/kWh, nhưng giá bán bình quân cho các HTX là 1.039,4 đồng/kWh. Nếu dịch vụ khách hàng của các HTX này cũng như ngành điện thì không có gì phải băn khoăn nhưng ngay cả lắp đặt công tơ cho khách hàng họ cũng thu tiền, áp giá bán điện tùy tiện không đúng theo giá quy định, công tơ không được kiểm định..Như vậy, giá bán điện mà Nhà nước ưu đãi cho các tổ chức này, khách hàng sử dụng điện nông thôn không được thụ hưởng mà Nhà nước cũng bị thất thu.
Những ngày ngắn ngủi cùng đêm chong đèn với vườn thanh long, ghé thăm các làng nghề truyền thống của người Chăm, vườn nho, vườn táo núc nỉu giàn trái…tôi hiểu trong đó có sự nỗ lực không ngừng của anh em ngành điện. Phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh của miền là những gì rất trừu tượng với người dân Ninh Thuận, Bình Thuận, chỉ có những vụ mùa bội thu mới là là sự ghi nhận hiện hữu nhất của người nông dân ở nơi nắng, gió ngặt nghèo đối với ngành điện.
Đêm Chăm vỡ vạc những giấc mơ gạch nung từ miền thời gian nào đó xa lắc...và ban mai lại về trên miền nắng. Mặt trời chói gắt từ trước tiếng gà gáy. Lại bắt đầu từ bước chân những Chiêm nữ đội vò đi qua đồi. Bên cạnh những Chiêm nữ đội cả bầu trời đất nung mà đi, bây giờ người dân nới đây cũng quen thuộc với hình ảnh những người thợ điện với bộ quần áo bảo hộ màu da cam làm việc dưới nắng, gió và bụi mù. Những quãng đồng rộng, hơi nước từ đất bị mặt trời hong khô, bốc lên chờn vờn mặt đất, khiến những hình ảnh kia lung linh và huyền ảo bủa vây quanh xứ sở này. Cái đẹp ấy như thực, như hư.