Theo đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu được tăng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thị trường trong nước được quan tâm hơn, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được mở rộng.
Trong thành tích chung của ngành Công Thương, có sự đóng góp quan trọng của ngành Điện, một ngành công nghiệp mũi nhọn, hàm lượng khoa học và công nghệ (KH&CN) cao trong quá trình đầu tư - xây dựng - sản xuất - kinh doanh - quản lý. Đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến cải tạo kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, quản lý và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… là những đòi hỏi liên tục trong hoạt động của cả dây chuyền sản xuất - truyền tải - phân phối kinh doanh điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). KH&CN ngành Điện đã xác lập được vị trí, vai trò trong sự phát triển của ngành Công Thương cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước.
EVN luôn quan tâm đến công tác phát triển KH&CN, chú trọng triển khai các đề tài, dự án, đặc biệt đổi mới công nghệ thông qua dự án đầu tư để nhập khẩu công nghệ, nhập khẩu chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới tiên tiến phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển hệ thống điện Việt Nam. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.
Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN cấp Nhà nước, cấp bộ do các đơn vị trong EVN chủ trì thực hiện đã được áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, quy hoạch nguồn và lưới điện, cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm tổn thất điện năng, vận hành tối ưu hệ thống điện, ổn định cung cấp điện năng, đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại, chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho Ngành.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động KH&CN ngành Điện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu còn lạc hậu, chưa đồng bộ, tổ chức nghiên cứu KH&CN vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP, ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng các giải pháp KH&CN tại các đơn vị trong Tập đoàn còn hạn chế, có đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý và đầu tư cho KH&CN.
Thực tế hoạt động KH&CN trong thời gian qua cũng cho thấy, các đơn vị trong ngành Điện còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp nhận công nghệ mới, tạo công nghệ nội sinh, hướng tới mục tiêu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng một cách tốt nhất, ổn định, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Công nghệ thi công bê tông đầm lăn tại Thủy điện Sơn La
Trong thời kỳ 2011-2020, xu thế toàn cầu hóa kinh tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Kinh tế thế giới sẽ dịch chuyển dần từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, từ kinh tế vật thể sang kinh tế tri thức. Trong tình trạng khan hiếm tài nguyên, năng lượng, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng trầm trọng. Những vấn đề toàn cầu như: an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh… sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của nước ta theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định, phát triển KH&CN là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.
Hướng trọng tâm hoạt động KH&CN vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiều sâu, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để thực hiện thành công định hướng phát triển này, hoạt động KH&CN ngành Điện giai đoạn 2011-2020 cần phát huy tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, yếu kém của giai đoạn trước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai, ứng dụng KH&CN vào thực tế sản xuất kinh doanh của Ngành; chú trọng sản xuất và kinh doanh điện một cách hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.
Trong giai đoạn tới, cần tạo nên sự gắn kết giữa nghiên cứu và nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh, chú trọng đúng mức đến việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, gắn kết hoạt động KH&CN ở các cấp, từ bộ đến Tập đoàn với kế hoạch phát triển ngành. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa hoạt động KH&CN với yêu cầu phát triển của ngành Điện, cung cấp các luận cứ khoa học, góp phần duy trì phát triển ngành, thực hiện tái cơ cấu ngành … Vì vậy, hoạt động KH&CN của ngành Điện cần tập trung xây dựng tổ chức KH&CN của ngành để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển KH&CN; đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có trọng điểm theo yêu cầu phát triển của Ngành; nâng cao tiềm lực KH&CN, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất, tạo bước chuyển biến đột phá trong đầu tư và phát triển tiềm lực KH&CN với những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Nghiên cứu khoa học và tiếp cận công nghệ xây dựng, lắp đặt, quản lý, vận hành, bảo dưỡng phục vụ vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả nhà máy điện hạt nhân.
Nghiên cứu KH&CN nhằm sớm đưa thị trường điện cạnh tranh vào vận hành có hiệu quả.
Về công nghệ nhiệt điện, nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng than, khí đốt; tăng độ độ tin cậy và hệ số sẵn sàng thiết bị.
Nghiện cứu ứng dụng vào làm chủ công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy điện, đảm bảo khai thác tổng hợp nguồn tài nguyên nước; nâng cao năng lực xây dựng tiêu chuẩn và quản lý an toàn đập thủy điện; ứng dụng hợp lý công nghệ vật liệu và thi công mới; tiên tiến trên thế giới trong xây dựng và quản lý công trình thủy điện…
Nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và truyền tải điện năng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải; phát triển các hệ thống điều độ tiên tiến; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đo lường, giám sát, điều khiển, bảo vệ và quản lý vận hành.
Nghiên cứu áp dụng hiện đại hóa lưới điện phân phối, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; triển khai ứng dụng công nghệ mới đo đếm điện năng, truyền dữ liệu… để nâng cao năng lực kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng.
Phát triển và ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nghiên cứu ứng dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo khác phục vụ phát triển kinh tế -xã hội…
Hoạt động KH&CN ngành Điện từ năm 1995 đến nay có những chuyển biến mạnh mẽ, xác lập được vị trí quan trọng trong sự phát triển của ngành Điện và đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Với chính sách quản lý của Nhà nước, phát huy các kết quả đạt được, khai thác yếu tố tích cực của cơ chế thị trường, hoạt động KH&CN ngành Điện trong thời gian tới sẽ hướng tới mục tiêu cung cấp điện một cách an toàn, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng